Ấn Độ - thị trường tiềm năng cho nông sản Việt

(PLVN) - Với dân số 1,3 tỷ người, Ấn Độ được đánh giá là thị trường rộng, sức mua lớn. Liệu đây có phải thị trường tiềm năng cho các loại nông sản Việt Nam?
Một siêu thị tại Ấn Độ có sức tiêu thụ tới 5.000 tấn trái cây/tháng

Thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong chuyến tháp tùng Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm Ấn Độ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã có nhiều cuộc gặp gỡ với cơ quan chức năng, doanh nghiệp của Ấn Độ để mở đường cho hàng hóa Việt Nam sang Ấn Độ, sau khi xuất khẩu (XK) của Việt Nam gặp khó do tình hình dịch Covid-19. 

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định với Thứ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ, trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và sức mua lớn của 2 thị trường (Việt Nam gần 100 triệu dân, Ấn Độ 1,3 tỷ dân), 2 bên còn rất nhiều tiềm năng và dư địa tăng cường kim ngạch thương mại song phương thông qua việc đẩy mạnh XK các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước. 

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, 2 nước cần nỗ lực để đạt mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra. Trong đó, Việt Nam có lợi thế và năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi, đặc biệt thanh long và cá basa. Hiện, thanh long là trái cây duy nhất của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu vào Ấn Độ, còn cá basa là mặt hàng duy nhất mà Việt Nam có thể cạnh tranh với một đất nước XK thủy sản như Ấn Độ. 

Thứ trưởng Hưng cho biết, các sản phẩm này được sản xuất theo tiêu chuẩn, có chất lượng tốt, an toàn. Tuy nhiên, do dịch bệnh tại Trung Quốc bùng phát nên việc tiêu thụ các mặt hàng này của Việt Nam đang gặp khó khăn.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ cho biết, Ấn Độ có thị trường rộng, sức mua lớn, là cơ hội tốt để phát triển và mở rộng thị trường cho các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đặc biệt là trái thanh long, cá tra, cá basa.

Do đó, vị này đề nghị, trước mắt để thúc đẩy XK nông sản mạnh mẽ hơn, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét thực hiện đặt mục tiêu cụ thể cho từng mặt hàng trong từng thời điểm; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tại Ấn Độ và xem xét mở kho lưu trữ, bảo quản tại một số vùng ở Ấn Độ. 

Đại diện Hiệp hội Hỗ trợ xúc tiến, quảng bá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Ấn Độ cũng cho biết, sau mỗi chương trình quảng bá nông sản Việt, người dân Ấn Độ ngày càng ưa chuộng các sản phẩm của Việt Nam. Do đó, vị đại diện này cho rằng, Việt Nam nên tiến hành nhiều chương trình quảng bá sản phẩm của mình trên đất Ấn Độ nhiều hơn nữa. 

Đây cũng là ý kiến của ông Mohit Singla, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Ấn Độ. Ông Mohit Singla đánh giá, thanh long của Việt Nam ngon hơn thanh long của nhiều nước khác. Tuy nhiên, người dân Ấn Độ chưa biết đến thanh long Việt Nam nhiều. Ông khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu cho mặt hàng này hơn nữa trong thời gian tới để mọi tầng lớp nhân dân Ấn Độ biết đến và tiêu dùng loại quả này. 

Bên cạnh đó, vải Việt Nam cũng là một loại trái cây ngon với hương vị đặc biệt. Tuy nhiên, vải chưa được mở cửa thị trường vào Ấn Độ. Ông Mohit Singla đề nghị Chính phủ Việt Nam sớm triển khai thủ tục xin phép mở cửa thị trường cho quả vải vào Ấn Độ.

Một đại diện quản lý mua hàng cao cấp của Công ty Trái cây và rau quả Mother Dairy cũng cho biết, với hệ thống hơn 400 cửa hàng bán lẻ tại Thủ đô New Delhi và khả năng tiêu thụ 5.000 tấn trái cây/tháng, công ty có nhu cầu nhập khẩu các loại trái cây chất lượng cao từ nhiều nước trên thế giới.

Do đó, Việt Nam nên tận dụng lợi thế lớn này của các hệ thống siêu thị ở Ấn Độ để có thể sớm đưa trái cây Việt Nam gia nhập thị trường đông dân thứ 2 thế giới này.

Đọc thêm