Á Hậu Nguyễn Ngọc Châm: Xã hội sẽ 'chết' nếu không có tình thương

(PLO) -“Nếu được trở thành Hoa hậu Doanh nhân Thế giới Người Việt, tôi sẽ cùng với Ban tổ chức thực hiện các chuyến thiện nguyện không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn…” - Đó là câu trả lời mang về cho á hậu Doanh nhân Thế giới Người Việt Nguyễn Ngọc Châm Giải "Ứng xử hay nhất" trong cuộc thi. 
Á Hậu Nguyễn Ngọc Châm: Giám đốc Charm Spa Beauty & Clinic

Lời của á hậu Nguyễn Ngọc Châm như nói hộ nỗi lòng của biết bao doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới - Những người vừa giỏi làm kinh tế, vừa cống hiến hết mình cho xã hội. 

Thành lập Charm Spa ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, nhiều người gọi đó là sự “liều lĩnh”, chị có nghĩ vậy không?

Với tôi, mọi thứ như mới bắt đầu ngày hôm qua. Ngẫm lại chặng đường phát triển của mình tôi vẫn cảm thấy lâng lâng cảm xúc của một cô sinh viên nhỏ dám thử sức với một “cơ ngơi” làm đẹp của riêng mình.

Thành lập Charm Spa ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, nhiều người cho rằng đó là sự “liều lĩnh” nhưng tôi lại gọi đó là “tuổi trẻ”. Tôi chọn cách theo đuổi đam mê trong lĩnh vực làm đẹp - con đường mà tôi biết sẽ nhiều chông gai, lắm thử thách. 

Charm Spa thành lập cũng là lúc thị trường làm đẹp tại Việt Nam chưa nở rộ như hiện nay, đó là lợi thế khi không phải cạnh tranh với quá nhiều cơ sở làm đẹp. Tuy nhiên, điều này cũng là khó khăn bởi muốn khách hàng biết đến thương hiệu thì phải bỏ công sức nhiều hơn, phải thực sự giỏi chứ không thể nhờ những “chiêu trò” nhan nhản như hiện nay được.

Từ một cô sinh viên Tài chính - Ngân hàng, tôi bắt đầu mày mò từng bước trong một chuyên ngành làm đẹp mênh mông kiến thức. Thế nhưng, chính năng khiếu và sự cần cù đã giúp tôi lấy được sự tin tưởng của khách hàng. Đó là món quà tạo nên một phần quan trọng cho thành công của Charm Spa thời điểm hiện tại.

Yếu tố nào được Charm Spa đặc biệt quan tâm để có thể cạnh tranh với các thương hiệu khác, thưa chị?

Con người là cốt lõi thành công của một tổ chức, chính vì vậy nhân sự tại Charm Spa cũng là yếu tố tôi đặt lên hàng đầu. Ngay từ những ngày đầu thành lập cho tới bây giờ, dù Charm Spa trước đây chỉ là một cơ sở nhỏ cho tới địa chỉ lớn như hiện nay thì các cá nhân trong Spa luôn sống với nhau như một gia đình.

Tôi cho rằng, chỉ sự tôn trọng và yêu thương nhau thì mới có thể giúp cho tập thể phát triển bền vững. Tôi luôn tuân thủ triết lý trong cách quản lý nhân sự của mình, đó là sự kết hợp giữa: Trí tuệ - Quan tâm đời sống nhân viên - Sự lãnh đạo của người đứng đầu. 

Chúng ta đều biết, tồn tại trong ngành “làm dâu trăm họ” và không ngừng thay đổi như spa một năm, hai năm hay ba năm đã là thành công. Thế nhưng, để tồn tại và phát triển trong suốt 8 năm nếu nói “thành công” thôi vẫn chưa đủ. Bản lĩnh để vượt qua khó khăn, thử thách cũng đã là dấu cộng về lòng tin nếu như doanh nghiệp có thể đứng vững trong ngành. 

Á Hậu Nguyễn Ngọc Châm: Giám đốc Charm Spa Beauty & Clinic

Dưới góc độ của một người lãnh đạo, chị đã có đóng góp gì góp phần giúp cho ngành làm đẹp tại Việt Nam phát triển bền vững? 

Chăm sóc sắc đẹp cho con người là trọng trách cao cả nhưng cũng đầy “rủi ro”. Nếu không làm tốt trách nhiệm của mình thì một người tư vấn có thể “đẩy” khách hàng vào hoàn cảnh trớ trêu vì làm đẹp sai hướng; Một kỹ thuật viên có thể “vô tình” lấy đi nét đẹp tự nhiên của một người phụ nữ…

Chính vì thế, bản thân tôi luôn không ngừng trau dồi kỹ năng cũng như luôn áp dụng những tiến bộ của ngành làm đẹp trên thế giới tại Charm Spa. Đôi khi, tôi bắt gặp nhiều trường hợp các spa trên mạng xã hội chia sẻ clip làm đẹp cho khách bằng lăn kim, tôi thấy ở đó tồn tại vô vàn lỗ hổng trong kỹ thuật.

Kỹ thuật viên làm cho khách hàng còn không biết về cấu tạo da hay dùng kim nào cho làn da nào thì không những không giúp khách đẹp lên mà còn làm xấu đi gương mặt họ. Tôi mong rằng những người làm trong nghề hãy luôn đặt tâm huyết của mình vào công việc này. 

Trong đêm Chung kết Hoa hậu Doanh nhân Thế giới Người Việt 2016, chị đã nhận được Giải "Ứng xử hay nhất" khi chia sẻ về trách nhiệm của một doanh nhân với cộng đồng. Theo chị, đây là có phải là yếu tố quan trọng giúp doanh nhân thời hiện đại có thể tỏa sáng không?

Tôi chưa bao giờ quên câu nói của Hồ Chủ Tịch: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Câu nói ấy đúng trong mọi hoàn cảnh, trước đây và ngay cả bây giờ. Doanh nhân - những đầu tàu kinh tế của đất nước luôn cần phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình không chỉ với nền kinh tế mà còn với xã hội.

Với một doanh nhân, điều đầu tiên phải biết làm kinh tế giỏi, có thế thì hai từ “doanh nhân” mới có giá trị. Thế nhưng, nếu như chỉ biết làm giàu cho bản thân mà không biết gắn trách nhiệm của mình với cộng đồng thì chẳng phải là tài năng đó cũng chỉ là “thứ” vô dụng hay sao?

Bản thân tôi không có suy nghĩ cao xa có thể giúp đỡ toàn thể người dân Việt Nam thoát khỏi nghèo khổ. Nhưng, suy nghĩ về một xã hội mà tình thương “tỷ lệ nghịch” với sự giàu có khiến tôi luôn canh cánh trong lòng. 

Thỉnh thoảng, trong những chuyến thiện nguyện, tôi đã gặp rất nhiều cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Nào có phải họ không có con, thậm chí có những người, con cái giàu có mà họ vẫn chỉ “thui thủi” một mình khi về già. Ngẫm lại, tôi nhận thấy, xã hội nếu không có tình thương, chỉ coi trọng vật chất thì đó là một xã hội đã “chết”. 

Đọc thêm