79 mùa xuân của Bác

(PLO) - Trong cuộc đời 79 mùa xuân của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, có 30 mùa xuân “Tha hương”, cộng thêm hai mùa xuân vừa tha hương vừa nằm trong ngục Tưởng Giới Thạch. Trong 30 mùa xuân cách xa Tổ quốc ấy cũng có hai lần đón xuân tại nhà tù Víctoria ở Hồng Kông và 5 cái tết ở trên đất Liên Xô, chỉ có đọc sách mà không được hoạt động nhiều (từ năm 1934 đến năm 1938).
79 mùa xuân của Bác
Nếu tính từ tuổi 17 đã biết tự lập thì trừ đi những năm thơ ấu, những năm “ly thương” và tù ngục, Bác hồ thực sự chỉ “ăn” được 30 cái tết trong nước. Chưa được một nửa cuộc đời – 17 mùa xuân lênh đênh biển cả, 4 xuân trong xà lim, 5 xuân ít được hoạt động …
Những mùa xuân đắng cay ấy cũng không dồn đủ ngọt ngào cho những mùa xuân còn lại của Người. Bác Hồ đã một lần nói với đồng chí già Hoàng Đạo Thúy rằng: “ Người ta ai cũng là người, ai cũng có vui, có buồn…. Với anh em, đồng chí, đồng bào, tôi cố giữ cho mình được vui…”
Bác không nói tới vế sau, nhưng ai cũng hiểu. Với niềm tin tưởng và tinh thần lạc quan cách mạng. Người đã có những mùa xuân tươi đẹp nhất. Phải chăng đó là mùa xuân năm 1923 trên đất Pháp, khi Người viết truyền đơn cổ động mua báo Le Paria. Mùa xuân ấy, lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm kiểm nghiệm cuộc sống. 
Nguyễn Ái Quốc viết : “Cho đến nay chủ nghĩa tư bản chỉ là những vách tường dày ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau”. Mùa xuân năm 1924, Người đã đến Mátxcơva quê hương của một mùa xuân mới. Mùa xuân năm 1930 là một mùa xuân tươi đẹp, sung sướng nhất của Bác Hồ, vì “từ nay đã có Đảng lãnh đạo, cách mạng sẽ thành công”. 
Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm cách xa Tổ quốc, sau khi mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ ở biên giới Việt – Trung, theo nội dung sách sau này được in dưới tên gọi Con đường giải phóng. Con đường mới đi được chặng đầu trong khí trời trong lành của một buổi sớm xuân, trong hương thơm của hoa rừng biên cương Người về Tổ quốc.
Những mùa xuân phấn khởi như vậy rất ít với Người, vì rằng Người đã: nghĩ mình trong bước gian truân, tai ương rèn luyện tinh thần thêm cao, như Nguyễn Trãi đã tự nói “vì trời giao ta làm việc lớn nên thử thách ta”.
Mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mùa xuân của nghĩa tình, chan chứa lòng yêu thương đồng cảm với nhau. Xuân năm 1959, trên đất Liên Xô, Bác nói với các cháu thiếu nhi “Tết bây giờ khác trước rồi. Mùa xuân của chúng ta không phải là ba tháng mà là dài hơn, gia đình, họ hàng của ta là cả gia đình quốc tế vô sản”. Người mong muốn mùa xuân cho mọi người, xuân ở trong mọi ngày. Trong ngày xuân, gặp được đồng bào, đồng chí, bạn bè, Người lại thấy Xuân này, xuân lại thêm xuân, nước non xa, anh em gần, vui thật là vui!.
Khi Tết đến, xuân về, dù không có tiền bạc,bánh quà để tặng những người nghèo khổ, Bác vẫn đến với họ, sẻ chia một tấm lòng, một sắc xuân của trái tim Người. Cô công nhân vệ sinh bất ngờ “không bao giờ nghĩ đến Bác đến”. Hiền lành như một ông Tiên, ông Bụt, Bác xót xa mà nói  “Bác không đến thăm cháu, còn thăm ai?”. Mùa xuân ấy đối với căn nhà rách nát nghèo nàn, trong một hẻm phố nhỏ của chị công nhân thật là “một mùa xuân cả thế gian, phải đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân”như lời Bác dạy.
Nếu như “Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại” còn quá cao trên đỉnh núi, mà ta chỉ chiêm ngưỡng được trong những ngày trời đẹp, hoặc còn quá xa như một viễn cảnh, thì trong những ngày này, thế giới này, quả đất này, có thể đã có một mùa xuân “không gì ngăn cản được những người lao động trên thế giới này và thương yêu nhau”. Đó là lời tuyên bố của Nguyễn Ái Quốc trong mùa xuân năm 1923. Đó là mong mỏi của Bác suốt cả cuộc đời mình mong muốn “Mùa xuân dài hơn”, mùa xuân với áo ấm, cơm no, với tự do, hạnh phúc, với cái “tâm”, cái “thiện” cho mỗi con người.
Theo “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh" – NXB: Chính trị Quốc gia – Hà Nội năm 2007

Đọc thêm