Đỉnh Everest (8.848 m)
Để chạm tới đỉnh Everest cao 8.848 m, người leo núi biết rằng mình có thể sẽ không bao giờ quay trở lại. Everest được mệnh danh là ngọn núi tử thần. Nhiều người đã tử vong ở đây khi đang leo núi vì nhiều lý do như thiếu oxy, suy tim, tê cóng, ngã hoặc do van bình oxy bị đóng băng. Đỉnh núi cao nhất thế giới nằm ở biên giới Nepal và Tây Tạng (Trung Quốc). Nơi đây lần đầu được chinh phục bởi Tenzing Norgay và Edmund Hillary, người New Zealand. Kể từ đó, hơn 10.000 người đã leo lên đỉnh và khoảng 300 người đã bỏ mạng. Ngọn núi đến nay vẫn bao phủ trong nhiều huyền thoại và là ước mơ của nhiều người. Đối với họ, việc chinh phục được đỉnh Everest quan trọng hơn cuộc sống, bất chấp những nguy hiểm về tính mạng. Tuy nhiên, theo các hướng dẫn viên, việc leo Everest trong thời gian gần đây đã trở nên an toàn hơn khi lượng người chinh phục thành công ngày một nhiều. Ảnh: Tim Chong/Reuters
Đỉnh K2 (8.611 m)
K2 là đỉnh núi cao thứ 2 của trái đất, nằm trên biên giới Kashmir và Tân Cương (Trung Quốc). Các nhà leo núi đặt biệt danh cho nó là "Ngọn núi hoang dã" do độ khó chinh phục của nó. Tính đến năm 2018, tỷ lệ tử vong khi chinh phục K2 là 23% trên 367 chuyến. Nỗ lực chinh phục đỉnh cao lần đầu được thực hiện vào đầu thế kỷ 20 nhưng không thành công. Chỉ đến năm 1954, một đoàn thám hiểm người Italy do Ardito Desio mới chinh phục được đỉnh K2. Trong nhiều năm, ngọn núi giữ danh hiệu là nơi duy nhất có độ cao hơn 8.000 m không thể chinh phục được vào mùa đông. Ảnh: mariachily
Đỉnh Kanchenjunga (8.586 m)
Kanchenjunga dịch từ tiếng Tây Tạng có nghĩa là "năm kho lớn chứa tuyết". Đỉnh núi nằm trên biên giới Nepal và bang Sikkim của Ấn Độ. Nơi đây cao 8.586 m và là ngọn núi cao thứ ba trên thế giới. Theo truyền thuyết địa phương, Kanchenjunga là hiện thân của một nữ thần, người cố gắng giết mọi phụ nữ cố gắng leo đến đỉnh. Người ta đã tin vào truyền thuyết này cho đến năm 1998, khi nhà nữ leo núi từ Anh Janet Harision chinh phục được đỉnh. Tuy nhiên, bà lại qua đời 4 năm sau khi đang leo dãy núi Dhaulagiri thuộc Himalaya. Ảnh: Flickr
Đỉnh Annapurna (8.091 m)
"Nữ thần của sự sinh sản" là tên của ngọn núi Annapurna khi dịch từ tiếng Phạn. Đây là ngọn núi cao thứ 10 hành tinh, 8.091 m. Ngọn núi nằm ở phần trung tâm dãy Himalaya thuộc Nepal. Đây là ngọn núi trên 8.000 m đầu tiên được con người chinh phục, song cũng rất nguy hiểm. Theo thống kê, trong 130 lần chinh phục đỉnh thành công thì có 53 nhà leo núi thiệt mạng. Trong số đó, bậc thầy thể thao của Liên Xô, Anatoly Bukreev cũng qua đời tại đây. Ảnh: Arite
Đỉnh Nanga Parbat (8.126 m)
Hãy nhìn vào bên trái - "Ngọn núi giết người" Nanga Parbat. Đó là dòng chữ trên tấm biển chỉ dẫn. Đỉnh núi cao 8.126 m, nằm ở sườn tây dãy Himalaya. Nó được xem là một trong những ngọn núi nguy hiểm nhất để leo khi xét về độ khó kỹ thuật do có nhiều vách đá dựng cao nhất thế giới, đặc biệt ở phía nam có bức tường Rupal cao 4.600 m. Lần đầu tiên lên đỉnh núi thành công được thực hiện vào năm 1953 bởi Hermann Buhl. Trong cùng năm đó, 62 người đã chết khi cố gắng lên đến đỉnh. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong trên ngọn núi này là 22,3% so với số người lên tới đỉnh. Ảnh: Musaf Zaman Kazmi/AP
Đỉnh Baintha Brakk (7.285 m)
Đỉnh Baintha Brakk xinh đẹp, cao 7.285 m, nhưng nguy hiểm khi có sườn núi Panmah Muztagh có biệt danh "kẻ ăn thịt người". Để chinh phục đỉnh núi này, bạn phải vượt qua địa hình bao gồm các đỉnh dốc và nhiều khe nước. Đây là một trong những đỉnh khó chinh phục nhất thế giới khi mất 24 năm giữa lần chinh phục thành công đầu tiên vào năm 1977 và lần thứ 2 vào năm 2001. Lần lên đỉnh thành công gần nhất được thực hiện bởi nhà leo núi người Mỹ Kyle Dempster và Hayden Kennedy vào 21/8/2012. Ảnh: Ben Tubby/Wikipedia Commons
Đỉnh Mont Blanc (4.810 m)
Nóc nhà Tây Âu có độ cao chỉ gần một nửa nếu so với các đỉnh trên dãy Himalaya. Đỉnh nằm trên dãy Alps, có tên được dịch ra tiếng Việt là Núi Trắng. Về kỹ thuật, việc leo lên Mont Blanc không quá khó nhưng vẫn có người tử vong tại đây hàng năm do tuyết lở và điều kiện thời tiết xấu. Mont Blanc lần đầu tiên được chinh phục vào năm 1786 bởi Jacques Balmat và Michel-Gabriel Paccard người Pháp. Ngày nay, ngọn núi được khoảng 35.000 nhà leo núi đến thăm hàng năm và khoảng 100 người trong đó thiệt mạng. Ảnh: Tinelot Wittermans