Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp của họa sỹ khiếm thị

(PLO) - Đang lúc bi quan nhất về cuộc sống, họa sỹ gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người đã cho ông ý chí, niềm tin để tìm lại “ánh sáng” cho cuộc đời mình. Khi Đại tướng về cõi vĩnh hằng, đôi mắt người họa sỹ già lại đỏ hoe. Với niềm thương tiếc Đại tướng, ngày đêm ông lại vẽ chân dung người bằng cảm nhận từ trái tim người lính.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và họa sĩ Lê Duy Ứng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và họa sĩ Lê Duy Ứng.
“Không có Đại tướng sẽ không có tôi bây giờ”
Đại tá Lê Duy Ứng (thương binh hạng 1/4) kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sự nghẹn ngào: “Đang trên đường về Quảng Bình thăm quê sau bão lũ thì đứa em gái gọi điện báo tin Đại tướng mất, tôi đã không tin vào tai mình nữa, trời đất như sập xuống. Vậy là người Anh Cả của Quân đội nhân dân đã ra đi, đau đớn như mất người thân của mình. Tôi bảo cháu chở xe đến Lệ Thủy, quê nhà Đại tướng để thắp một nén hương. Khi thấy bức tượng của người, tôi đã ôm lấy mà khóc. Sau đó, tôi nhanh chóng ra Hà Nội đến viếng người tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu”. 
Họa sỹ Lê Duy Ứng là đồng hương với Đại tướng. Tốt nghiệp phổ thông, Ứng trở thành sinh viên Trường Mỹ thuật Hà Nội. Học chưa hết năm thứ 3, cũng như cả thế hệ thanh niên trí thức thời đó, nghe theo tiếng gọi non sông, Lê Duy Ứng tạm gác bút tham gia chống đế quốc Mỹ, cứu quốc. Sau một thời gian huấn luyện tại Nhã Nam (Yên Thế, Bắc Giang), Ứng trở thành lính trinh sát, vừa chiến đấu, vừa đem tài năng hội họa của mình để vẽ lại những khoảnh khắc lịch sử, cổ vũ đồng đội chiến đấu. 
Sáng 28/4/1975, trong trận đánh căn cứ Nước Trong cách cửa ngõ Sài Gòn 30 cây số, Lê Duy Ứng đang ngồi trên chiếc xe tăng 847 làm nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh, vẽ ký họa thì súng chống tăng của giặc bắn đứt xích xe bên phải. Chiếc xe tăng quay ngang đường, hất Lê Duy Ứng xuống vệ đường, ngất lịm. 
Ông Ứng kể lại: “Khi tôi tỉnh dậy, sờ thấy người đồng đội bên cạnh đã hy sinh, mắt tôi lòng thòng ra bên ngoài, khắp người đầy máu. Tôi nghĩ mình chắc sẽ hy sinh vì  mắt thì không nhìn thấy gì, sờ lên áo thì ướt đẫm máu. Giữa sự sống và cái chết, đầu tiên tôi nghĩ tới Bác Hồ, rồi nghĩ đến hình ảnh danh họa Diệp Minh Châu thay mặt đồng bào miền Nam vẽ tranh bằng máu tặng Bác. Thế là tôi lấy máu đang ứa ra ở mắt của mình, lấy ngón tay thay cho bút vẽ, vẽ chân dung Bác với nền là lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới”. 
Ông đặt tên bức tranh là “Ánh sáng - niềm tin”, với lời chú thích “Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân…”.  Khi vẽ xong bức tranh, ông ngất lịm đi, lúc tỉnh dậy thì biết mình chưa chết, được đồng đội đưa về Quân y Nha Trang điều trị một tháng trước khi đưa ra Viện Quân y 108 điều trị, nhưng đôi mắt đã mất 91% thị lực, không nhìn thấy gì nữa.
Với họa sĩ, đôi mắt đã hỏng thì làm sao nhìn thấy cuộc sống đầy màu sắc, làm sao có thể cầm bút vẽ được tranh nữa, con đường nghệ thuật thành dang dở với người họa sỹ trẻ Duy Ứng. “Lúc đó, tôi chỉ muốn chết đi cho xong, tôi thầm trách ông trời sao không để mình chết mà lại cho tôi sống mà không có ánh sáng thế này. Nhiều lần tôi nghĩ tới việc tự tử. Hiểu được tâm trạng của tôi, đồng đội thường xuyên vào thăm hỏi, động viên.
Bác sĩ Đào Xuân Trà - Viện phó Viện 108 - khuyên mình thử chuyển qua điêu khắc. Bác sỹ Trà kể, ngày sang Liên Xô, thấy có một người bị mù hai mắt nhưng nặn tượng rất đẹp, không còn mắt nhưng Ứng còn tay nên còn có thể cảm nhận được”. Nghe có lý, ông Ứng liền nhờ những người bạn ở Trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu đem đến một ít đất sét để làm thử.
Thế là hàng ngày trong bệnh viện, ông cứ miệt mài với đống đất sét, với ý định làm tượng Bác Hồ. Một hôm, khi ông đang làm ngoài hành lang thì thấy có người đến thăm. Ông nghe thấy một tiếng nói quê hương Quảng Bình rất gần gũi, thân thuộc: “Ứng giỏi thật, có đôi bàn tay rất nhạy cảm”. 
Khi  đó, có người đồng đội tôi đã nhắc khéo: “Đại tướng. Đại tướng đến thăm Ứng đấy”. “Lúc đó, tôi giật mình cứ tưởng người bạn nói đùa, nhưng khi nghe giọng quê Quảng Bình thân thuộc bảo “Đại tướng đây” thì tôi mới tin đó là sự thật.
Tôi xúc động nghẹn ngào, mình chỉ là người lính bình thường, Đại tướng thì bận trăm công nghìn việc mà lại dành thời gian thăm hỏi. Tôi ở quê nhà cũng gần nhà. Đại tướng, nhưng chỉ được xem người qua tranh ảnh, nghe người ta kể chứ đã được gặp người đâu. Bố tôi đi bộ đội từ năm 1947 mà còn chưa một lần nào được gặp người, nhưng nay tôi lại vinh dự được người tới thăm”.  
Rồi Đại tướng thân mật hỏi: “Ứng có biết nhạc sỹ thiên tài Beethoven sáng tác những bản nhạc hay nhất trong hoàn cảnh nào không?”. Xúc động, chưa kịp trả lời thì người nói tiếp: “Đó là khi nhạc sĩ Beethoven đã bị điếc hai tai. Một nhạc sĩ cần nhất là âm thanh mà lại bị điếc cả 2 tai cũng như một họa sĩ cần đường nét, ánh sáng mà lại không nhìn thấy. Đồng chí hãy lấy tấm gương đó mà phấn đấu”. Câu nói đó đã làm Ứng thức tỉnh, có động lực, quyết tâm hơn để vươn lên tiếp tục con đường nghệ thuật của mình.
Vẽ tranh, tạc tượng Đại tướng
Sau 8 năm sống trong bóng tối, năm 1982 được ghép mắt thành công, họa sỹ Duy Ứng lại tiếp tục con đường nghệ thuật của mình. Là đồng hương, qua nhiều lần gặp và tiếp xúc với Đại tướng, ông thấy người là Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng lại rất gần gũi với mọi người, nhất là các thương binh. 
Họa sỹ Lê Duy Ứng bên bức vẽ Đại tướng
Họa sỹ Lê Duy Ứng bên bức vẽ Đại tướng 

Khi nào Đại tướng không bận công việc, ông lại cầm tập giấy đến nhà Đại tướng để vẽ. Ông đã vẽ hàng ngàn bức tranh về Đại tướng, bức nào đẹp ông lại ký tặng Đại tướng. Năm 1989, ông vẽ ký họa chân dung Đại tướng tại phòng triển lãm tranh. Bức họa ông đem tặng Đại tướng và người rất thích, treo ngay giữa phòng khách nhà mình.

Niềm vui chưa được trọn vẹn, những năm sau đó đôi mắt của họa sỹ Lê Duy Ứng lại cứ mờ dần, cho đến khi không còn nhìn thấy gì nữa. Không được thấy ánh sáng, nhưng Duy Ứng vẫn tiếp tục vẽ, tạc tượng Đại tướng. Hình ảnh người đã in sâu trong tâm khảm của người họa sỹ già. 
Còn về Đại tướng, người luôn cố gắng tìm cách làm thế nào để giúp Duy Ứng chữa lành mắt. Thậm chí, khi Tổng thống Pháp sang thăm Việt Nam, Đại tướng còn đích thân nhờ để có thể đưa ông Ứng sang Pháp chữa bệnh. 
Là người thân cận thường xuyên ghé qua nhà Đại tướng, họa sĩ Lê Duy Ứng kể: “Có hôm đến nhà chơi được Đại tướng mời lại dùng cơm, bữa cơm đạm bạc chỉ có cá mòi Quảng Bình, rau muống luộc và dưa cà. Bữa cơm chỉ có mấy người, vợ chồng Đại tướng, tôi cùng một người cháu ruột. Là một người được nhân dân kính trọng, là tướng tài hàng đầu thế giới nhưng Đại tướng có một lối sống giản dị, khi nhắc đến những chiến thắng hiển hách nhất trong cuộc đời mình, Đại tướng  bảo mình chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà mình được Đảng giao phó, công lớn nhất thuộc về quần chúng nhân dân”.
Từ ngày Đại tướng mất tới giờ, họa sỹ Duy Ứng luôn thẫn thờ, mỗi khi buồn ông lại lấy giấy bút ra vẽ chân dung người. Ông không vẽ bằng đôi mắt vì đôi mắt không còn nhìn thấy nữa, ông  vẽ  bằng trái tim, ánh sáng, hình ảnh về Đại tướng đã in đậm trong tim với những bức tranh chân thực nhất, đẹp nhất về người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông đọc cho tôi nghe bài thơ lúc ông đi viếng lễ tang Đại tướng mà nước mắt lưng tròng: “Văn là anh, Võ là anh/ Anh là dũng tướng lừng danh muôn đời/ Như đại thụ giữa đất trời/ Ngát xanh thẳng đứng giữa trời thiên thu”.  Đối với người họa sỹ già Lê Duy Ứng và toàn thể dân tộc Việt Nam,  Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ còn sống mãi trong trái tim của mỗi con người Việt Nam.

Đọc thêm