Khi AI “lấn sân” vào nghệ thuật biểu diễn
Có thể khẳng định, trên đà phát triển hiện nay, AI đang đem lại những khả năng vượt bậc, trong đó bao gồm cả lĩnh vực sáng tạo văn hóa - nghệ thuật, mà trước đây tưởng chừng như là địa hạt độc quyền của con người mà không máy móc nhân tạo nào có thể thay thế được.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đặc trưng bởi sự tiến bộ trong công nghệ như AI đã có tác động đáng kể đến văn hóa; đến quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa, tìm hiểu các nền văn hoá đa dạng; biến đổi các khía cạnh khác nhau của văn hóa, bao gồm âm nhạc, phim ảnh, văn học và các loại hình nghệ thuật khác; cho phép cá nhân hóa trải nghiệm văn hóa; thay đổi các hình thức kiểm duyệt truyền thống về văn hóa, như đối với lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh... khiến công chúng dễ dàng tiếp cận sản phẩm văn hóa, nghệ thuật…”.
Trên thế giới, những năm gần đây, khái niệm “nghệ sĩ ảo” đã ra đời, bằng ứng dụng AI để tạo ra những nghệ sĩ có hình hài, vóc dáng, có khả năng ca hát, sáng tác, tuy chỉ tồn tại trên không gian mạng.
Tháng 3/2023, công chúng Việt Nam lần đầu chứng kiến ca sĩ AI đầu tiên được phát triển bởi trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam bằng việc kết hợp với các thuật toán cùng với nhiều lớp hiệu ứng âm thanh tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh mang tên “ca sĩ AI Ann”. Khi ra mắt, ca sĩ ảo đã trình diễn ca khúc solo đầu tiên mang tên “Làm sao nói thương anh” (How To Say I Love You), được phát hành trên YouTube.
Tháng 11/2023, một nữ nhạc sĩ được tạo ra hoàn toàn bằng AI đã cho ra mắt ca khúc đầu tiên do chính cô sáng tác và thể hiện. Nữ nhạc sĩ có tên Anna Indiana là sản phẩm được tạo ra hoàn toàn bởi AI trình bày ca khúc đầu tiên do chính mình tự sáng tác với tên gọi "Betrayed by this Town". Toàn bộ bài hát, từ lời, giai điệu đến phối khí… đều do AI thực hiện tự động mà không hề có sự can thiệp của con người. Ca khúc đã thu hút hơn 45.000 lượt xem trên Youtube và hơn 24,5 triệu lượt xem trên mạng xã hội.
AI đã từng bước bước vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật với khả năng tạo ra “nghệ sĩ ảo” - những nhân vật không có thật nhưng có khả năng “diễn” như một nghệ sĩ thực thụ. Các “nghệ sĩ ảo” này có thể biểu diễn bài hát, nhảy múa và thậm chí tương tác với khán giả thông qua hình ảnh 3D hoặc công nghệ mô phỏng chuyển động.
AI còn có thể sáng tác âm nhạc, viết lời bài hát, thậm chí tạo ra giai điệu mang phong cách của những nhạc sĩ lừng danh. Thông qua việc phân tích dữ liệu từ các tác phẩm nghệ thuật có sẵn, AI có thể mô phỏng phong cách và tạo ra những sáng tác hoàn toàn mới. Những bản nhạc mang hơi thở của Beethoven hay những giai điệu giống như phong cách của The Beatles giờ đây không còn là điều viển vông. Các công nghệ AI như OpenAI’s MuseNet hay Google’s Magenta đã được lập trình để mô phỏng phong cách sáng tác của các nhà soạn nhạc nổi tiếng, giúp tạo ra những bản nhạc mới “giống hệt” với nguyên tác.
Nghệ sĩ đang bị xâm phạm như thế nào?
|
Nhạc sĩ AI đầu tiên trên thế giới Anna Indiana sáng tác bài hát thu hút lượng view khổng lồ trên mạng xã hội. (Nguồn: AI). |
Tuy nhiên, sự phát triển như vũ bão và khả năng sáng tạo của AI dường như cũng đã và đang tạo ra nhiều nguy cơ mà làng nghệ thuật phải đối mặt.
Như sự kiện nhạc sĩ AI đầu tiên trên thế giới Anna Indiana sáng tác bài hát thu hút lượng view khổng lồ trên mạng xã hội, một bộ phận nghệ sĩ và công chúng đã có những phản ứng trái chiều, không bởi chất lượng nghệ thuật của ca khúc mà quan trọng là vì các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, xâm phạm phong cách cá nhân và mối nguy đe dọa làng nghệ thuật biểu diễn.
Ở cộng đồng những người sáng tác trên thế giới, năm qua cũng đã có những phản ứng mạnh mẽ đối với sản phẩm nghệ thuật do AI tạo ra. Năm 2023, nhóm các nghệ sĩ, trong đó có Andersen và Ortiz, đã đệ đơn kiện tập thể, cáo buộc các công ty và tổ chức tạo ra sản phẩm AI mô phỏng, sao chép truyện tranh đã vi phạm quyền của hàng triệu nghệ sĩ khác, thông qua việc đào tạo công cụ AI của họ sử dụng 5 tỷ hình ảnh được lấy từ web, khi chưa được sự đồng ý của các nghệ sĩ gốc. Những người ủng hộ vụ kiện hi vọng sẽ tạo tiền lệ pháp lý trong quản lý những mô hình AI sao chép phong cách của các nghệ sĩ.
Nhiều vụ kiện tương tự cũng đã nổ ra và nhiều nghệ sĩ trên thế giới đã cho rằng, việc trí thông minh nhân tạo trong lĩnh vực nghệ thuật được đào tạo dựa trên các dòng mã thu thập từ Internet là vi phạm bản quyền, thiếu đạo đức và sẽ gây ra thiệt hại lâu dài cho thị trường nghệ thuật.
Có thể nói, sự xuất hiện của AI trong nghệ thuật biểu diễn đặt ra một vấn đề lớn: bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ. Trong khi nghệ thuật là lĩnh vực mang tính cá nhân cao, với phong cách biểu diễn, chất giọng, cá tính sáng tạo và cảm xúc riêng biệt, AI lại có khả năng mô phỏng và sao chép tất cả những yếu tố này. Các nghệ sĩ không chỉ đối mặt với việc bị AI sao chép phong cách, mà đôi khi còn đứng trước nguy cơ bị “thay thế” nếu khán giả đón nhận sản phẩm từ AI một cách rộng rãi.
Trong pháp luật hiện hành, vấn đề bảo vệ quyền tác giả chủ yếu tập trung vào tác phẩm hoàn chỉnh (bài hát, bản nhạc, màn biểu diễn cụ thể) mà chưa có quy định rõ ràng về phong cách nghệ thuật cá nhân. Ví dụ, nếu một AI tạo ra một bài hát “mang phong cách giống” như của một nghệ sĩ nổi tiếng, việc xác định xem tác phẩm này có vi phạm bản quyền hay không là rất khó khăn. Đây là một “lỗ hổng” pháp lý lớn trong bối cảnh AI ngày càng phát triển.
Ngoài ra, nghệ sĩ còn phải đối mặt với nguy cơ hình ảnh và giọng nói của mình bị sử dụng mà không có sự cho phép. Công nghệ deepfake đã cho phép tạo ra những video hoặc âm thanh giả mạo, biến người nghệ sĩ thành những “phiên bản giả” của chính mình mà không có bất kỳ sự kiểm soát nào từ họ. Điều này không chỉ là vấn đề bản quyền mà còn là vấn đề đạo đức, khi sự sáng tạo và bản sắc của nghệ sĩ bị lợi dụng.
Xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ nghệ sĩ trước AI
Trong bối cảnh AI ngày càng tham gia sâu vào lĩnh vực biểu diễn và sáng tác, việc xây dựng một hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ là điều cấp thiết. Một số quốc gia đã bắt đầu nghiên cứu và xây dựng các quy định về bản quyền liên quan đến sản phẩm sáng tạo do AI tạo ra. Các chính sách này xem xét không chỉ quyền sở hữu tác phẩm mà còn quyền sở hữu phong cách cá nhân và bảo vệ hình ảnh nghệ sĩ.
Ngoài ra, các nền tảng cung cấp nội dung do AI sáng tạo cần được giám sát chặt chẽ hơn. Những quy định về việc ghi rõ nguồn gốc, danh tính và kỹ thuật được sử dụng để tạo ra các sản phẩm biểu diễn sẽ giúp khán giả có cái nhìn minh bạch hơn và tránh được sự nhầm lẫn giữa nghệ thuật của con người và sản phẩm của máy móc.
Trước sự xâm lấn của AI, nghệ sĩ cũng cần có những hành động cụ thể, bằng cách tạo ra những tác phẩm đậm chất cá nhân và đặc sắc hơn, khẳng định dấu ấn của mình trong lòng khán giả, giúp họ phân biệt được giữa sự sáng tạo của con người và sự mô phỏng của máy móc. Các nghệ sĩ cũng có thể tận dụng công nghệ AI để phát triển, mở rộng phong cách của mình, giúp biến AI từ “đối thủ” thành “đồng minh” trong sự nghiệp sáng tạo.
Sự hiện diện của AI trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là một xu thế không thể thay đổi. Cộng đồng làm nghệ thuật và cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể cố gắng giúp cho sự hiện diện này trở nên hữu ích, hạn chế tối đa những mặt trái bằng việc nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý phù hợp. Quyền lợi và sự sáng tạo của nghệ sĩ cần được bảo vệ và tôn trọng một cách công bằng. Và dù thế nào đi nữa, AI có thể mô phỏng, nhưng không thể thay thế trái tim và tâm hồn - những yếu tố làm nên nghệ thuật thực sự.