Cuộc hẹn hò bị phá rối
Đêm 1/8, Hank Layvas và bạn gái Dora Barrios chui vào trong xe hơi đậu bên hồ dưới ánh trăng. Hank là một gã trai thuộc hạng “đàn anh” trên phố 38 khiến nhiều người sợ nhưng cũng không ít kẻ nể nang. Bỗng đâu, một băng đối thủ của Hank kéo tới tấn công, cả Hank lẫn Dora bị đánh không thương tiếc. Ngay đêm đó, Hank tụ tập đàn em của mình đi trả thù những kẻ đã dám phá luật “hiệp sĩ” đánh cả bạn gái của hắn. Gần 30 thanh niên cả trai lẫn gái kéo nhau về phía hồ Sleepy Lagoon.
Cùng đêm ấy, Jose Diaz, một chàng trai sinh ra tại Mexico nhưng lớn lên ở Mỹ, đến dự một bữa tiệc bạn bè tổ chức chia tay trước khi cậu đăng lính. Một bữa tiệc như thường lệ, với âm nhạc, đồ ăn và dĩ nhiên không thể thiếu rượu bia và nhảy nhót. Băng đảng của Hank kéo tới nơi gã bị đánh thì ở đấy trống hoác, cơn giận dữ của cả bọn dồn về phía có tiếng nhạc của bữa tiệc chia tay với Jose Diaz vọng tới. Và một cuộc ầu đả kéo dài chừng hơn 10 phút đã xảy ra.
Sáng hôm sau, người ta tìm thấy Jose Diaz nằm bất tỉnh bên vệ đường, xương sọ bị rạn do bị một vật cùn đánh hay đập mạnh. Dù được đưa tới bệnh viện nhưng sau đó Diaz không tỉnh lại được. Nguyên nhân cái chết của Jose Diaz cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Mặc dù lúc đó khám nghiệm cho rằng anh ta bị xe tông chết trong tình trạng say rượu nhưng cảnh sát lại nghi nhóm của Hank Leyvas, 20 tuổi, là thủ phạm sát hại. Layvas và 24 thành viên của cái “băng đảng phố 38” bị bắt ngay lập tức về tội giết người.
Đúng vào thời điểm đó, Cuthbert L. Olson – thống đốc bang California từ 1939 đến 1943 – đang rất lo ngại về tinh trạng phạm tội của thanh thếu niên và ông ta dùng cái chết của Diaz để kêu gọi hành động.
Cảnh sát Los Angeles bắt hơn 600 thanh niên gốc Mexico, những người thời đó thường nổi bật trên đường phố với bộ trang phục đậm nét truyền thống của họ có tên “zoot”. Chiếc áo choàng rộng thùng thình, quần chùng thênh thang như những trái bóng bay.
Vụ án được đưa ra xét xử nhanh chóng, kết thúc ngày 13/1/1943 với bản án chung thân dành cho Hank Leyvas. Ngoài ra, quan tòa Charles W. Fricke kết tội thêm 8 bị cáo khác về tội giết người cấp độ 2, số còn lại nhận bản án ở những mức độ nhẹ hơn.
Trong số 24 người bị bắt ban đầu, có 17 người phải ra tòa về tội giết người. Thế nhưng trong phòng của toà án, các bị cáo không được phép ngồi gần hay trao đổi với luật sư của họ. Toàn bộ các bị cáo đều phải mặc “zoot” khi ra tòa. Các luật sư đã phản đối vì cho rằng buộc bị cáo ăn mặc như vậy sẽ khiến bồi thẩm đoàn coi họ như những “kẻ lưu manh”.
Tuy nhiên quan toà đã từ chối đề nghị do các luật sư đưa ra xin phép tòa cho thân chủ của họ thay đồ khác. Chưa kể trong phiên toà, hễ tên của bị cáo nào được nhắc đến thì bất kể là trong tình huống nào, bị cáo đó cũng phải đứng dậy. Ngoài ra, quan toà Fricke còn cho phép người phụ trách kiều dân của Sở cảnh sát Los Angeles đến để làm chứng rằng cộng đồng những người Mexico nhập cư rất khát máu và bẩm sinh có xu hướng phạm tội hình sự, giết người mà bằng chứng là tập tục hiến tế của người Aztec tổ tiên của họ.
Làn sóng truy lùng “zooter”
Việc xét xử Hank Layvas và nhóm thanh niên có nhiều sai sót gây phản ứng trong cộng đồng người Mỹ thiểu số, đặc biệt những người gốc Mexico, là nhân tố thúc đẩy cuộc nổi loạn của những thanh niên Mỹ gốc Mexico được gọi là “zooter” vào năm 1943.
Mốt “zoot” những năm 1940 trong thanh niên Mỹ gốc Mexico |
Vụ đụng độ đầu tiên xảy ra ngày 30/5/1943 do một nhóm vài chục thuỷ thủ và binh lính da trắng. Cả nhóm lính đang đi dọc phố thì phát hiện một nhóm thanh nữ Mexico trên hè phố đối diện. Những người lính băng qua phố để buông lời chọc ghẹo các cô gái.
Lúc đi ngang qua một nhóm thanh niên Mexico đứng gần đó, một người lính thuỷ tên Joe Dacy Coleman chợt thấy một thanh niên vung tay lên như muốn đe dọa. Coleman xoay người nắm lấy cánh tay nọ thì trong lúc đó anh ta bị đánh một cú mạnh vào đầu lăn ra bất tỉnh, hàm bị gãy. Nhóm thanh niên Mexico lao vào tấn công những người lính đang trêu chọc các cô gái. Cuộc ẩu đã diễn ra nhưng các bạn của Coleman đã kịp đưa anh ta ra khỏi “đấu trường” an toàn.
Vụ xung đột thứ hai diễn ra hôm 3/6, có hơn 200 lính thuỷ Mỹ tham gia, họ thuê hàng chục tắc xi kéo nhau tới, nhưng khi phát hiện đối thủ có khi chỉ là những cậu bé 12-13 tuổi, họ túm chúng, bắt lột bỏ những bộ “zoot” mặc trên người.
Trong vài tháng sau khi vụ án kết thúc, nhiều thanh niên gốc Mexico mặc “zoot” bị truy lùng, họ bị lính Mỹ đóng ở Nam California lôi ra khỏỉ xe hơi đang đi, khỏi nhà hàng, nhà hát và bị bắt lột bỏ những bộ “zoot” đang mặc . Dân chúng da trắng nhiệt tình hỗ trợ những hành động đó.
Đứng trước bối cảnh này, những thanh niên gốc Mexico bắt đầu phản ứng lại, họ đứng lên tự bảo vệ ở những khu phố nơi họ ở. Cuộc nổi loạn kéo dài cả tuần trước khi kết thúc. Sau cuộc nổi loạn này, Hội đồng thành phố Los Angeles quyết định cấm mặc “zoot” khi ra phố. Những cuộc nổi loạn không chỉ có ở Los Angels mà dần lan sang các nơi khác như Beaumont, Texas, Chicago, San Diego, Oakland, Detroit, Evansville, Philadelphia và cả New York.
Sau một tuần Bộ chỉ huy hải quân Mỹ mới can thiệp bằng một lệnh cấm tại ban bố hôm 7/6/1943.
Dưới áp lực của dư luận, ngay cả đệ nhất phu nhân Eleanor Roozvelt cũng bị chỉ trích khi bà lên tiếng lo ngại về những hành động kỳ thị chủng tộc bằng vũ lực. Ngay hôm sau, tờ Los Angeles Times lên tiếng phản ứng lại trong một bài xã luận chụp cho vị đệ nhất phu nhân Mỹ cái mũ “thiên vị cộng sản”. Chính quyền Mỹ còn lập ủy ban điều tra xem những cuộc nổi loạn có bị đức quốc xã giật dây hay không.
Mãi hơn một năm sau, tháng10/1944 Toà phúc thẩm bang California lật ngược bản án với 12 bị can trong vụ án giết người ở Hồ Sleepy Lagoon với nhận định rằng tòa sơ thẩm đã vi phạm nhiều thủ tục tố tụng, định kiến, và không có bằng chứng vững chắc về mối liên hệ giữa 17 bị can này với cái chết của Diaz.
Sau khi ra tù, 17 người này được sự hỗ trợ của hiệp hội các ngôi sao điện ảnh Mỹ, những người cấp tiến và những người cộng sản Mỹ vốn đã tổ chức phong trào vận động quyên tiền giúp họ. Đạo diễn Orson Welles và vợ là Rita Hayworth nằm trong số những người đóng góp nhiều nhất, Well còn tự tay viết truyền đơn bảo vệ các chàng trai. Diễn viên Anthont Quinn, gốc Mexico, cũng ủng hộ mạnh mẽ nhóm trẻ trên phố 38.
Tuy nhiên, cho đến nay đã đúng 70 năm, bí ẩn vụ án Diaz vẫn chưa được giải quyết.