Án bị “bỏ quên”, bị can điêu đứng

Vụ án được khởi tố gần một năm, VKSND huyện Cao Lãnh mới ra cáo trạng. Nhưng từ đó đến nay, các cơ quan tố tụng TP Cao Lãnh không giải quyết gì thêm, thân phận pháp lý bị can bị “treo” từ năm này qua tháng nọ.

Vụ án được khởi tố từ tháng 12/2001, sau gần một năm, VKSND huyện Cao Lãnh mới ra cáo trạng. Nhưng từ đó đến nay, các cơ quan tố tụng TP Cao Lãnh không giải quyết gì thêm, thân phận pháp lý bị can bị “treo” từ năm này qua tháng nọ.

Đó là một trong những nội dung của đơn kêu cứu mà ông Trần Thanh Hùng, trú 13/26 đường số 11, KP Bình Quân 2, phường 4, TP Tân An, tỉnh Long An) gửi báo PLVN.

Ông Hùng là bị can trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bị Cơ quan CSĐT Công an TX Cao Lãnh (nay là TP. Cao Lãnh) khởi tố ngày 20/12/2001 và bắt tạm giam ngày 26/12/2001. Đến ngày 14/6/2002, Chánh án TAND TP Cao Lãnh ra quyết định trả tự do cho ông Hùng, đồng thời trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Ngày 29/11/2002, VKSND TP Cao Lãnh tiếp tục ban hành Cáo trạng số 26/KSĐT –KT ngày 29/11/2002 truy tố ông Hùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Từ đó đến nay, ông Hùng nhiều lần liên hệ với các cơ quan tố tụng để yêu cầu giải quyết nhưng bị đùn đẩy trách nhiệm.

Mặc dù vụ án bị “bỏ quên”, nhưng về pháp lý ông Hùng vẫn bị xem là bị can trong vụ  án hình sự; quyền và lợi ích hợp pháp cơ bản của công dân vẫn tiếp tục bị “treo” theo vụ án. Các quyền cơ bản của công dân của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Căn cứ vào quy định về thời hạn điều tra vụ án hình sự được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 thì thời hạn điều tra đã quá gấp nhiều lần. Theo Điều 97, 98 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988 và Điều 119, 121 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, thời hạn điều tra (kể cả trong trường hợp gia hạn điều tra và điều tra bổ sung) đối với tội ít nghiêm trọng tối đa là 10 tháng, tội nghiêm trọng tối đa là 14 tháng…

Quá thời hạn này mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra (khoản 6 Điều 97 Bộ luật Tố tụng Hình sự 1988, khoản 6 Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003).

Việc kéo dài thời hạn điều tra ông Trần Thanh Hùng đến nay đã hơn 10 năm, không chứng minh được ông Hùng thực hiện hành vi phạm tội nhưng các cơ quan tố tụng TP. Cao Lãnh không ra quyết định đình chỉ điều tra rõ ràng là không thực hiện đúng tinh thần của pháp luật.

Trước đó, năm 1998, ông Hùng (lúc đó cư trú tại ấp An Thạnh, xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cùng người bạn là Lê Văn Kiến (cư ngụ tại TP.Cao Lãnh) hùn vốn mở địa lý vé số lấy tên là Phúc Vinh tại TP. Cao Lãnh. Để mở rộng kinh doanh, ông Hùng vay của anh Nguyễn Văn Hiền (thời điểm đó đang công tác tại Công an TP. Cao Lãnh) 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng, lãi suất 5%/tháng.

Trong quá trình kinh doanh, ông Hùng gặp một số khó khăn do một số người lấy lại vé số của ông chậm thanh toán tiền mua. Mặc dù gặp khó khăn, nhưng ông Hùng đã cố gắng thanh toán tiền lãi cho anh Hiền 6 lần, tổng cộng là 15.750.000 (mười lăm triệu, bảy trăm năm mươi ngàn đồng), trả nợ gốc 2 lần, tổng cộng 12.750.000 (mười hai triệu, bảy trăm năm mươi ngàn) đồng.

Ngày 26/12/2001, Công an TX Cao Lãnh ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Hùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sau gần 6 tháng điều tra, truy tố, hồ sơ vụ án được chuyển sang TAND TP. Cao Lãnh. Do không đủ chứng cứ để buộc tội nên ngày 14/6/2002, ông Nguyễn Trần Thanh, lúc đó là Chánh án TAND TP. Cao Lãnh đã ký quyết định trả tự do cho ông Hùng.

Tuy nhiên, đến ngày 29/11/2002, VKSND TP. Cao Lãnh ban hành cáo trạng số 26/KSĐT-KT tiếp tục truy tố ông Hùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhưng sau đó, vụ án bị dừng lại khiến ông Hùng điều đứng.

Luật sư bào chữa cho ông Hùng đã có văn bản gửi các cơ quan tố tụng TP Cao Lãnh kiến nghị đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, đồng thời khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Thanh Hùng từ khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam cho đến nay.

Lâm Hoàng

Đọc thêm