Ai bảo xe hơi là sướng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có phải phải cứ có xe thì mới là “giàu” hay không? Với người sống ở các đô thị lớn, thậm chí xe hơi đang là cơn ác mộng, sung sướng gì cảnh chạy lòng vòng trên phố cả tiếng mà không tìm được nơi đỗ xe?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một số liệu Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa công bố đã khiến không ít người một lần nữa tranh cãi bàn luận về một chủ đề nhiều năm chưa ngã ngũ.

Theo Cục Đăng kiểm, năm 2021, số lượng ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống, được người tiêu dùng mua và đi đăng kiểm lần đầu đạt 318.704 xe các loại. Số liệu này bao gồm cả xe sản xuất lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu chính hãng, nhập khẩu không chính hãng, quà tặng quà biếu và kể cả xe cũ nhập khẩu...

Hà Nội là địa phương có tỷ lệ người tiêu dùng mua xe cao nhất, với 50.928 xe; thứ hai là TP HCM 32.403 xe; thứ ba là Hải Phòng 16.996 xe; thứ tư Nghệ An 14.628 xe; thứ năm là Bình Dương 11.096 xe. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến thị trường ô tô, tuy nhiên, tiêu thụ ô tô con tại Việt Nam năm 2021 vẫn cao hơn mức 296.634 xe của 2020.

Tỷ lệ sở hữu xe cá nhân tại Việt Nam còn thấp. Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019 cho thấy, chỉ 5,7% số hộ gia đình trên cả nước sở hữu ô tô con. Khu vực thành thị có tỷ lệ cao gấp gần 3 lần so với nông thôn, 9,5% và 3,6%. Đồng bằng sông Hồng là vùng có nhiều hộ gia đình có ô tô nhất với 7,5%. Các vùng còn lại tỷ lệ chênh lệch không nhiều. Riêng ĐBSCL chỉ 2,5% hộ có xe hơi. Trong số 10 tỉnh thành có tỉ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô cao nhất cả nước, TP HCM không có tên. “Đầu tàu” kinh tế cả nước chỉ xếp thứ 13 trong bảng xếp hạng này.

Nhiều đánh giá cho rằng Việt Nam đang bước vào giai đoạn ô tô hóa, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, giá xe còn cao do thuế và phí. Nên có ý kiến cho rằng cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xe hơi, để người dân dễ sở hữu xe hơn.

Có nên giảm thuế phí nữa hay không? Không tính tới chuyện đây là nguồn thu lớn cho ngân sách, thì với các địa phương nhiều năm nay khốn khổ vì kẹt xe như Hà Nội, TP HCM; nếu nhà nhà ô tô người người ô tô; chắc chắn chỗ đậu xe cũng không đủ chứ chưa nói tới chuyện đi xe. Thực tế, các chính sách cũng đã tính đến yếu tố địa phương nào nên hạn chế xe, nên mới có chuyện ở các đô thị lớn thì lệ phí trước bạ cao hơn, tiền phí ra biển số xe cũng cao hơn.

Có phải phải cứ có xe thì mới là “giàu” hay không? Với người sống ở các đô thị lớn, thậm chí xe hơi đang là cơn ác mộng, sung sướng gì cảnh chạy lòng vòng trên phố cả tiếng mà không tìm được nơi đỗ xe? Rất nhiều người, nhiều gia đình dư sức mua được vài chiếc xe sang, nhưng nếu nhu cầu sử dụng không quá nhiều, thì vẫn đi taxi là vì thế. Ở miền Bắc, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nên tâm lý cố gắng có một chiếc 4 bánh là hợp lý. Nhưng ở miền Nam, thời tiết khí hậu thuận hòa, thì lại khác.

Có xe là một chuyện, nhưng còn một khâu quan trọng nữa không kém là nuôi xe. Từ gửi xe nếu nhà không có chỗ đậu, phí đường bộ, phí đăng kiểm, tiền bảo hiểm, tiền bảo dưỡng; và nhất là tiền xăng trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới “leo thang”. Không ít người vì ham xe mà gắng sức mua bằng được, rồi không kham nổi, phải ngậm ngùi “bán tống bán tháo”.

Và như vậy, câu hỏi có nên giảm thuế phí với xe hơi để nhà nhà người người “bung lụa”, vẫn chưa thể có câu trả lời hài hòa cho mọi người, mọi đối tượng. Nhất là trong bối cảnh cả thế giới đã đang dần chuyển sang xu thế xe điện để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Đọc thêm