AI có thể thay thế báo chí không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang bùng nổ mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có báo chí, tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ trong khoa học công nghệ, có nhiều lý do quan trọng khiến AI không thể thay thế báo chí.
Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023. (Nguồn: Hoàng Quý)
Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023. (Nguồn: Hoàng Quý)

Không thể thay thế báo chí!

Trong những năm gần đây, sự phát triển “bùng nổ” của AI, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative artificial intelligence - GAI) đã thúc đẩy việc ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực. AI dần trở nên quen thuộc trong đời sống thường ngày của mọi người. Chính vì lý do này, đã có nhiều người bày tỏ sự lo ngại các ngành nghề sẽ dần bị thay thế bởi AI, ngay cả với một ngành nghề có tính sáng tạo và biểu đạt cao như báo chí.

Liệu AI có thể thay thế được báo chí hay không? Đây không chỉ là băn khoăn của nhiều người mà còn của ngay chính những nhà báo - người tham gia trực tiếp vào hoạt động báo chí cũng không tránh khỏi “nỗi sợ” này.

Theo phân tích của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, mặc dù các thuật toán AI vượt trội trong việc xử lý lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng, nhưng chúng thường thiếu sự hiểu biết sâu sắc cần thiết để diễn giải các bối cảnh xã hội, chính trị và văn hóa phức tạp. Trong khi các nhà báo mang đến kiến ​​thức chuyên sâu và nhận thức về bối cảnh cho phép họ đưa ra những thông tin chính xác và sâu sắc hơn.

Thêm vào đó, báo chí liên quan đến việc đưa ra các quyết định mang tính đạo đức về những thông tin cần đưa tin, cách xây dựng câu chuyện và những nguồn tin nào đáng tin cậy. Những quyết định này chịu tác động của sự kết hợp giữa kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân, các tiêu chuẩn chuyên môn và giá trị con người, vốn là các yếu tố khó lập trình vào hệ thống AI.

Ngoài ra, phần lớn tác động của báo chí đến từ việc đưa tin điều tra, đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và khả năng khai thác các nguồn tin “bí mật”. Công nghệ AI thiếu những đặc điểm con người cần thiết để xây dựng mối quan hệ và niềm tin với các nguồn tin, thực hiện các cuộc phỏng vấn và khám phá sự thật thông qua công việc điều tra. Chưa hết, các bài báo liên quan đến các vấn đề như nhân quyền, thiên tai hay bi kịch cá nhân đòi hỏi sự đồng cảm, trí tuệ và cảm xúc. Các nhà báo thường đưa ra quan điểm nhân ái, tác động đến tình cảm của độc giả, điều mà nội dung do AI tạo ra không thể làm được.

Các nhà báo trao đổi về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất báo chí tại lớp tập huấn nghiệp vụ do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. (Nguồn: Nguyên Ngọc)

Các nhà báo trao đổi về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất báo chí tại lớp tập huấn nghiệp vụ do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. (Nguồn: Nguyên Ngọc)

Khi nhìn lại lịch sử phát triển của báo chí truyền thông, chúng ta phải thừa nhận là đã có nhiều nền tảng từng “làm mưa, làm gió” khắp thế giới như: Yahoo, Viber, Facebook,… và bây giờ là sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo,… Nhưng ngay cả trí tuệ nhân tạo, công cụ trợ lý ảo chatbot chỉ có thể trả lời những câu hỏi khi và chỉ khi có dữ liệu do con người tạo ra trên nền tảng số (dữ liệu số). Như vậy, suy cho cùng, giá trị trường tồn, bất biến là trí tuệ con người, còn khoa học kỹ thuật vĩnh viễn chỉ là phương tiện truyền tải. Và cuối cùng tất cả cũng sẽ đều trở lại với giá trị đích thực của nó.

“Trợ thủ đắc lực” của ngành báo

Theo nghiên cứu về tác động AI đối với báo chí của Công ty Greentarget năm 2023 cho thấy nhiều nhà báo thế hệ mới đã khai thác sức mạnh của nền tảng AI để hỗ trợ việc đưa tin, như 52% sử dụng công cụ AI để dịch thuật, 43% sử dụng AI để viết và 39% cho nghiên cứu. Như vậy, có thể thấy, dù AI không thể thay thế được báo chí, nhưng cũng không thể phủ nhận những giá trị mà nó mang lại. Do đó, ở thời điểm hiện tại hay tương lai thì AI vẫn được coi là “trợ thủ đắc lực” đối với ngành báo.

Trước đây, sản xuất thông tin thường mang tính truyền thống, nhưng với sự xuất hiện của AI, quy trình này trở nên nhanh hơn, sâu hơn và toàn diện hơn. AI giúp mang lại cái nhìn toàn diện, tác động mạnh mẽ đến quy trình sản xuất nội dung và đặc biệt là ảnh hưởng đến cả độc giả.

Cụ thể, với khả năng “tự động hóa” sản xuất nội dung, AI có thể hỗ trợ nhà báo trong việc viết bài, làm hình ảnh, video minh họa cho bài viết. Tuy nhiên, sự sáng tạo và góc nhìn nhân văn vẫn là những yếu tố không thể thay thế bởi AI. Nhà báo vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nội dung sáng tạo và đưa ra phân tích sâu sắc dựa trên thông tin mà AI cung cấp.

Bên cạnh đó, công nghệ AI hỗ trợ nhà báo trong việc xử lý và phân tích dữ liệu lớn về tin tức. AI có khả năng phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau như mạng xã hội, trang web tin tức hay diễn đàn trực tuyến. Công nghệ này giúp nhà báo hiểu rõ hơn về xu hướng, ý kiến công chúng và sự phản hồi đối với các sự kiện, sản phẩm hoặc chủ đề cụ thể. Giúp họ tạo ra các bài viết có nội dung phù hợp và thu hút sự quan tâm của độc giả.

Đồng thời, AI có khả năng chọn lựa chủ đề phù hợp với thị hiếu của độc giả và xu hướng thời đại, giúp các tòa soạn đi trước một bước trong việc cung cấp những nội dung hấp dẫn. Trước những lợi ích mà “trợ thủ” này đem lại, các tòa soạn nên tận dụng trí tuệ nhân tạo, giống như cách mà họ tận dụng các công cụ công nghệ khác cho quy trình tác nghiệp.

Báo Lao động là cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam cho ra mắt một bản tin truyền hình sử dụng biên tập viên ảo được sản xuất tự động bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo dựa trên hệ thống LDO-AI. (Nguồn: Lao động)

Báo Lao động là cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam cho ra mắt một bản tin truyền hình sử dụng biên tập viên ảo được sản xuất tự động bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo dựa trên hệ thống LDO-AI. (Nguồn: Lao động)

Theo Khảo sát Báo chí Việt Nam 2023 do Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp thực hiện, cụ thể là Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) là đơn vị trực tiếp triển khai, trên số lượng mẫu là 177 cơ quan báo, tạp chí trên cả nước, trong đó có khoảng 1/4 cơ quan báo chí tại Việt Nam đang ứng dụng AI trong các hoạt động vận hành của tòa soạn, đặc biệt là khâu sản xuất tin tức.

Nhiều cơ quan báo chí từng bước áp dụng các công nghệ số hiện đại như AI, IoT, Cloud, Big Data... vào hoạt động của mình. Hầu như các đơn vị báo chí lớn như Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, VnExpress,... đều đã trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện với các trang báo đáp ứng tiêu chí Mobile First, đa nền tảng, sử dụng các hình thức truyền tải tin bài hiện đại.

Tuy nhiên, cũng theo khảo sát này, có 29,4% cơ quan báo chí đã có kế hoạch ứng dụng AI trong tòa soạn nhưng chưa triển khai. Hơn 1/3 (36,2%) vẫn chưa có kế hoạch ứng dụng, trong khi 15 cơ quan báo chí khẳng định sẽ không sử dụng AI trong các hoạt động của tòa soạn. Có 36/46 cơ quan báo chí đang ứng dụng AI đã tự xây dựng hệ thống để vận hành, còn lại sử dụng dịch vụ thuê ngoài.

Từ đó, có thể thấy việc áp dụng AI trong lĩnh vực báo chí đem lại nhiều lợi ích, song cũng cần được thực hiện cẩn thận và cân nhắc. Bởi sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và vai trò của con người có thể mang lại kết quả tốt nhất cho hoạt động báo chí trong tương lai.

Để thúc đẩy hơn nữa việc ứng dụng AI trong báo chí, về mặt nhân sự, cần thay đổi tư duy lãnh đạo và nhân viên theo hướng ưu tiên kỹ thuật số. Đồng thời, tòa soạn cần vận hành theo mô hình mở, tăng cường tương tác, chú trọng đào tạo nhân sự đa phương tiện và đa nền tảng, khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo.

Về công nghệ, cần phát triển mô hình tòa soạn báo chí công nghệ cao, tăng cường đầu tư vào trang thiết bị và kỹ sư công nghệ, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Về tài chính, các cơ quan báo chí cần sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách, đa dạng hóa nguồn thu từ quảng cáo nội dung và tổ chức sự kiện để tái đầu tư và phát triển.

Đọc thêm