9 năm phải "ở đậu" tại quê hương dù có nhà đất

Vì điều kiện công tác xa nhà, em trai nhờ anh ruột ở quê trông nom nhà cửa. Đến tuổi về hưu, người em tìm về chốn nghỉ ngơi thì nhà đất của mình đã bị cháu dâu chiếm giữ. Qua gần một thập kỷ giải quyết, vụ việc đến nay lại quay trở về điểm ban đầu do sai sót của các cơ quan chức năng- có nghĩa là chừng ấy thời gian, người em vẫn chưa có nhà để dưỡng già.

Vì điều kiện công tác xa nhà, em trai nhờ anh ruột ở quê trông nom nhà cửa. Đến tuổi về hưu, người em tìm về chốn nghỉ ngơi thì nhà đất của mình đã bị cháu dâu chiếm giữ. Qua gần một thập kỷ giải quyết, vụ việc đến nay lại quay trở về điểm ban đầu do sai sót của các cơ quan chức năng- có nghĩa là chừng ấy thời gian, người em vẫn chưa có nhà để dưỡng già.

Qua 9 năm với rất nhiều đơn đề nghị của người dân và không ít Quyết định giải quyết của cơ quan chức năng, đến nay vụ việc lại trở về điểm xuất phát ban đầu
Qua 9 năm với rất nhiều đơn đề nghị của người dân và không ít Quyết định giải quyết của cơ quan chức năng, đến nay vụ việc lại trở về điểm xuất phát ban đầu.

Mất đất vì nhờ... trông đất

Năm 1977, ông Nguyễn Văn Tỳ (thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội) được chính quyền địa phương cấp cho một thửa đất thổ cư với diện tích 403 m2. Ông Tỳ đã xây dựng nhà trên diện tích này và vợ con ông ở đây từ năm 1977 đến năm 1980.

Sau đó, do điều kiện công tác, ông Tỳ đã chuyển vợ con vào TP. Vũng Tàu sinh sống và nhờ ông Nguyễn Văn Cánh (là anh trai) trông nom toàn bộ đất đai và tài sản trên đất. Tuy nhiên, ông Cánh sau đó lại cho chị Lưu Thị Vượng  (là vợ hai của con trai ông Cánh) vào ở và làm nhà trên phần đất nay. Năm 2004, khi ông Tỳ nghỉ hưu và về quê sinh sống thì bà Vượng không chịu trả lại đất.

Ngày 6/10/2004, UBND xã Văn Khê có Thông báo số 08 cho biết việc ông Tỳ làm đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất thổ cư có nguồn gốc đất do HTX Khê Ngoại cấp là đúng. Nhưng xã này lại khẳng định: ông Tỳ không đủ hồ sơ, chứng cứ để đòi lại mảnh đất nói trên (?!).

Tuy nhiên, ngày 22/11/2005, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Mê Linh có Báo cáo 07 kết luận: việc ông Cánh tự ý cho con dâu là bà Vượng quyền sử dụng thửa đất do em trai nhờ trông nom là sai. Mặt khác, mặc dù ông Tỳ không trực tiếp sử dụng mảnh đất này nhiều năm nhưng đã nhờ anh trai trông giữ. Từ kết luận này, Trưởng Phòng TN&MT huyện đã đề nghị giải quyết theo hướng quyền sử dụng thửa đất đang tranh chấp thuộc chủ sử dụng của ông Nguyễn Văn Tỳ.

Sau báo cáo này, ngày 2/7/2008, UBND huyện Mê Linh ban hành Quyết định 5187, công nhận cho ông Tỳ được quyền sử dụng một phần diện tích tranh chấp là 360m2 đất ở; đồng thời cũng công nhận cho bà Vượng được sử dụng diện tích 55,9m2 đất ở vì đã có công cải tạo, san lấp và thực hiện các nghĩa vụ tài chính về thuế hàng năm.

Khi Quyết định này chưa được triển khai trên thực tế thì hơn 3 năm sau, UBND huyện này lại tiếp tục có Quyết định số 9800 để thay thế Quyết định 5187 trước đó. Theo nội dung của Quyết định trên thì ông Tỳ được sử dụng diện tích là 226,4m2; ông Nguyễn Văn Sinh (con trai bà Vượng- bà Vượng đã chết) được sử dụng 164,1m2.

Người dân "dài cổ" đợi vì...sai phạm của cơ quan chức năng

Nhưng vụ việc đến đây chưa hẳn chấm dứt, vì ngày 15/7/2012, Sở TN&MT TP. Hà Nội có Báo cáo số 602, chỉ rõ một số sai phạm của UBND huyện Mê Linh trong quá trình giải quyết vụ việc. Cụ thể, UBND huyện chưa làm việc với những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc cấp đất năm 1977; chưa yêu cầu UBND xã Văn Khê thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định...

Từ những sai sót trên, Sở TN&MT đã kiến nghị UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND huyện Mê Linh thu hồi, hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực của hai Quyết định số 5178 và 9800. Sau sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 24/10/2012, UBND huyện Mê Linh đã có Quyết định để thu hồi và hủy bỏ hai Quyết định có sai sót nêu trên. Vậy là đến nay sau 9 năm về quê đòi lại nhà đất, vụ việc của ông Tỳ lại quay về những rắc rối ban đầu. Diễn biến gần đây là ngày 25/3/2013, UBND huyện Mê Linh có Công văn “giao Phòng TN&MT huyện kiểm tra, tham mưu cho UBND huyện  giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Để vụ việc kéo dài đến hôm nay, nguyên nhân chính là do sự tắc trách, quan liêu, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng huyện Mê Linh. Và người phải chịu hậu quả này không ai khác chính là người đang đi tìm quyền lợi hợp pháp cho mình – người mà suốt 9 năm nay phải ăn nhờ, ở đậu tại quê hương trong khi có nhà đất nhưng chẳng thể sử dụng để làm chốn an hưởng tuổi già.

Đức Duy 

Đọc thêm