8 ngày dẫn con nợ 'đi đày', chủ nợ vẫn bình an vô sự?

(PLO) - Không có tiền trả, con nợ bị khống chế ngay giữa trung tâm thành phố rồi đưa đi “đày” qua nhiều tỉnh, thành trong suốt 8 ngày trời. Sợ bị “xử”, con nợ đành cắn răng gọi điện vay mượn trả cho chủ nợ 3,5 tỷ đồng và “biếu” cho giang hồ 800 triệu đồng, nhưng kết cục chỉ có anh giang hồ bị xử lý, còn người chủ mưu vẫn bình an vô sự.
Đòi nợ thuê, Miên đối mặt với vòng lao lý

Đòi nợ kiểu xã hội đen

Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình làm ăn, Lê Thị Thảo (SN 1979, ngụ Lâm Đồng có cho  Nguyễn Thị Phương Nam (SN 1971, ngụ quận 4, TP HCM) vay số tiền 4,5 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng. Khi đến hạn, dù đã nhiều lần Thảo đòi nhưng Nam vẫn không chịu trả.

Hết cách, Thảo đành chuyển qua chơi “luật rừng”. Thông qua người quen nên khoảng tháng 11/2010, Thảo gọi điện nhờ Trần Văn Miên (SN 1968, quê Hà Nam) vào Sài Gòn đòi nợ giúp Thảo. Ngày 10/12/2010, Miên bay từ Hà Nội vào Sài Gòn gặp Thảo để bàn kế hoạch thu hồi nợ. Thảo cung cấp địa chỉ, số điện thoại, đặc điểm nhận dạng của Nam cho Miên biết.

Khoảng 13h cùng ngày, Miên đi xe ôm, còn Thảo đi xe hơi tới chung cư  ở quận Phú Nhuận, nơi Nam ở, để đòi nợ. Tuy nhiên, Miên vẫn không liên hệ được với Nam nên Thảo đi về, còn Miên vẫn ở lại túc trực chờ “mục tiêu” xuất hiện. Miên cho bảo vệ 100 ngàn đồng để anh này làm “gián điệp” khi nào thấy Nam xuống bãi xe thì báo cho Miên biết.

Khoảng 15h, Miên được người bảo vệ cho biết “mục tiêu” xuất hiện nên Miên bí mật bám theo, đồng thời gọi điện cho bà chủ Thảo biết hướng di chuyển của con nợ. Sau khi giao dịch tại một ngân hàng trên đường Lê Duẩn (quận 1) xong, Nam được anh tài xế chở bằng xe honda di chuyển tới một đại lý vé máy bay gần đó thì Miên xuất hiện, vỗ vai, yêu cầu Nam vào xe ô tô của Thảo đang ở phía sau để nói chuyện.

Nam được đưa đến một quán cà phê (không rõ tên, địa chỉ) để Thảo nói chuyện nợ nần. Nam đề nghị trả dần, nhưng không được Thảo chấp nhận. Sau đó, họ tiếp tục đưa con nợ tới một nhà nghỉ ở quận 12 để uy hiếp, đánh đập, yêu cầu phải trả nợ, nhưng vẫn không được Nam đồng ý. Bực tức, nhóm của chủ nợ đưa Nam vượt cả trăm cây số tới một căn nhà hoang ven hồ Trị An (Đồng Nai) với ý ngầm cảnh báo Nam có thể bị “xử” phi tang. 

Sau 3 ngày “tra tấn” tinh thần, Thảo mới đi mua quần áo về cho Nam thay. Sợ bị “xử” nên ngày 14/10/2010, Nam gọi điện về (dưới sự điều khiển, kiểm soát gắt gao của Miên) nhờ một người quen mang giấy tờ nhà đất đi cầm cố, vay 1,5 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của em gái Thảo ở Lâm Đồng. Do được ủy quyền từ trước nên cùng ngày Thảo ra ngân hàng rút hết số tiền này.

Sau nhiều ngày uy hiếp con nợ trong căn nhà hoang, do sợ bại lộ nên ngày 15/10/2010, Thảo cùng nhóm giang hồ đã dịch chuyển địa điểm, đưa Nam tới khu du lịch thác Giang Điền ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai để tiếp tục yêu cầu Nam trả nợ.

Để được yên chuyện, Nam tiếp tục gọi điện về nhờ người quen mượn 2 tỷ đồng để trả cho Thảo.

Đến ngày 16/10, họ lại đưa  Nam tới một khu du lịch ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tại đây, Miên yêu cầu Nam phải chuyển 800 triệu đồng vào tài khoản của Miên, nếu không sẽ tiếp tục cho đi ở nhà hoang. Quá sợ, Nam đành cầu cứu bạn bè nhờ chuyển số tiền đó theo yêu cầu của Miên. Đến chiều hôm sau, Nam được thả về.

Về số tiền 800 triệu này Miên khai có sự bất nhất, có khi Miên cho rằng đây là số tiền mà Nam cám ơn Miên vì đã nói giúp Nam để Thảo cho Nam chỉ trả tiền gốc, không phải trả lãi. Sau đó lại nói số tiền này là “hoa hồng” mà Thảo chia lại, khi thì nói đã rút đưa lại cho Thảo, khi lại nói đã tiêu xài cá nhân hết…

Sai sót nghiêm trọng?

Sự vụ trên sẽ mãi mãi rơi vào quên lãng nếu như chủ nợ không nổi thêm lòng tham. Sự thể, theo lời khai của Nam thì sau khi được thả về, Nam cũng không hề có ý định tố cáo hành vi của những người này mà cho rằng mình có vay thì phải trả. Tuy nhiên khoảng 8 tháng sau, Thảo lại đến đòi nợ vì cho rằng Nam chưa trả. Bức xúc nên Nam làm đơn tố cáo hành vi như đã nêu trên.

Lúc đầu tại cơ quan điều tra, con nợ khai việc di chuyển từ quận 1 tới quán cà phê và nhà nghỉ ở quận 12 là do Thảo quyết định. Còn các địa điểm khác, cũng như việc khống chế mình là do Miên quyết định… 

Với hành vi nêu trên, Miên bị cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an khởi tố và bị truy tố về 2 tội là “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. 

Tuy nhiên, xét thấy vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên TAND TP HCM đã nhiều lần trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, nhưng Cơ quan CSĐT Bộ Công an và VKSND Tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm. Hai cơ quan này cho rằng, Thảo có dấu hiệu chủ mưu trong việc bắt giữ và cưỡng đoạt tiền của Nam, nhưng Thảo cho rằng không hề quen biết gì với Miên, không hề nhờ Miên đòi nợ, hơn nữa đó chỉ là lời khai của Miên và Nam… nên chưa đủ căn cứ!

Trả đi trả lại mà không có gì mới nên giữa năm 2015, TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Trần Văn Miên 13 năm tù (1 năm về tội Bắt giữ người trái pháp luật, 12 năm về tội Cưỡng đoạt tài sản).

Cho rằng mình chỉ là người đi theo giúp sức canh giữ con nợ khỏi bỏ trốn, còn vấn đề tiền bạc đều do Thảo bàn bạc với con nợ… nên Miên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng người bị hại là Nam cũng làm đơn kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại từ đầu, bởi Nam cho rằng Thảo là người chủ mưu, nhưng lại không bị xử lý là bỏ lọt người.

Tại phiên tòa phúc thẩm cuối năm 2015, bị cáo Miên thành khẩn khai báo. Bị cáo cho rằng, khi được Thảo nhờ đòi nợ, bị cáo đã nhận lời “giúp đỡ”. Từ khi đưa Nam lên ô tô, Thảo kêu tài xế đi đâu thì bị cáo và Nguyễn Anh Đức (SN 1964, quê Nam Định) đi theo đó để trông giữ Nam, chứ bị cáo ở ngoài Bắc không hề biết được những địa điểm như trên mà đưa Nam đi.

Xét thấy vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên TAND Cấp cao tại TP HCM đã quyết định hủy toàn bộ án sơ thẩm để yêu cầu điều tra xét xử lại. 

Đến tháng 9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức (người làm nhiệm vụ canh giữ Nam trong quá trình nhóm Thảo đưa Nam đi “du lịch bụi”). Đến tháng 5/2017, VKSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố Miên về 2 tội Bắt giữ người trái pháp luật và Cưỡng đoạt tài sản. Riêng bị cáo Thảo và Đức bị truy tố về tội Bắt giữ người trái pháp luật.

Sau đó TAND TP HCM xét thấy cần làm rõ thêm vai trò của một số đối tượng liên quan nên trả hồ sơ để làm rõ. Thế nhưng thay vì làm rõ vai trò của những đối tượng liên quan thì Cơ quan CSĐT lại ra Quyết định số 10 và 11/C45-P7 đình chỉ điều tra với hai bị can là Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức với lý do “không còn nguy hiểm cho xã hội”.

Đây được xem là vụ án hết sức ly kỳ và đã được hoãn xử vào ngày 28/3/2018.  

Đọc thêm