Án chung thân cho Cựu thiếu tá lừa đảo Báo Thanh Niên

(PLO) - Sau nhiều ngày xét xử, chiều muộn ngày 23/6, TAND TP Hà Nội tuyên án tù chung thân đối với bị cáo Ngô Văn Quảng (SN 1968, ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, nguyên cán bộ Công an quận Ba Đình) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Quảng giơ tay tạo dáng trước ống kính phóng viên.
Liên quan đến vụ án này, các bị cáo bị cáo khác bị xác định đã đồng phạm với Quảng gồm: Lê Thu Hà, Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Minh, Đặng Thành Công, Nguyễn Ngọc Mỹ, Trần Thị Dung Diễm, Nguyễn Văn Thắng phải nhận mức án từ 24 tháng tù treo đến 9 năm tù giam vì cùng tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình xét xử, cơ quan truy tố bảo vệ quan điểm trong cáo trạng, cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, với sự câu kết, thủ đoạn tinh vi của nhiều bị cáo. Trong đó, cựu thiếu tá công an Ngô Văn Quảng đóng vai trò chủ mưu, cấu kết với các bị cáo khác để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tài sản cả chục tỷ đồng.
Trước đó, tháng 1/2013, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Ngô Văn Quảng mức án chung thân và buộc trả lại số tiền mà y chiếm đoạt của Báo Thanh Niên, cũng như số tiền mà Quảng đang chiếm giữ của cán bộ, phóng viên Báo Thanh Niên.
Ngoài ra, những đồng phạm khác trong vụ án như Lê Thu Hà, Nguyễn Hồng Hạnh, Trần Thị Dung Diễm... cũng đã nhận mức án nghiêm khắc và buộc trả lại số tiền mà các bị cáo đã chiếm đoạt.
Sau phiên tòa, các bị cáo lần lượt làm đơn kháng án. Trong phiên phúc thẩm sau đó vào tháng 6/2013, TAND Tối cao đã trả hồ sơ điều tra lại, yêu cầu làm rõ thêm một số nội dung có liên quan đến một số đối tượng khác.
Trong phiên tòa sơ thẩm lần hai này, theo cáo trạng của VKS cho rằng, năm 1999, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi hơn 3.000 m2 đất tại phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội (nơi HTX Minh Khai và một số hộ dân đang có nhà tại đây) giao cho Báo Thanh Niên để xây dựng Trung tâm kỹ thuật truyền dữ liệu và nhà ở cho cán bộ công nhân viên của báo.
Trong thời gian này, diện tích đất nói trên phần lớn là đất ao hồ, chỉ có khoảng 9 hộ dân cư trú. Tuy nhiên, sau đó đã có nhiều hộ dân tự ý lấp ao hồ lấn chiếm đất và dựng lên hàng chục căn nhà khác. 
Quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) diễn ra phức tạp và khó khăn vì sự chống đối quyết liệt của các hộ dân có nhà trên khu đất. Hội đồng GPMB quận Đống Đa đã không thể tiến hành hoạt động được nên Báo Thanh Niên đã xin chủ trương được tự thỏa thuận với các hộ dân.
Trong số các hộ dân sống tại khu đất nêu trên có Quảng (khi đó là cán bộ Công an quận Ba Đình, Hà Nội) đang sống cùng gia đình mẹ vợ. Sau nhiều lần họp với các hộ dân, cũng như tiếp xúc với Quảng, Quảng hứa sẽ tư vấn, hỗ trợ Báo Thanh Niên trong việc GPMB khu đất.
Trước khi ký hợp đồng tư vấn với Báo Thanh Niên, Quảng đã hợp đồng với Cty địa chính Hà Nội. Quảng tự cung cấp tên chủ sử dụng đất cho cán bộ địa chính và là người hướng dẫn cán bộ địa chính đo vẽ hồ sơ từng thửa đất. Quảng tự đưa tên những người không có đất, không có nhà, không chứng minh được họ là ai, ở đâu đứng chủ sở hữu đất.
Tiếp đến, Quảng tạo lập 30 bộ hồ sơ kỹ thuật rồi yêu cầu chủ đầu tư phải tạm ứng tiền để chi trả cho các hộ hơn 16,6 tỷ đồng và hẹn đến 18/10/2008 sẽ bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền từ Báo Thanh Niên, Quảng tiếp tục có hành vi gian dối trong việc quyết toán với các hộ dân được nhận tiền đền bù.
Cựu thiếu tá này đã tìm cách hợp thức hóa thủ tục quyết toán, nhưng sau đó không giao tiền cho người dân và cũng không trả lại tiền cho Báo Thanh Niên./.

Đọc thêm