Âm nhạc và điện ảnh “bén duyên”: Nhạc sỹ, đạo diễn và khán giả cùng có lợi

(PLVN) - Ngày càng có nhiều tác phẩm âm nhạc hay, được yêu thích xuất thân là nhạc sáng tác riêng cho phim. Có thể nói, những năm gần đây, nhạc phim ngày càng chất lượng hơn và có một giá trị độc lập với tác phẩm điện ảnh.
Âm nhạc và điện ảnh “bén duyên”: Nhạc sỹ, đạo diễn và khán giả cùng có lợi

Cả nhạc lẫn phim đều duyên dáng

Bộ phim “Mắt biếc” sắp được công chiếu, bài hát chủ đề của phim “Có chàng trai viết lên cây” đã trở nên quen thuộc với người nghe sau 2 năm ra mắt khán giả. Lần này, đạo diễn Victor Vũ đã chọn cách thức tiếp cận mới cho âm nhạc trong phim, đó là chọn một bài nhạc đã được yêu thích và khá quen thuộc để làm nhạc phim, thay vì sáng tác mới như các bộ phim trước của anh.

Lý do, có lẽ, như nhiều khán giả nhận định, bài hát có nội dung và âm điệu gần như “sinh ra để dành cho bộ phim”. Một lý do khác, có lẽ là một lựa chọn mang tính truyền thông của đạo diễn nhà nghề: Dùng bài hát quảng cáo ngược lại cho bộ phim. 

“Mắt biếc” (đạo diễn Victor Vũ) là bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học thuộc hàng “kinh điển” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trước đó, thành công của hai bộ phim do chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh, đã trở thành “bảo chứng”, giúp “Mắt biếc” được khán giả đặt nhiều kì vọng. 

Có thể nói, Victor Vũ là một trong những đạo diễn kĩ tính, ngoài mặt kịch bản hay chất lượng phim, anh đặt khá nhiều tâm huyết cho nhạc phim. Hầu hết những bộ phim của Victor Vũ đều có đặc điểm chung là âm nhạc trau chuốt, được khán giả yêu thích.

Như bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sau khi phim công chiếu, bài hát cùng tên trở thành bài “hit” được giới trẻ yêu thích. Hoặc bài hát trong phim “Người bất tử - Ngày chưa giông bão”. Cho đến nay, phim đã công chiếu qua 1 năm, nhưng đây vẫn là một bài hát được nghe nhiều, được yêu thích trong giai đoạn hiện tại.

Hay Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn trẻ của điện ảnh Việt, tuy chưa nhiều tác phẩm trình làng nhưng tác phẩm nào của anh cũng được đánh giá cao, được khán giả yêu thích. Âm nhạc trong những bộ phim của Phan Gia Nhật Linh cũng là thứ âm nhạc trẻ trung nhưng đầy sâu lắng, có hồn.

Hai bộ phim “Em là bà nội của anh” và “Cô gái đến từ hôm qua” đã đem đến cho thị trường âm nhạc Việt hàng loạt bài hát hay: “Mình yêu từ bao giờ”, “Em là bà nội của anh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Ngồi hát đỡ buồn”...

Tương tự, bên cạnh đạo diễn có thẩm mỹ với nhạc phim thì luôn có những nhạc sĩ rất có duyên viết nhạc cho phim. Đó là Phan Mạnh Quỳnh, Đức Trí, Tăng Nhật Tuệ, Only C...

Những nhạc sĩ đủ duyên dáng và tài năng để tác phẩm âm nhạc của họ vừa “đo ni đóng giày” cho phim, nhưng khi ra khỏi bộ phim, nó lại có những giá trị riêng, có một đời sống nghệ thuật độc lập.

Có thể kể đến hàng loạt tác phẩm âm nhạc khác, ra đời từ nhu cầu của một bộ phim điện ảnh và trở nên tác phẩm được yêu thích độc lập với bộ phim, như “Rực rỡ tháng năm” (Đức Trí - phim Tháng năm rực rỡ), “Nụ hôn đánh rơi” (Đức Trí - phim Tháng năm rực rỡ), “Điều tuyệt nhất” (Only C - Hồn papa da con gái)...

Ba bên cùng có lợi

“Có chàng trai viết lên cây” không phải là bài nhạc phim đầu tiên “đi trước” phim. Đây là cách thức tiếp cận khán giả của không ít bộ phim gần đây: “Cô gái đến từ hôm qua” (bài hát cùng tên, Vũ Cát Tường), “Ông ngoại tuổi 30” (bài hát Tâm sự tuổi 30 - Trịnh Thăng Bình), “Yêu là tha thứ” (Em chưa 18, Only C)... 

Nhạc ra mắt trước phim, thậm chí ra mắt dưới dạng MV được đầu tư bài bản, chất lượng. Và kết quả cho thấy cách thức quảng bá này hầu hết đều thành công. Bài hát được khán giả đón nhận nhiệt liệt và phim thì được háo hức mong chờ. Tất nhiên, trừ những trường hợp nhạc hay nhưng phim thì dở, cuối cùng bài nhạc có sức sống còn phim chẳng mấy chốc mà chìm nghỉm.

Có thể nói, sự kết hợp giữa phim chất lượng và âm nhạc hay là sự kết hợp của những người nghệ sĩ có tài và nhạy bén. Cuộc hợp tác ấy đã cho ra đời những tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh hơn và những tác phẩm âm nhạc hay cho thị trường. Đó là cuộc hợp tác mà cả ba bên đều có lợi.

Với nhạc sĩ, các bộ phim không chỉ là cảm hứng mà còn là bước đệm để họ tiếp cận khán giả nhiều hơn, thậm chí cho ra mắt những tác phẩm âm nhạc “để đời”.

Về đạo diễn, nỗ lực lựa chọn, hợp tác cùng nhạc sĩ, ca sĩ để cho ra đời những bài nhạc phim hay, người đạo diễn không chỉ thể hiện “đẳng cấp” và tầm nhìn của mình, mà còn nâng tầm bộ phim. 

Không ít bộ phim thành công không chỉ vì phim chất lượng, nội dung hay hay diễn xuất hoàn hảo của diễn viên, mà còn bởi âm nhạc chạm đến trái tim. Cảm xúc do bộ phim đem lại sẽ được đẩy đến cao trào, sẽ trở nên bùng nổ, khắc sâu hơn với âm nhạc hay. Bởi thế, càng về sau, các đạo diễn càng ý thức được tầm quan trọng của nhạc phim, và từ đó mà khán giả “được nhờ” vì được thưởng thức “2 trong 1”, cả phim chất lượng lẫn nhạc hay.

Nhạc sĩ Bảo Lân: Mối quan hệ cộng sinh thú vị

“Có thể khẳng định, nhạc phim ngày càng nâng cao về mặt chất lượng. Một trong những nguyên nhân là hiện nay thiết bị thu âm, làm nhạc hiện đại hơn nên chất lượng âm thanh tốt hơn trước nhiều.

Cạnh đó, đa số các anh em nhạc sĩ làm nhạc phim chiếu rạp đều chịu khó chăm chút sản phẩm âm nhạc của mình từ bài hát chính của phim (main theme) cho đến nhạc của các phân cảnh... để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc hay, thú vị.

Một khía cạnh thuộc về kĩ thuật là các rạp hiện nay đều có âm thanh chuẩn 7.1 rồi, nên làm nhạc hay sẽ đem lại cảm xúc rất tốt cho khán giả, là cơ hội “ra mắt” tốt cho bài hát, ngược lại nhạc dở, mix dở là lộ ra ngay. 

Về mối quan hệ giữa nhạc và phim, đa số nhạc sỹ sẽ viết bài hát chính cho phim sau khi xem xong kịch bản phim, nắm bắt được cốt truyện rồi mới viết. Nên thành ra bài hát của mỗi phim thường gắn liền với nội dung phim.

Còn bài hát có được nhiều người nhớ đến, hát lại hay không thì còn tùy vào cái tài của nhạc sĩ đã viết ra nó. Nó có thể sống khỏe mà không cần bộ phim đó thì cũng có thể gọi là độc lập cũng được, nhưng không có bộ phim đó thì nó sẽ mãi không bao giờ ra đời. Đây là một mối quan hệ cộng sinh thú vị giữa phim và nhạc phim.

Nhiều người có sự so sánh nhạc phim Việt và nhạc phim nước ngoài. Nhìn chung  nhạc phim Việt Nam hiện nay ngày càng đi gần với xu thế của nhạc phim thế giới.

Nhạc phim trong nước nói riêng và thế giới nơi chung đều có điểm tương đồng là phụ thuộc rất nhiều vào người nhạc sỹ nhận viết cho phim. Cái tâm và cái tầm của người nhạc sĩ đó sẽ hoặc khiến một bộ phim là hoa hồng hương hoa hồng hoặc thành hoa hồng hương... mắm tôm”. 

N.Mai (ghi)