Lâm Đồng: 50 năm vươn mình từ tỉnh khó khăn đến điểm sáng phát triển vùng Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ một tỉnh miền núi khó khăn, dân thưa, cơ sở hạ tầng yếu kém, sau 50 năm giải phóng, Lâm Đồng đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Những thành quả nổi bật về kinh tế - xã hội, quy hoạch và tầm nhìn chiến lược đang tạo đà cho Lâm Đồng tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển nhanh và bền vững.
Du lịch là điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh trong bài: Lamdong.gov.vn)
Du lịch là điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh trong bài: Lamdong.gov.vn)

Tái thiết sau chiến tranh

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và Nhân dân Lâm Đồng đã kiên cường bám trụ, huy động sức dân để tiến hành đấu tranh chính trị, làm công tác binh địch vận và đẩy mạnh đấu tranh vũ trang. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, thắng lợi lớn của quân dân Lâm Đồng - Đà Lạt là đã biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta. Cán bộ bám trụ, Nhân dân đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ - chiến sĩ, tích trữ vũ khí, lương thực, nuôi dưỡng thương binh, cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến...

Ngày 03/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Tỉnh trưởng Tuyên Đức - nay là trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng - ghi dấu sự kiện lịch sử: Lâm Đồng hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng này không chỉ có ý nghĩa với địa phương, mà còn là bàn đạp chiến lược, góp phần quyết định vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong một thời gian ngắn sau ngày giải phóng, về mặt tổ chức hành chính của hai tỉnh Lâm Đồng (cũ) và Tuyên Đức có nhiều lần thay đổi. Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về việc bỏ khu, hợp tỉnh; các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy được nhập lại thành tỉnh Thuận Lâm, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Phan Rang.

Ngày 6/1/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết về việc giải thể tỉnh Thuận Lâm và hợp nhất các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, thành phố Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng.

Sau đó, cùng với cả nước, Lâm Đồng bắt tay ngay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Lâm Đồng đối mặt với muôn vàn khó khăn như sản xuất nhỏ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thấp kém, hệ thống đường giao thông trong điều kiện chiến tranh không được tu sửa, bảo dưỡng nên xuống cấp nghiêm trọng.

Cơ sở kinh tế có trên 6.000ha chè, gần 30 cơ sở chế biến chè; diện tích cây cà phê khoảng 1.000ha; có gần 3.000ha rau, hoa và cây ăn trái; gần 2.000ha cây lương thực sản xuất tại chỗ để giải quyết nhu cầu lương thực cho Nhân dân. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có một số cơ sở sửa chữa cơ khí, chế biến quy mô nhỏ ở Đà Lạt và Bảo Lộc, còn hầu hết các địa phương khác chưa phát triển. Cơ sở vật chất - kỹ thuật công nghiệp nghèo nàn, chỉ có hai nhà máy sản xuất đồ sứ, một số nhà máy xẻ gỗ với thiết bị máy móc lạc hậu.

Với sự hỗ trợ của Trung ương và quyết sách đúng đắn của địa phương, từ đầu những năm 2000, tỉnh đã chuyển mình mạnh mẽ. Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã tập trung phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực dựa vào lợi thế cạnh tranh của các loại cây trồng chủ lực; đồng thời phát triển du lịch, xác định là ngành kinh tế động lực trong nền kinh tế của địa phương...

Thành phố Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam.

Thành phố Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam.

Với quyết tâm và sự đoàn kết, nỗ lực đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng, là tỉnh phát triển khá của cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao, GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 21%. Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, tăng 5,1%, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thu ngân sách đạt 13.100 tỷ đồng.

Du lịch tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng. Nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn, các giải thể thao cấp quốc gia, đặc biệt Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X thành công, tiếp tục khẳng định thành phố Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam, thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO và thành phố thuộc Nhóm 5 thành phố Festival ấn tượng của châu Á.

Bước vào kỷ nguyên vươn mình

Một trong những đột phá chiến lược của tỉnh là quyết định đầu tư tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công - tư, tổng mức đầu tư hơn 17.700 tỷ đồng. Đây là biểu tượng cho tinh thần kết nối - phát triển - hội nhập của địa phương. Cảng hàng không Liên Khương được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế; hệ thống giao thông công cộng được mở rộng, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa các vùng trong tỉnh và tới TP Hồ Chí Minh, thuận tiện cho người dân và du khách.

Tỉnh cũng đã công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; các công trình, dự án trọng điểm đang được ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư; phong trào thi đua “Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lâm Đồng đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên cùng đất nước” đang được triển khai thực hiện mạnh mẽ, là điều kiện để khơi thông nguồn lực mới, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tạo đột phá cho năm 2025 và làm tiền đề cho giai đoạn 2026 - 2030; hướng đến xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm đáng đến, đáng sống, khẳng định vị thế và vai trò đối với vùng Tây Nguyên và cả nước.

Thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Lâm Đồng dự kiến sẽ sắp xếp 137 xã, phường thành 51 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái, sau khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông sẽ thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, hội tụ đủ rừng, biển, biên giới và hải đảo. Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có tổng GRDP đứng thứ 8 toàn quốc, với các ngành kinh tế chủ lực như cà phê, sầu riêng, tơ tằm, cá nước lạnh... chiếm tỷ trọng hàng đầu. Đặc biệt, mỏ bôxít lớn thứ hai thế giới tại đây được kỳ vọng tạo bước phát triển đột phá cho tỉnh Lâm Đồng. “Đây là tiềm năng, lợi thế vô cùng lớn để đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển hàng đầu cả nước”, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái nêu những lợi thế của tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái nêu những lợi thế của tỉnh.

Chặng đường 50 năm đã qua là nền tảng vững chắc để Lâm Đồng bước vào giai đoạn phát triển mới. Với định hướng đúng đắn, sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, tỉnh đang khẳng định vị thế trung tâm kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và cả nước.

Từ vùng đất từng chịu nhiều tổn thất do chiến tranh, Lâm Đồng đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm sáng phát triển của cả nước. 50 năm là một hành trình nỗ lực bền bỉ, đặt nền móng cho kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của khát vọng, hội nhập và bứt phá.

Đọc thêm