Hôm qua (2/11), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Cũng trong ngày Quốc hội đã nghe Tờ trình về các dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Giáo dục đại học và thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
Công dân có quyền được thông tin về pháp luật
Dự thảo Luật PBGDPL gồm 5 Chương, 43 Điều với các nội dung cơ bản đáng chú ý như quyền được thông tin về pháp luật của công dân; chính sách của nhà nước về PBGDPL; nguyên tắc PBGDPL, nội dung, hình thức PBPL, PBPL cho một số đối tượng đặc thù…
Một trong những vấn đề Chính phủ xin ý kiến Quốc hội theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường là quy định về Ngày pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Dự thảo quy định ngày 9/11 hàng năm là ngày Pháp luật.
Mô hình Ngày Pháp luật được đánh giá là một cách làm mới, tích cực. Trong Ngày Pháp luật này, cả nước sẽ tổ chức đợt cao điểm về PBGDPL với nhiều hoạt động thiết thực; tập trung phổ biến, giáo dục các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến lĩnh vực chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức, các văn bản pháp luật mới về quyền và nghĩa vụ của công dân, gắn với đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cung cấp tài liệu hoặc giới thiệu nội dung văn bản pháp luật sẽ phổ biến để cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân nghiên cứu trước nhằm hiểu sâu hơn và đặt câu hỏi thảo luận khi sinh hoạt pháp luật.
Cũng trong Ngày Pháp luật, các cơ quan, đoàn thể tổ chức khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL, trong đó có các hiệp hội nghề nghiệp về pháp luật, tổ chức, cá nhân hành nghề pháp luật đã được xã hội hóa như: luật sư, công chứng.... Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật.
Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc chuẩn bị dự án Luật và đồng ý việc để nâng cao hiệu quả của PBGDPL thì cần đẩy mạnh xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực cho công tác này.
Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với quy định lấy ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nhằm kỷ niệm, tôn vinh tinh thần pháp luật, nhắc nhở động viên toàn xã hội chấp hành pháp luật.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho biết cũng có ý kiến cho rằng PBGDPL là việc làm thường xuyên, hàng ngày chứ không phải là việc làm có tính chất phong trào. Vì vậy, không nên quy định ngày pháp luật riêng vừa tổ chức tốn kém, lại không hiệu quả.
Ưu tiên các dự án liên quan đến sửa đổi Hiến pháp
Trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ 4 quan điểm, căn cứ để lập dự kiến, trong đó có việc xem xét, đưa vào Chương trình các dự án luật, pháp lệnh liên quan trực tiếp đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và ưu tiên đưa vào Chương trình những dự án cần thiết phải ban hành thuộc Chương trình khóa XII chưa được Quốc hội khóa XII xem xét, thông qua. Bên cạnh đó, UBTVQH cũng kiên quyết chỉ đưa vào chương trình chính thức các dự án luật, pháp lệnh được thuyết minh rõ ràng, kiên quyết không đưa vào chương trình những dự án chưa đủ điều kiện.
Theo đề nghị của UBTVQH, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII gồm 96 dự án thuộc chương trình chính thức và 38 dự án thuộc Chương trình chuẩn bị.
Trong nhiều giải pháp bảo đảm thực hiện chương trình, UBTVQH nhấn mạnh, cơ quan, tổ chức soạn thảo dự án tiếp tục dành thời gian, công sức để các dự án luật bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Thu Hằng