Đặc biệt, doanh thu bán vốn “khủng” (bao gồm cả 24 triệu cổ phần tại CTCP Nhựa Bình Minh) là 2.669 tỷ đồng, chiếm gần 48% tổng thu thoái vốn của cả nước là 5.598 tỷ đồng (số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm 2018 của Ban Đổi mới DN). 6 tháng đầu năm thuế thu nhập DN và lợi nhuận sau thuế của SCIC nộp vào NSNN là 1.513 tỷ đồng, nộp Quỹ Hỗ trợ phát triển sản xuất DN tiền bán vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh số tiền 2.182 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, SCIC chỉ tiếp nhận 05/45 DN theo Kế hoạch tiếp nhận năm 2018. Số DN chưa chuyển giao gồm 37 DN với tổng vốn nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 14.721 tỷ đồng tại 5 bộ và 08 UBND tỉnh.
Liên quan đến cơ chế bán vốn, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC cho biết, SCIC đã chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai áp dụng thực hiện các quy định mới tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP. SCIC đã lựa chọn thời điểm thích hợp, bán vốn thành công tại Nhựa Bình Minh và một số DN khác mang lại lợi ích cao cho Nhà nước (bán đấu giá 24.139.923 cổ phần tại CTCP Nhựa Bình Minh với giá trị 96.500 đồng/cổ phiếu, thu được 2.330 tỷ đồng, chênh lệch giá vốn 2.182 tỷ đồng).
Lãnh đạo SCIC cũng tự tin khẳng định, sau 12 năm chính thức đi vào hoạt động, SCIC có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản trị vốn nhà nước với vai trò cổ đông tại các DN theo đúng quy định của Luật DN. SCIC đã thực hiện tái cơ cấu, qua đó hỗ trợ DN nâng cao hiệu quả hoạt động và có chuyên môn sâu trong triển khai công tác bán vốn. Quy trình bán vốn của SCIC được xây dựng đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả với mạng lưới rộng nhà đầu tư trong nước và quốc tế; kết quả cho thấy hiệu quả bán vốn của SCIC bình quân đạt 3,5 lần so với giá vốn, cao hơn kết quả bán vốn trên toàn quốc (1,48 lần/giá vốn).