Đây là nhân tố quyết định cho sự thay đổi cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này, song tình hình ở đây được nhận định là vẫn sẽ diễn biến phức tạp.
Kiểm soát hoàn toàn Aleppo
Ngày 13/12, một nguồn tin quân đội Syria cho biết quân đội nước này cùng các lực lượng đồng minh đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tất cả các quận trong thành phố Aleppo do phiến quân bỏ lại sau khi rút đi.
Trước đó, ngày 12/12, hàng rào phòng thủ của phiến quân bị sụp đổ dẫn tới việc quân đội Syria tiến hành cuộc tấn công lớn vào hơn nửa khu vực vẫn do quân nổi dậy chiếm đóng ở Aleppo, cũng như dẫn tới việc các tay súng đối lập rút khỏi một số quận ở bờ phía Tây của dòng sông thuộc thành phố này. Truyền hình nhà nước Syria cũng đưa tin các lực lượng chính phủ và đồng minh hiện đã kiểm soát 99% các khu vực do quân nổi dậy chiếm giữ ở Aleppo.
Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), quân nổi dậy đã rút khỏi tất cả các quận ở phía bờ Đông sông Aleppo sau khi thất thủ ở Sheikh Saeed. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng bạo lực tại Aleppo nhằm vào dân thường, gồm phụ nữ và trẻ em, trong bối cảnh các lực lượng chính phủ Syria giành chiến thắng.
Các tổ chức tình nguyện và viện trợ kêu gọi mở tuyến đường an toàn cho 100.000 người dân vẫn đang ở trong các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát dời đến các khu vực đã được quân chính phủ giải phóng.
Diễn biến phức tạp
Mặc dù việc quân đội Chính phủ Syria kiểm soát được hoàn toàn các khu vực ở thành phố Aleppo từng rơi vào tay các nhóm đối lập là một dấu hiệu đầy tích cực cho thấy chiến thắng vang dội của quân đội nước này, nhưng theo nhận định của các chuyên gia phân tích chắc chắn tình hình tại Aleppo nói riêng và Syria nói chung vẫn sẽ diễn biến cực kỳ phức tạp.
Thành phố lớn nhất và là trung tâm thương mại, công nghiệp quan trọng nhất này được xem là chiến trường quyết định, bên nào chiến thắng sẽ chiếm ưu thế rất lớn trên bàn đàm phán, định đoạt các điều kiện để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Đây cũng là những nhận định từng được Tổng thống Bashar al-Assad đề cập.
Theo nhà lãnh đạo Syria, việc quân đội Chính phủ giải phóng thành phố Aleppo sẽ thay đổi đáng kể cục diện cuộc chiến đã kéo dài gần 6 năm qua tại Syria. Giành lại Aleppo cũng đồng nghĩa với việc có được hành lang bảo đảm an toàn cho cả vùng duyên hải phía Tây - căn cứ địa của lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad. Từ bàn đạp Aleppo, quân đội Syria sẽ có điều kiện thuận lợi để mở các cuộc tấn công nhằm thẳng vào Raqqa, địa bàn hoạt động được coi là “đầu não” của IS.
Tuy nhiên, sự hiện diện cùng lúc của nhiều cường quốc hậu thuẫn các phe khác nhau tại Syria đang dấy lên những lo ngại về một lộ trình hướng tới hòa bình không mấy suôn sẻ. Ngay tại thời điểm này, quan điểm của Nga và Mỹ vẫn có những khác biệt cơ bản. Trong khi Moskva khẳng định, chỉ có việc hỗ trợ chính quyền Damascus mới có thể giúp lực lượng của Tổng thống Al-Assad đánh bại được IS thì Mỹ và các nước phương Tây lại chỉ trích chiến lược cứng rắn của quân đội Chính phủ Syria gây ra nhiều thù hận và mở đường cho IS trỗi dậy.
Trước thực tế trong một tháng qua sau khi quân đội chính phủ Syria mở chiến dịch tấn công quy mô lớn ở Aleppo, khiến hơn 800 người đã thiệt mạng và khoảng 3.500 người bị thương, ngày 11/12 vừa qua Mỹ và Nga đã đưa ra đề xuất cho phép các tay súng phiến quân rời khỏi Aleppo cùng gia đình và những dân thường khác.
Theo đề xuất này, các tay súng của nhóm vũ trang từng được biết đến với tên gọi Mặt trận Al-Nusra phải đến tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria, trong khi đó các nhóm còn lại có thể đến những địa điểm khác, bao gồm cả những khu vực phía Đông Bắc Aleppo, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Đề xuất này sẽ được thực hiện trong vòng 48 giờ, dưới sự giám sát của Liên Hợp quốc. Các tay súng có thể mang theo vũ khí hạng nhẹ nhưng phải để lại vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên, lực lượng đối lập Syria đã không nhất trí với đề xuất này.
Cùng ngày, hãng tin RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moskva chưa đạt được thỏa thuận với Mỹ về việc tạo hành lang an toàn để các tay súng đối lập rời khỏi thành phố Aleppo. Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh, việc các tay súng đối lập rút đi là vấn đề của những thỏa thuận khác nhau. Theo ông, thỏa thuận về việc các tay súng này rút khỏi Aleppo vẫn chưa đạt được, chủ yếu do Mỹ đã yêu cầu những điều khoản không thể chấp nhận.
Ngay trước thời điểm một nguồn tin quân sự ở Syria cho biết quân đội nước này thông báo chiến dịch giành lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo từ các nhóm đối lập đã hoàn tất, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cho biết cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về cuộc xung đột tại Syria đã đi vào “ngõ cụt”, đồng thời cho rằng cuộc tấn công của IS vào thành phố cổ Palmyra có thể do Mỹ và các đồng minh trong khu vực sắp đặt nhằm “câu giờ” cho các phe đối lập tại thành phố Aleppo.
Phát biểu trong chuyến thăm thủ đô Belgrade của Serbia, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga sẵn sàng tổ chức đàm phán nhanh chóng với Mỹ về việc mở tuyến đường cho các nhóm đối lập rút khỏi Aleppo, song vấn đề này cần phải có sự nhất trí của hai bên trước khi bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào được áp đặt.
Trong bối cảnh các phe phái được các cường quốc khu vực và quốc tế hậu thuẫn tại Syria nói chung và Aleppo nói riêng vẫn còn nhiều bất đồng, khả năng tìm kiếm một hồi kết trong hòa bình, hợp tác vẫn hết sức khó khăn.
Dẫu vậy, với thắng lợi lớn tại Aleppo, Syria đã tiến gần tới cơ hội thống nhất hơn bao giờ hết. Với ưu thế của quân đội chính phủ, cùng những thay đổi trên bản đồ chính trị thế giới trong thời gian tới, người dân Syria hoàn toàn có quyền hy vọng về một nền hòa bình cho đất nước vốn đã chịu nhiều thương đau...
Ngày 14/12, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad tuyên bố các hoạt động quân sự sẽ không chấm dứt sau khi quân đội nước này tái chiếm hoàn toàn Aleppo và đánh bật các nhóm vũ trang ra khỏi thành phố này.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NTV, Tổng thống Al-Assad nói, các hoạt động quân sự sẽ chỉ có thể chấm dứt tại những khu vực, nơi các phiến quân và các nhóm vũ trang chuyển giao vũ khí trực tiếp cho các lực lượng của chính quyền Syria và rút đi. Nhà lãnh đạo Damacus cũng lưu ý rằng việc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tiến hành các cuộc tấn công vào thành phố cổ Palmyra với số lượng vũ khí và các tay súng rất lớn cho thấy lực lượng khủng bố này nhận được hỗ trợ trực tiếp từ một số nước. Ông Al-Assad nói thêm các cuộc tấn công này diễn ra đồng thời với chiến sự ở Aleppo vì IS muốn phân tán lực lượng của quân đội Syria trong nỗ lực giải phóng thành phố Aleppo.
Tổng thống Al-Assad cũng đề cập đến công cuộc tái thiết đất nước thời hậu chiến và kêu gọi các doanh nhân Syria trở về nước để chung tay khôi phục nền kinh tế.