Đặc biệt, lao động nữ khu vực này thuộc đối tượng dễ bị tổn thương, ít được hỗ trợ, bảo vệ khi bị vi phạm quyền, bị lạm dụng, bóc lột và quấy rối…
Đó là những thông tin được đưa ra tại hội thảo quốc tế chia sẻ về lao động phi chính thức ở Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng - FCD phối hợp cùng Mạng lưới Hành động vì lao động di cư – Mnet tổ chức với sự tham gia của đại diện 4 nhóm lao động di cư là nhóm lao động giúp việc gia đình, thu gom rác, làm việc tại nhà, bán hàng rong, cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận và đưa ra những đề xuất phù hợp góp phần thúc đấy tiến trình “chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức”.
Theo thống kê, lao động phi chính thức tại Việt Nam chiếm tỷ lệ cao với 18 triệu người – chiếm 57,2% trong tổng số lao động (không bao gồm lao động trong khu vực hộ nông nghiệp). Trên thực tế, lao động di cư có nhiều đóng góp trong quà trình phát triển kinh tế - xã hội, việc làm ở khu vực phi chính thức tạo cơ hội và sinh kế cho nhiều lao động, song vẫn chưa đáp ứng được mức sống cơ bản. Bởi việc làm tại khu vực này thường bất ổn định, thu nhập bấp bênh, điều kiện làm việc thiếu an toàn và khó tiếp cận được với an sinh xã hội.
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hàng tháng của lao động phi chính thức khoảng 4,4 triệu đồng/tháng (thấp hơn khu vực chính thức khoảng 30%) Đặc biệt 97,9% lao động khu vực phi chính thức không có bảo hiểm xã hội.
Trong số lao động phi chính thức, phụ nữ thường làm việc ở những ngành nghề dễ bị tổn thương như lao động giúp việc gia đình, bán hàng rong, thu gom đồng nát… Họ không tham gia các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, cũng chưa có tổ chức đại diện để được hỗ trợ, bảo vệ khi bị vi phạm quyền, bị lạm dụng, bóc lột và quấy rối…