Trong tháng 10/2021 là tháng cuối cùng kết thúc cơ chế giá FIT. Phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã liên tục thông tin về tình hình các dự án điện gió đã được COD (vận hành thương mại).
Cụ thể, theo EVN, đến ngày 15/10 mới chỉ có 443 MW (trong tổng số 5755,5 MW đăng ký) được công nhận COD; ngày 22/10 tổng công suất COD là 1.247,4 MW; Hết ngày 28/10, con số này đã tăng lên 2.131,3 MW.
Chỉ trong 3 ngày cuối cùng trong thời hạn FIT, tổng cộng có 1.167,6 MW điện gió được công nhận COD.
Như vậy, trong số 106 nhà máy điện gió đăng ký COD chỉ có 69 nhà máy điện gió với tổng công suất 3298,95 MW đã được công nhận vận hành thương mại COD và được hưởng giá FIT2.
Theo nhiều chuyên gia về năng lượng tái tạo (NLTT), kết quả trên thực sự là một cú chạy nước rút “thần sầu” của các chủ đầu tư, trong đó cũng cần ghi nhận nỗ lực làm cả ngày - đêm trong 2 ngày nghỉ cuối tuần của các đơn vị chức năng EVN, để tạo điều kiện kịp hưởng FIT cho các dự án.
Trong số đó, “ngôi sao sáng nhất” là Trungnam Group khi chạy nước rút với tốc độ siêu… khủng, hoàn thành toàn bộ các dự án đang triển khai (bao gồm Nhà máy điện (NMĐ) gió Ea Nam Đăk Lăk công suất 399,60; Phong Điện Trung Nam Ninh Thuận với 151,95 MW và Đông Hải 1 Trà Vinh với 100 MW.
Về đích “hẻo” nhất là NMĐ gió Số 5 Thạnh Hải 2 (Bến Tre) của Công ty CP Tân Hoàn Cầu Bến Tre, chỉ kịp COD 4,25 MW (trong tổng công suất 30 MW dự kiến của giai đoạn 1).
Theo EVN, nếu bao gồm cả 15 nhà máy điện gió đã được công nhận COD và vào vận hành từ trước đây thì trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất 3980,27 MW được công nhận COD.