Nhiệm vụ cấp bách liên quan Luật Đất đai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sớm ban hành văn bản quy định chi tiết các Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15), Nhà ở (Luật số 27/2023/QH15), Kinh doanh bất động sản (Luật số 29/2023/QH15) là yêu cầu đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; tổ chức mới đây.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Hôm qua (10/10/2024), vấn đề này tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong Công điện số 105/CĐ-TTg. Theo đó, các địa phương tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; hoàn thành trước ngày 15/10/2024.

Thời gian qua, Luật Đất đai (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024), bước đầu đã đi vào cuộc sống, góp phần vào việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy định, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Việc đưa Luật Đất đai sớm có hiệu lực thi hành là yêu cầu cấp thiết, nhiệm vụ cấp bách để giải quyết các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn. Theo đề xuất của các tỉnh, thành, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh thời gian sớm 5 tháng hiệu lực với Luật Đất đai.

Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã hoàn thành việc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ trước 1/8/2024. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 10 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 Quyết định, Bộ trưởng TN&MT, Tài chính đã ban hành 5 Thông tư; một số tỉnh, thành đã tập trung nguồn lực ban hành một số văn bản liên quan.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chưa ban hành đầy đủ các nội dung được giao trong Luật Đất đai; đặc biệt, có địa phương chưa ban hành được một nội dung nào.

Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có liên quan chặt chẽ, mật thiết đến việc triển khai các nhiệm vụ, dự án cụ thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Mục tiêu là tháo gỡ khó khăn, đề ra một số chủ trương, chính sách mới để tạo nguồn lực phát triển, trong đó có thị trường bất động sản, bảo đảm chế độ chính sách về nhà ở.

Các đạo luật quan trọng này đi vào cuộc sống, đã mang lại hiệu quả như phân cấp, phân quyền về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, xác định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lấn biển… đã tạo được sự đồng thuận của đa số người dân, cộng đồng DN và sự thống nhất của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương góp phần giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy, càng phải nhanh chóng hoàn thiện thẩm định ban hành các văn bản theo đúng thẩm quyền, nhiệm vụ đã được giao.

Đọc thêm