Ai chịu trách nhiệm pháp lý trong vụ sạt mỏ than Thái Nguyên?

Sự vụ liên quan đến tính mạng của nhiều người dân, và những hộ dân còn lại nơm nớp lo sợ, tìm kiếm nơi an toàn ở tạm. Chính quyền cùng nhiều lực lượng khác vào cuộc cứu nạn. Cứ mỗi “thảm họa” xảy ra, thì lại rút kinh nghiệm. Tại sao các cơ quan hữu quan không ngăn chặn tai họa từ trong “trứng nước”?...

Sự vụ liên quan đến tính mạng của nhiều người dân, và những hộ dân còn lại nơm nớp lo sợ, tìm kiếm nơi an toàn ở tạm. Chính quyền cùng nhiều lực lượng khác vào cuộc cứu nạn. Cứ mỗi “thảm họa” xảy ra, thì lại rút kinh nghiệm. Tại sao các cơ quan hữu quan không ngăn chặn tai họa từ trong “trứng nước”?...

Cơ quan chức năng không thể vô can khi để xảy ra vụ sạt lở gây chết người hàng loạt(?!).
Cơ quan chức năng không thể vô can khi để xảy ra vụ sạt lở gây chết người hàng loạt(?!).

PLVN lược ghi ý kiến của các Luật sư xung quanh sự vụ này để có thể góp cái nhìn rõ hơn về trách nhiệm khi để xảy ra “sự cố” đáng tiếc này.

“Thảm họa” không xảy ra nếu…

Theo nội dung vụ việc: Khoảng 4h30 ngày 15/4, hàng nghìn m3 đất đá ở bãi thải mỏ than Phấn Mễ (thuộc Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên) cao như núi bất ngờ lở xuống và vùi lấp nhà cửa của 10 hộ dân. Người may mắn thoát nạn là anh Hà Văn Thắng cho biết, hơn 3h sáng, vợ chồng anh dậy cắt rốn cho đàn lợn con mới đẻ thì nghe tiếng nổ lớn phía trên núi, khói từ trạm biến áp nằm cạnh chân núi bốc lên nghi ngút.

Thấy đất đá thải lăn xuống gây ra tiếng động rầm rập, anh vội tri hô, anh và cậu con trai Hà Văn Phi kịp chạy thoát thân. "Quay lại, tôi không cầm được nước mắt khi thấy ngôi nhà có cả bố mẹ mình đang nằm ngủ cứ từ từ trôi dạt theo đất đùn, cột kèo gẫy nghe lóp bóp", anh Thắng hốt hoảng kể lại. Nghe tiếng kêu cứu, gia đình và người dân đã tìm được ông Hà Văn Xuân (90 tuổi) còn sống và đưa đi bệnh viện cấp cứu. Còn bà Vũ Thị Hồng (85 tuổi, vợ ông Xuân) đã ngạt thở và tử vong…

Từ thông tin vụ sạt lở này, nhiều luật sư và các chuyên gia pháp lý cho rằng, sự việc đã xảy ra, cả hệ thống chính trị địa phương đang vào cuộc tìm kiếm các nạn nhân là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, không nên nêu ra những quan điểm cho rằng việc làm hiện tại của chính quyền là “lập công”, mà cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và toàn diện. Tại sao dưới một bãi chất thải cao như núi, lại có nhiều hộ dân sinh sống, nguy hiểm rình rập họ bất cứ lúc nào mà chính quyền không hề hay biết?.

Luật sư Hoàng Long Hà, phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: Thật khó hiểu khi một bãi thải tồn tại nhiều chục năm, đất đá chất lên ngày càng cao như núi, thế nhưng từ lãnh đạo mỏ than, ngành than, chính quyền, các cơ quan quản lý tại địa phương lại không biết; hoặc biết nhưng vì lý do nào đó mà không dám, không muốn nói đến sự nguy hiểm khi bãi thải hàng năm vẫn phải tích thêm một lượng chất thải quá lớn. Và khi quá sức chịu đựng của chân bãi thải, sạt lở là điều tất nhiên.

Tại bãi thải mỏ than Phấn Mễ: Chân của “ngọn núi” bãi thải không thể chịu đựng nổi sức nặng của hàng trăm nghìn tấn đất đá càng ngày càng nặng ở bên trên, chân “gãy” núi đổ cũng là điều dễ hiểu. Điều đau lòng là hậu quả chết nhiều người đã xảy ra, sau đó ngân sách Nhà nước phải chi ra khoản tiền lớn để khắc phục hậu quả.

Nói như vậy để thấy rằng: Doanh nghiệp chỉ lo tăng trưởng sản xuất, khai thác nguồn tài nguyên vô độ để đem lại lợi nhuận càng cao càng tốt, mà “quên” mất vấn đề to lớn hiện nay là xử lý chất thải, môi trường. Còn các cơ quan quản lý thì “quên” mất chức năng quản lý, cảnh báo. Chỉ đến khi hậu quả to lớn xảy ra thì họ mới giật mình tỉnh dậy, lao vào tìm kiếm cứu chữa, hỗ trợ khó khăn cho người bị nạn- mà trong Luật hình sự gọi là tình tiết giảm nhẹ (bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả).

Trong vụ việc này, trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu  và của các cơ quan quản lý liên quan đã rõ: Đó là thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét nghiêm túc, thẳng thắn, xác định rõ trách nhiệm pháp lý của cá nhân, tổ chức để xử lý, không chỉ trong sự việc này mà còn ở các sự việc tương tự khác. Đồng thời để cảnh báo cho rất nhiều những mỏ khai thác tài nguyên khác, đặc biệt ở các dự án khai thác quy mô rộng lớn  cần phải có thái độ tích cực ngay từ đầu để ngăn chặn đại thảm họa to lớn có thể xảy ra .

Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng địa phương:

Bãi thải mỏ than Phấn Mễ có từ hàng chục năm nay, lượng đất đá chất cao trên diện tích nhiều hecta. Khu vực bị sạt lở từng được thông qua phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhưng việc đền bù di chuyển chưa được thực hiện thì xảy ra sự cố. Có thể do nền đất yếu đã gây ra tình trạng sụt lún hàng nghìn khối chất thải.

Sau khi xảy ra vụ sạt lở, Chủ tịch UBND huyện Phấn Mễ yêu cầu tất cả doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản trên địa bàn kiểm tra, rà soát ngay hoạt động khai khoáng, xử lý kịp thời những vị trí có nguy cơ mất an toàn… Còn Chủ tịch UBDN tỉnh Thái Nguyên thì ra tận hiện trường và ngủ lại tại đây để chỉ huy cứu nạn…

Chính quyền không thể “vô can”?

LS L.Q, Đoàn Luật sư tỉnh Đ. đang công tác tại Hà Nội gọi điện bức xúc với PLVN: Báo cần đặt vấn đề trách nhiệm pháp lý khi để xảy vụ sạt lở này, chứ không nên chỉ chuyển tải những thông tin mà chính quyền cho rằng họ đang tích cực cứu hộ, cứu nạn và đáng được quan tâm, khen ngợi.

Luật sư Q. gay gắt: Vấn đề đặt ra là tại sao chất thải của mỏ tồn tại một thời gian dài và khủng khiếp như thế nhưng chính quyền và các cơ quan chức năng không hề có một động thái gì?. Trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra “thảm họa” này?.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm – trưởng VPLS Nghiêm & Chính, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Việc chính quyền tiến hành cấp phép cho doanh nghiệp khai thác mỏ khi biết có người dân đang ở đó, nhưng lại không hề có biện pháp bảo đảm cho người dân sinh sống chung quanh mỏ được an toàn. Điều này cho thấy công tác thẩm định thực tế để cấp phép là có “vấn đề”. Trả lời báo chí, ông chủ tịch tỉnh Thái Nguyên đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ, nói như thế là mang theo cách làm của thời bao cấp, tức là đổ lỗi cho khách quan và đổ lỗi cho cấp trên, không nhìn nhận trách nhiệm của mình và cấp dưới; kể cả việc xử lý hậu quả xảy ra vị Chủ tịch cũng yêu cầu cấp trên hỗ trợ, thử hỏi trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền tỉnh ở đâu(?).

Còn về vấn đề, ai cấp giấy phép cho doanh nghiệp khai thác mỏ, sau khi cấp phép, chính quyền có kiểm tra hay không?. Và khi có hậu quả xảy ra đối với người dân thì ai là người chịu trách nhiệm, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, chứ không thể nói: “Chúng tôi đã có nhắc nhở nhưng chưa kịp làm thì xảy ra sự việc. Nói như thế cũng là một dạng vô trách nhiệm” - Tôi đã trực tiếp nghe trên đài phát thanh tường thuật ông Chủ tịch tỉnh đứng ở hiện trường phát biểu như vậy – Luật sư Nghiêm kể.

Theo Luật sư Nghiêm trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh, các sở - ban - ngành trong tỉnh là không phải cho dân biết mình đang ở hiện trường là có trách nhiệm rồi, mà trách nhiệm chính của họ là phải đảm bảo cho người dân sống an toàn, làm ăn phát triển, hạnh phúc… Chứ không phải khi người dân chết rồi thì ngủ lại đó rồi “cầu cứu” cấp trên hỗ trợ cho mình.

Về trách nhiệm hình sự, đó trách nhiệm là của những người đề xuất cấp phép,  kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp… nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống tại đây thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự, ít nhất cũng khởi tố về hành vi “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” – Luật sư Nghiêm khẳng định với PLVN.

Nhóm Phóng viên

Đọc thêm