Bàng hoàng khi biết mình bị viêm gan B
Chuyện xảy ra cách đây đã 3 năm nhưng chị Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn nhớ như in về giây phút nhận được kết quả xét nghiệm máu của chồng mình. Kết quả cho thấy chồng chị bị nhiễm vi rút viêm gan siêu vi B.
Trao đổi với phóng viên, chị Hường cho biết: “Sau khi kết hôn, hai vợ chồng vẫn chưa muốn có con ngay nên dùng các biện pháp phòng tránh. Một năm sau, khi công việc đã ổn định có thể sinh con được thì chờ mãi chẳng thấy có thai. Lo lắng, hai vợ chồng bảo nhau đi khám và được bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu. Lúc nhận được kết quả xét nghiệm, tôi như rụng rời chân tay khi thấy tờ xét nghiệm của chồng cho kết quả dương tính với vi rút viêm gan B, còn tôi thì không bị”.
Cầm phiếu kết quả xét nghiệm trên tay, chị Hường bàng hoàng nhìn lại chồng mình. Chị hỏi đi hỏi lại chồng xem trong nhà có ai bị mắc căn bệnh này không thì anh trả lời không có. Chị thắc mắc: “Trong nhà không có ai bị nhiễm vi rút viêm gan B, mẹ chồng cũng không bị nên không thể có chuyện mẹ truyền sang con khi mang thai. Vậy nguyên nhân là từ đâu? Cũng may là trước đó tôi đã tiêm vắc xin phòng chống viêm gan B nên không bị lây từ chồng”.
Sau khi biết kết quả xét nghiệm máu dương tính với vi rút viêm gan B, chị Hường cùng chồng đến Bệnh viện Bạch Mai khám lại. Tại đây, các bác sĩ một lần nữa khẳng định chồng chị đã nhiễm vi rút viêm gan B và số lượng vi rút này vẫn đang phát triển rất nhanh, nếu không điều trị ngay sẽ chuyển sang xơ gan. Vợ chồng chị càng bàng hoàng hơn khi bác sĩ cho biết, với tình trạng như của chồng chị thì có thể anh đã bị nhiễm bệnh từ trước đó 6 – 7 năm mà không hề hay biết.
Trước diễn biến của bệnh, các bác sĩ đã cho chồng chị Hường dùng thuốc để ức chế sự phát triển của vi rút viêm gan B. Sau 3 năm dùng thuốc, số lượng vi rút viêm gan B đã giảm đi khá nhiều và không còn gây ảnh hưởng đến gan nữa.
“Nhưng dù số lượng vi rút đã giảm nhưng bác sĩ vẫn yêu cầu dùng thuốc đều đặn hàng ngày, hàng tháng để tránh cho vi rút sinh sôi phát triển trở lại. Tính ra mỗi tháng, chồng tôi phải mất 1,5 triệu đồng tiền thuốc, chưa kể mỗi lần tái khám lại tốn vài triệu đồng. Với đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng, đây thực sự không phải là một số tiền nhỏ” - chị Hường lo lắng cho biết.
Chỉ 5% bệnh nhân viêm gan mãn tính biết mình bị nhiễm
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Theo thống kê của Bộ Y tế, viêm gan vi rút đứng thứ ba trong số nguyên nhân gây tử vong ở nước ta, chiếm tỷ lệ cao nhất là viêm gan siêu vi B. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B trung bình 8 - 25% dân số, viêm gan C từ 2,5 - 4,1% dân số. Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây ra các hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của viêm gan vi rút. Người nhiễm vi rút viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan”.
Có 5 loại viêm gan vi rút, trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể, tương tự với đường lây truyền HIV; viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B, và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ.
Trong 5 loại vi rút viêm gan, vi rút viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất. Trên 240 triệu người hiện đang nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và khoảng 130-150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính trên toàn cầu theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2016.
Hàng năm trên thế giới có khoảng 1,4 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan vi rút chiếm khoảng 2,7% tổng số các trường hợp tử vong. Vi rút viêm gan B và C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu, ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm: “Viêm gan vi rút là bệnh vô cùng nguy hiểm hiện nay về số người mắc, tính chất phức tạp của đường lây truyền, biến chứng gây nên ung thư gan, xơ gan… tuy vậy chưa được người dân cũng như cộng đồng xã hội quan tâm vì nó diễn biến một cách âm thầm không rầm rộ như HIV/AIDS và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Có đến 95% người bị viêm gan không biết mình bị nhiễm, 5% bệnh nhân viêm gan mãn tính còn lại biết mình bị nhiễm nhưng lại chỉ có chưa đến 1% được tiếp cận điều trị”.
Các chuyên gia y tế cũng cho biết, bệnh nhân mắc viêm gan giai đoạn đầu thường có các triệu chứng rất mơ hồ như mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu hơi vàng, sốt nhẹ (ít gặp) nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển thành viêm gan mãn tính và một số có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan. Vì vậy, điều trị dự phòng là biện pháp tốt nhất để phòng chống viêm gan. Trong đó, đối với trẻ em tiêm vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, người dân không nên dùng chung bàn chải, dao cạo râu, bông tai hoặc dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể. Tuyệt đối không chạm vào máu hoặc chất dịch của bất kỳ người nào mà không dùng dụng cụ bảo vệ. Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần. Đối với người mắc bệnh viêm gan, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều trị của bác sĩ. Bệnh viêm gan vi rút là bệnh có thể dự phòng và điều trị, trong đó viêm gan B đã có vắc xin dự phòng và khoảng 90% bệnh nhân viêm gan C được điều trị khỏi.