Nhiều tín thư trị giá trên trăm tỷ đồng được các chi nhánh của một ngân hàng phát hành nhằm bảo lãnh cho doanh nghiệp vay ngân hàng khác. Song, đến hạn phải trả, doanh nghiệp bị mất khả năng thanh khoản, ngân hàng này lại lập lờ, chây ỳ một cách khó hiểu.
Quyết liệt đòi nợ
Theo phán quyết của cấp tòa này, tính đến ngày 26/6/2012, công ty Minh Thắng còn nợ Vietbank vốn 75 tỷ đồng, nợ lãi gần 23 tỷ đồng. Trước đó, với giao dịch tín dụng này, phía Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP.HCM) đã phát hành thư bảo lãnh thanh toán số 269 và 270/NHNN-PMH-KHKD ngày 16/5/2011, số tiền cho công ty Minh Thắng vay 50 tỷ đồng. Vietbank được quyền thụ hưởng của bên nhận bảo lãnh. Do đó, Agribank Phú Mỹ Hưng phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho công ty Minh Thắng.
Hình minh họa |
Căn cứ bản án có hiệu lực, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu phía Agribank thực thi nghĩa vụ nhưng họ không thực hiện. Phía Vietbank phát hiện Agribank có tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) số tiền 50 tỷ đồng và đề nghị Cục Thi hành án Dân sự cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản này.
Phía Thi hành án cũng đã có văn bản gửi NHNN đề nghị hỗ trợ. Mới đây, văn bản 648 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã khẳng định các mục tài sản được liệt kê của công ty Minh Thắng buộc phải phát mãi để trả khoản nợ vay quá hạn và lãi cho Vietbank, đồng thời văn bản cũng nêu rõ- cơ quan Thi hành án được quyền áp dụng biện pháp buộc Agribank trả nợ thay cho công ty Minh Thắng này theo tín thư bảo lãnh (50 tỷ đồng). Ngày 18/7/2013, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM tiếp tục có quyết định 2980 thi hành án vụ việc này, nhưng phía Agribank lại chây ì.
Ở vụ việc khác, bản án phúc thẩm số 39/2012/KDTM-PT, ngày 14/12/2012 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, Vietbank cho công ty TNHH Đức Hòa vay và Agribank chi nhánh An Sương (quận 2, TP.HCM) là nơi phát hành các thư bảo lãnh cho công ty Kim Ánh nhằm thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho công ty Đức Hòa.
Việc trả nợ thay này đều có đều có văn bản thông báo cho Agribank An Sương. Và chi nhánh ngân hàng này cũng đã xác nhận đồng ý thực hiện nội dung việc chuyển nhượng nói trên. Vì thế, cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu đòi nợ của Vietbank theo các hợp đồng tín dụng cho vay cùng các khế ước nhận nợ hơn 141 tỷ đồng và hơn 666.000 USD. Trong đó, Agribank An Sương phải có trách nhiệm trả nợ thay theo tín thư bảo lãnh số tiền trên 46,9 tỷ đồng…
Trốn tránh trách nhiệm
Ngày 28/3/2013, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng – NHNN VN có văn bản đề nghị Agribank chỉ đạo chi nhánh An Sương tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động bảo lãnh ngân hành. Đồng thời, thực hiện nghiêm bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Ngày 25/4/2013, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM, có văn bản yêu cầu Agribank nộp số tiền nói trên để thi hành nghĩa vụ trả nợ. Agribank – CN An Sương có văn bản khiếu nại gửi cơ quan Thi hành án đề nghị cấp thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm bản án của Tòa Phúc thẩm, nhưng đã bị Cục Thi hành án bác bỏ.
Mới đây, Tổng cục Thi hành án Dân sự cũng có văn bản 2023 (ngày 5/8/2013) gửi Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM có nhắc đến thư khiếu nại của Vietbank được Văn phòng Chính phủ chuyển, yêu cầu thi hành án đúng quy định nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên đương sự.
Kế đến ngày 14/8/2013, Viện KSND Tối cao cũng có văn bản 2750 gửi Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM đốc thúc thi hành dứt điểm bản án số 39. Nhưng phía Agribank vẫn “im hơi lặng tiếng”! Với các bản án phúc thẩm nêu trên cho thấy hành động cố tình bội tín của ngân hàng “đại gia” này là thật khó hiểu.
Liên quan đến vấn đề vừa nêu, Luật sư Phạm Tấn Vinh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự, Luật các tổ chức tín dụng thì: Bảo lãnh ngân hàng (sau đây gọi là bảo lãnh) là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh cam kết bằng văn bản với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thỏa thuận.
Như vậy, Agribank cấp tín thư bảo lãnh cho tổ chức, cá nhân nào đó mà khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính mà tổ chức, cá nhân được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với đối tác (bên thụ hưởng) thì Agribank phải thực hiện nghĩa vụ thay cho tổ chức, cá nhân mà Agribank đã bảo lãnh.
Ngoài ra, trong thời hạn bảo lãnh, bên bảo lãnh hoặc bên xác nhận bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi bên nhận bảo lãnh xuất trình yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và các hồ sơ, tài liệu, chứng từ kèm theo hợp pháp, hợp lệ (nếu có) thỏa mãn đầy đủ các điều kiện đã quy định trong cam kết bảo lãnh hoặc cam kết xác nhận bảo lãnh.
Chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày bên nhận bảo lãnh xuất trình đầy đủ bộ hồ sơ đề nghị thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối (khoản 1 Điều 20 Thông tư số 28/2012/TT-NHNN ngày 3/10/2012).
Nguyên Phong