Những dấu ấn không thể phai mờ của Anh hùng Lực lượng vũ trang Tư Cang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong buổi giao lưu 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của TP HCM, Anh hùng Lực lượng vũ trang Tư Cang (tên thật Nguyễn Văn Tàu) dù đã 97 tuổi vẫn nhớ và kể vanh vách những ngày tháng lịch sử 30/4 tại TP HCM 50 năm trước.

Tại đây, Anh hùng Lực lượng vũ trang Tư Cang nhớ về câu chuyện xúc động về sự hy sinh của 52 chiến sĩ bảo vệ cầu Rạch Chiếc vài ngày trước khi đất nước thống nhất; về ngày 30/4 lịch sử khi Tổng thống Dương Văn Minh nói với người Mỹ trước khi đầu hàng Quân Giải phóng.

"Từ nhỏ tôi theo các ông, đến giờ này cho tôi làm cho đất nước tôi một chút. Mừng là chúng ta Giải phóng Sài Gòn được nguyên vẹn. Đó là nhờ sự phối hợp tốt giữa các lực lượng, đặc biệt công tác binh vận rất tốt" - Đại tá Tư Cang kể.

Ở hiện tại, ông Tư Cang giữ vai trò Ủy viên Thường vụ trong CLB Truyền thống Kháng chiến TP HCM. Ngoài ra, ông vẫn viết sách và đi gặp gỡ, giao lưu tại nhiều trường Đại học, với mong muốn kể lại những câu chuyện thời gian khó, bom rơi đạn lạc, để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ biết được, có thể độc lập như ngày hôm nay là biết bao xương máu đã đổ xuống.

Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM - Nhà sử học Nguyễn Đình Tư chia sẻ, sau ngày 30/4, cuộc sống điều người dân quan tâm nhất của người dân là vấn đề bao tử.

"Sau khi miền Nam giải phóng, chiến tranh chấm dứt, cuộc sống của người dân vô cùng chật vật, khó khăn. Chính sách quan liêu bao cấp khiến cây kim sợi chỉ cũng không biết mua ở đâu vì cửa hàng đóng cửa. Trước thực trạng đó, ai cũng lo, cũng buồn, may sao cán bộ, chính quyền nhìn thấy được nên đã âm thầm thực hiện những chính sách cứu vãn tình thế. Sau này bị Trung ương kết tội xé rào làm chui, nhưng nhờ đó người dân sống thoải mái, có gạo để ăn" - ông kể.

Với ông Phạm Chánh Trực - nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP HCM, ông hào hứng khi nhắc đến hoạt động Thanh niên xung phong những ngày đầu sau Giải phóng: thanh niên đổ ra đường làm công việc tình nguyện như điều khiển giao thông, dọn dẹp vệ sinh, xóa bỏ tàn tích… Ông Trực nhấn mạnh, hành trình ra đời Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước đã đánh dấu bước ngoặt hợp tác kinh tế với quốc tế.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Tư Cang (cầm mic) và các các nhân vật gắn với 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của TP HCM giao lưu tại chương trình.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Tư Cang (cầm mic) và các các nhân vật gắn với 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của TP HCM giao lưu tại chương trình.

50 sự kiện, hoạt động nổi bật của TP HCM giai đoạn 1975-2025

1. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Sài Gòn cùng cả nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội

2. Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định làm lễ ra mắt đồng bào thành phố và tiến hành thực hiện các nhiệm vụ

3. Ủy ban nhân dân Cách mạng TP HCM ra mắt nhân dân

4. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 6 nước Việt Nam thống nhất đã thông qua nghị quyết chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành TP HCM

5. Phát động phong trào Vì tuyến đầu Tổ quốc và Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc

6. Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết tạo cơ chế đặc biệt thúc đẩy TP HCM phát triển (Nghị quyết 01, Nghị quyết 20, Nghị quyết 16 và Nghị quyết 31)

7. Ca mổ tách rời cặp song sinh Việt - Đức thành công

8. Thành lập khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước

9. Khánh thành Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, Củ Chi

10. Chính thức vận hành tuyến Metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên)

11. Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc tổ chức tại Sài Gòn

12. Từ "chạy gạo" đến "xé rào bung ra", phá bỏ cơ chế giá lỗi thời

13. TP HCM khởi xướng phong trào nhà tình nghĩa, xóa đói giảm nghèo và bền bỉ thực hiện

14. Phong trào Thanh niên tình nguyện TP HCM

15. Hoạt động kỷ niệm 300 năm thành lập TP Sài Gòn (nay là TP HCM)

16. Rừng Sác, rừng ngập mặn Cần Giờ được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam

17. TP HCM đón nhận các danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, thành phố anh hùng

18. TP HCM kiên cường vượt qua đại dịch COVID-19

19. Khánh thành đường hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) và đại lộ Đông Tây (Đại lộ Võ Văn Kiệt)

20. Khánh thành dự án cải tạo, hồi sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

21. Khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trụ sở HĐND và UBND TP HCM

22. Ngày hội ra quân lao động của Đoàn Thanh niên TP HCM - thành lập lực lượng TNXP TP HCM

23. Các hoạt động nổi bật của báo chí TP HCM: (Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển; Học bổng Vì ngày mai phát triển; Nữ sinh hiếu học, vượt khó; Giải Quả bóng vàng; Giải Mai vàng; Giải Làn sóng xanh; Chuông vàng vọng cổ…)

24. TP HCM được công nhận là đô thị đặc biệt - khẳng định vị thế chiến lược và tầm nhìn phát triển

25. TP Sài Gòn - Gia Định long trọng tổ chức mít tinh mừng chiến thắng

26. Hội hoa xuân tại công viên Tao Đàn và đường hoa Nguyễn Huệ

27. Giải báo chí TP HCM được hình thành và đã trải qua chặng đường 42 năm không ngừng phát triển

28. Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình TP HCM

29. Những em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

30. TP HCM tiên phong, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đứng thứ 111/1000 TP HCM có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động trên thế giới

31. Khánh thành Khu công nghệ cao TP HCM

32. Chuỗi sự kiện thúc đẩy phát triển du lịch thành phố (Hội chợ Du lịch quốc tế, Lễ hội Áo dài…)

33. Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

34. Thành lập Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon CO.OP)

35. Thành lập Đại học Quốc gia TP HCM

36. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư"

37. Phát động phong trào kế hoạch nhỏ của thiếu nhi TP HCM đóng góp xây dựng "Đoàn tàu Thống nhất"

38. Huyện Duyên Hải (Cần Giờ) sáp nhập vào TP HCM

39. Xây dựng Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP HCM

40. Thành lập Khu công viên phần mềm Quang Trung - khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước

41. Phong trào "Hiến đất làm đường, mở hẻm"

42. Chương trình "Bình ổn thị trường" góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định nguồn cung hàng hóa; bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao

43. Lễ hội đường sách tết và Đường sách TP HCM

44. TP HCM được tổ chức UNESCO công nhận thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu

45. Thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM

46. TP HCM và TP San Francisco (Mỹ) ký kết thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị

47. TP HCM khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán

48. Khánh thành đại lộ Nguyễn Văn Linh - con đường của tầm nhìn mới; xây dựng khu dân cư Phú Mỹ Hưng

49. Ra mắt chương trình "Nói và làm", "Lắng nghe và trao đổi", tiền thân chương trình "Dân hỏi - chính quyền trả lời"

50. Giải thưởng Tôn Đức Thắng - giải thưởng dành cho công nhân TP HCM.

Đọc thêm