Tính đến nay, vụ kiện thừa kế mà bị đơn là ông Phạm Văn Hợi (trú tại phố Huyện, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) đã kéo dài 9 năm. Qua hơn 10 phiên xử khác nhau nhưng các cấp Tòa vẫn chưa có quan điểm thống nhất về vấn đề: Nguyên đơn khởi kiện vào ngày nào?. Lúc này đã hết thời hiệu khởi kiện hay chưa?.
Bất thường chuyện thẩm phán về địa phương lấy lời khai
Ngày 21/2 vừa qua, chị Phạm Thị Thu, người đại diện cho ông Hợi đã gửi đơn đến Chánh án TAND TP Hà Nội đề nghị thay đổi thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Hạnh, người được phân công xét xử sơ thẩm (lần 4) vụ tranh chấp thừa kế mà nguyên đơn là 3 em gái của ông Hợi, gồm: bà Phạm Thị Hiền, Phạm Thị Hòa và Phạm Thị Hoa.
Theo phản ánh thì hiện nay, tại hồ sơ vụ án có “Biên bản làm việc” thể hiện, vào ngày 15/11/2012, tại trụ sở UBND thị trấn Quốc Oai, có cuộc trao đổi giữa thẩm phán Hạnh, bà Đinh Thúy Hương (cán bộ TAND TP Hà Nội) với bà Phạm Thị Đông (82 tuối, trú tại phố Huyện) về một số nội dung liên quan đến nguồn gốc đất tranh chấp. Tuy nhiên, theo xác nhận của ông Ngô Văn Tâm. Phó trưởng khu phố Huyện, thì thực tế, buổi làm việc này diễn ra tại nhà ông Đỗ Kim Hùng, em chồng của một nguyên đơn trong vụ án.
Một biên bản khác thể hiện thẩm phán Hạnh làm việc với ông Nguyễn Đình Dậu tại trụ sở UBND thị trấn Quốc Oai cũng bị tố là “gian dối” bởi thực tế thì nó diễn ra tại nhà riêng của ông Dậu. Tương tự, buổi làm việc với ông Nguyễn Duy Ký được diễn ra tại nhà riêng của ông Ký nhưng vẫn được cán bộ Tòa viết là, tại “trụ sở UBND thị trấn”. Không những vậy, ông Tâm được ghi trong biên bản là “người chứng kiến” thì nay lại có xác nhận rằng, “không có nhà”. Còn ông Ký thì cam đoan “nội dung văn bản là do cán bộ Tòa án viết và nhờ tôi ký tên”.
Cả 3 văn bản trên đều bị chính những có mặt “tố” rằng, “lập ngoài trụ sở UBND thị trấn Quốc Oai” nhưng không hiểu sao, nó vẫn có con dấu và chữ ký của Phó chủ tịch UBND thị trấn Quốc Oai Nguyễn Đình Đức. Bản thân ông Tâm và ông Nguyễn Mạnh Hiển- Trưởng khu phố Huyện - cũng có một biên bản thể hiện quá trình làm việc với thẩm phán Hạnh. Nhưng nay, cả ông Tâm và ông Hiền đều xác nhận với chị Thu rằng, “nội dung văn bản về số thửa, số m2 tôi không nắm được. Nội dung văn bản là do cán bộ Tòa án cung cấp”.
Trong khi phản ánh về những việc làm sai lệch trên của cán bộ Tòa án và đề nghị thay đổi thẩm phán của chị Thu chưa được trả lời thì ngày 27/3/2013, thẩm phán Hạnh đã tiếp tục mời một số người dân mà trước đây đã lập biên bản làm việc “sai địa chỉ” đến làm việc tại UBND thị trấn Quốc Oai. Việc làm này bị chị Thu đánh giá là nhằm, “hợp thức hóa những sai phạm trong việc lấy lời khai trước đây”.
Kỳ quặc chuyện “thụ lý đơn”
Vụ kiện thừa kế được TAND huyện Quốc Oai thụ lý lần đầu tiên vào ngày 5/1/2005 và được đưa ra xử sơ thẩm lần 1 vào ngày 7/7/2005 với nội dung “chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn”. Nhưng ngay sau đó, phía bị đơn đã tố cáo về việc Tòa xử vụ thừa kế khi đã hết thời hiệu khởi kiện vì nguyên đơn gửi đơn khởi kiện lần đầu tiên vào ngày 13/9/2004- khi đã hết thời hiệu khởi kiện gần 1 tháng.
Tuy nhiên, trong hồ sơ còn có một tờ đơn kiện đòi đất khác của nguyên đơn mà thẩm phán Thủy tự nhận có ghi ở góc là “nhận đơn ngày 12/7/2004” rồi chuyển về UBND thị trấn Quốc Oai để hòa giải. Từ lá đơn này mà quá trình xét xử sau đó, nhiều HĐXX đã coi vụ kiện trên chưa hết thời hiệu rồi tiến hành chia di sản cho nguyên đơn. Trong khi đó, phía bị đơn liên tục tố cáo việc đơn khởi kiện đã được ghi lùi ngày và bí mật đưa vào hồ sơ vụ án và sau này được cán bộ Tòa án hợp thức bằng việc “đánh lại số bút lục” trong thời điểm hợp nhất Hà Tây- Hà Nội”.
Việc nhận đơn một cách “tùy hứng” (chỉ ghi vào góc đơn, không có sổ thụ lý, sửa chữa số bút lục) của thẩm phán Thủy khiến cho mỗi HĐXX có một nhận định khác nhau về việc xác định ngày nguyên đơn khởi kiện. Nhưng khi Tòa tiến hành xác minh lại thì nhiều chứng cứ cho thấy, UBND thị trấn Quốc Oai nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn vào ngày 13/9/2004 khi đã hết thời hiệu khởi kiện thừa kế và trước đó, không hề có việc nhận đơn có bút tích của thẩm phán Thủy để hòa giải. Ngoài ra, chính các nguyên đơn cũng thừa nhận việc gửi đơn đến Tòa sau ngày giỗ mẹ (30/8/2004) và lúc này thì cũng không còn thời hiệu khởi kiện nữa.
Cho đến nay, đã qua khoảng 10 phiên tòa khác nhau nhưng rất tiếc, chưa một HĐXX nào đề cấp tới việc “Tòa thụ lý đơn của công dân khi họ chưa ký”. Cụ thể, đơn khởi kiện có bút tích của thẩm phán Thủy nêu trên chỉ có một chữ ký (chưa xác định chữ ký của ai) và nhân danh 3 người là bà Phạm Thị Hiền, Phạm Thị Hoa, Phạm Thị Hòa.
Giả sử, không có chuyện “bí mật đưa thêm đơn khởi kiện lùi ngày” vào hồ sơ vụ án thì rõ ràng, việc thiếu chữ ký của nguyên đơn như trên cũng không đủ điều kiện để Tòa thụ lý vụ kiện. Chỉ có một người ký đơn nhưng không hiểu sao, cả 10 năm nay, các cấp Tòa vẫn coi là có 3 nguyên đơn khởi kiện đòi chia thừa kế?.
Khoa Lâm