Tiệc phạt vạ định mệnh
Nhiều năm trôi qua, người dân làng De Lung vẫn nhớ như in thời điểm bắt đầu xảy ra sự việc, đó là giữa năm 1993. Khi đó, làng De Lung (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) có cô gái tên Rơ Châm H’Yen (SN 1972), con cháu dòng họ Rơ Châm.
Cuộc sống gia đình của H’Yen khá bất hạnh, khi cô bị người chồng là Biu Sam (SN 1970, làng Yam, xã Ia Tô) ngọi tình rồi bỏ rơi.
Theo luật tục của người Ja Rai, hành vi của Sam đã vi phạm đạo đức và phải bị gia đình nhà H’Yen trừng phạt.
Dòng họ Rơ Châm sau đó đã cử 10 người đến nhà Sam để phạt vạ. Mức phạt dành cho “Sở Khanh” này là một con heo 70kg và 300 ngàn đồng.
Sau khi nhận được đồ phạt, họ hàng nhà Rơ Châm làm thịt heo mời thôn trưởng, già làng với khá đông người làng cùng dự.
Bữa rượu diễn ra êm đẹp khi cả hai bên đều ưng bụng với “hình phạt”, không có gì để thắc mắc nhau.
Sau bữa tiệc, H’Yen bỗng nhiên mắc một căn bệnh mà ở làng trước nay chưa từng có. Ngay cả những bậc cao niên trong làng như già làng, trưởng bản cũng chẳng biết đó là bệnh gì.
Khi mắc bệnh, cơ thể H’Yen sưng vù lên vài ngày rồi xẹp xuống, chân tay lở loét, chảy mủ. Dù thuốc thang, cúng tế hay tắm rửa bằng nước suối ở đầu làng, vết thương vẫn không lành. Người cứ sưng lên rồi xẹp xuống, H’Yen qua đời trong đau đớn.
Gần một năm sau đó, dì ruột H’Yen là bà Rơ Châm Di (SN 1965) cũng qua đời với triệu chứng tương tự.
Căn bệnh tưởng chừng chỉ đến với hai người trong gia đình, không ngờ mấy năm sau đó, đến lượt cậu ruột H’Yen. Rồi lần lượt, bác trai và mẹ H’Yen.
Năm 2007 lại có thêm cậu ruột và dì ruột H’Yen cũng qua đời bởi căn bệnh lạ này. 10 người trong dòng họ đi ăn đồ phạt vạ thì đã có 7 người theo nhau “về với Yàng”.
Lúc này, xuất hiện lời đồn đại về chuyện dòng họ bị đầu độc bằng “thuốc thư” làm dân làng càng thêm kinh hãi. Để tránh bị liên lụy, mọi người trong làng De Lung từ lớn đến nhỏ đều xa lánh 3 người sống sót.
Trong nỗi ám ảnh về căn bệnh, năm 2008, dòng họ Rơ Châm nhận thêm một hung tin. Dòng họ có người thứ 8 bị mắc căn bệnh lạ, đó là ông Rơ Châm Ginh (SN 1962, chú ruột của H’Yen).
Chân ông Ginh bị tê nhức vô cớ, sau đó sưng lên và xẹp xuống rồi chảy mủ. Vết thương bắt đầu lan dần và khoét sâu vào cơ thể, khiến thịt da cứ dần dần thối rữa.
Để tránh gây hoang mang xóm làng, ngành y tế và chính quyền địa phương đã vận động và chữa trị cho ông Ginh. Sau 3 năm điều trị, ông Ginh qua đời.
Chết vì viêm xương hoại tử?
Căn bệnh lạ và những cái chết trùng hợp của dòng họ Rơ Châm không chỉ chấn động ở làng De Tung mà còn xã vùng cao Ia Tô. Bởi lẽ, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên xưa nay vốn run sợ những từ “ma lai”, “thuốc thư”, dù chưa có một bằng chứng nào chứng minh sự tồn tại của hai thứ này.
Nhiều câu hỏi được dòng họ bất hạnh này và bà con bản làng đặt ra, cho đến nay vẫn không tìm được câu trả lời. Tại sao trong làng, chỉ những người trong dòng họ Rơ Châm mới mắc bệnh này? Tại sao chỉ những người tham gia lễ phạt vạ mới mắc bệnh?
Dòng họ Rơ Châm nghi hoặc, họ bị nhà thông gia bỏ “thuốc thư” để trả thù. Không một ai biết “thuốc thư” là gì, nhưng có lẽ vì mê tín, nếu không đổ lỗi cho nó thì dân làng De Lung và dòng họ Rơ Châm biết giải thích ra sao về 8 cái chết với những triệu chứng lạ lẫm kia?
Sau ông Ginh, đến nay dòng họ Rơ Châm còn lại hai người từng đi ăn của phạt vạ vẫn mạnh khỏe. Tuy nhiên những lời đồn thổi về “thuốc thư” khiến hai người này bấy lâu nay sống trong lo âu.
Để xóa bỏ những nghi kị về việc đầu độc bằng “thuốc thư”, ổn định cuộc sống đồng bào, UBND huyện Ia Grai đã cử đoàn cán bộ y tế đến làng De Lung để kiểm tra sự việc. Kết quả kiểm tra cho thấy, trước nay làng De Lung chưa từng xảy ra dịch bệnh, cũng chưa có ai mắc căn bệnh như những người trong dòng họ Rơ Châm.
Trong khi đó, 7 người đầu tiên trong dòng họ Rơ Châm khi bị bệnh vốn không một ai đến bệnh viện điều trị nên không thể xác định được căn bệnh. Kết luận về căn bệnh và những cái chết được đưa ra lúc bấy giờ là do ngẫu nhiên.
Về bệnh tình của ông Ginh, người chết cuối cùng trong dòng họ Rơ Châm tính đến thời điểm này, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai cho biết: ông Ginh bị viêm xương gót, viêm xương ụ ngồi ở giai đoạn hoại tử. Để cứu bệnh nhân, các bác sĩ phải điều trị cắt bỏ bàn chân phải.
Tuy nhiên, đến khi việc phẫu thuật đã chuẩn bị sẵn sàng thì bệnh nhân lại từ chối. Ông Ginh được người thân đưa về nhà lo thang thuốc điều trị, thỉnh thoảng mới xuống bệnh viện vì cơn đau hành hạ. Không được điều trị dứt điểm, sau 3 năm cơ thể bị hoại tử, ông Ginh cũng nhắm mắt xuôi tay theo 7 người trước đó trong dòng họ.
Già làng Rơ Mah Lâm. |
Già làng Rơ Mah Lâm (SN 1930), cho biết: “Sống đến tuổi gần đất xa trời ở làng De Lung này nhưng tôi chưa thấy câu chuyện nào lạ lùng như thế. Căn bệnh dòng họ Rơ Châm mắc phải chẳng những hiếm gặp mà còn vô phương cứu chữa.
Dân làng vì run sợ trước căn bệnh và sợ bị vạ lây mà thêu dệt nên nhiều câu chuyện về ma lai, thuốc thư như thế. Họ xa lánh dòng họ Rơ Châm cũng có lý do của họ, nhưng như thế thì quá tội nghiệp đối với dòng họ này”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Công an xã Ia Tô, cho biết: “Nghi kị của người dân về việc đầu độc thuốc thư khiến dòng họ Rơ Châm chịu nhiều đau đớn là có thật. Không những thế, nhiều người dân trong là cũng né tránh dòng họ này.
Để giải quyết vấn đề, chúng tôi vẫn thường xuyên vận động, tuyên truyền cho bà con, nhưng những cái chết cứ lần lượt xảy ra nên người dân vẫn rất sợ hãi. Bởi vậy rất mong các nhà khoa học vào cuộc, giúp tìm ra nguyên nhân sự thật của những cái chết trong dòng họ Rơ Châm”./.