Ăn gì sau “hai vạch”?

Ăn gì để con đủ chất, thông minh ngay từ khi mới cấn thai là điều mẹ nào cũng quan tâm.
Ăn gì sau “hai vạch”?
Lượn một vòng trên các diễn đàn dành riêng cho các bậc cha mẹ hay phụ nữ, có thể thấy không ít băn khoăn của các mẹ bầu về vấn đề ăn uống khi họ vừa mới biết tin mình đã có “hai vạch”. Chị Mai Anh (Nam Định) chia sẻ: “Các chị ơi, mừng quá cơ, em có “hai vạch” rồi. Sợ que thử giả nên em đã đi thử máu, kết quả là sắp có ngựa con rồi chị ạ. Ôi bao ngày mong chờ giờ cũng đã thành sự thật. Các mẹ chung vui với em nhé. À mà tiện cho em hỏi bây giờ em nên ăn gì để mẹ khỏe, con khỏe các chị nhỉ. Em mới bầu bí tập 1 nên lúng túng như gà mắc tóc ý, chả biết gì cả”.
Chung niềm hạnh phúc vì đã “đeo ba lô ngược” sau nhiều lần thụ tinh nhân tạo, chị Huyền My (Hải Phòng) tâm sự trên diễn đàn: “Không biết có mẹ bầu nào giống em không, que thử thai chất đầy tủ, đủ cả các loại. Ấy vậy mà bao lần thử lên thử xuống chỉ có một vạch. Những lúc ấy em buồn tủi lắm, nghĩ sao số mình khổ quá, mong mãi mà con chẳng đến. Lắm khi nghĩ chán nản, chẳng muốn cố gắng làm gì nữa, cứ hy vọng rồi mong ngóng mà chỉ toàn nhận được thất vọng mà thôi”.
Ăn gì sau khi mang thai là băn khoăn của nhiều mẹ bầu (Ảnh minh họa)
“May mà lên trên này, các mẹ động viên, an ủi nên em cũng giữ vững được tinh thần và ngày hôm nay giấc mơ của em đã thành hiện thực rồi các chị ạ. Giờ thì em rối tung rối mù vì chẳng biết ăn món gì cả. Người thì mách cái này, người lại bảo cái kia. Loạn hết cả lên rồi. Các mẹ biết thì chia sẻ với em nhé”.
Có thể nói sau khi biết tin “trúng thưởng”, nhiều mẹ cảm thấy bối rối vì chẳng biết ăn gì, uống gì để con vừa khỏe mạnh, thông minh mà lại đẹp trai, xinh gái như diễn viên, người mẫu. Theo các chuyên gia để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi trong quá trình mang thai, chị em nên cố gắng bổ sung đầy đủ các dưỡng chất dưới đây.
Protein
Khi mới bầu bí, do bị ốm nghén trầm trọng nên nhiều thai phụ “ăn chẳng muốn ăn” khiến cơ thể thiếu các dưỡng chất quan trọng trong đó có protein. Theo các chuyên gia, điều này là vô cùng nguy hiểm bởi sự thiếu hụt protein sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ của thai nhi, gây giảm trí thông minh. Song nếu bổ sung quá nhiều protein đặc biệt là protein động vật sẽ dẫn đến việc tiêu thụ quá mức các acid amin, đẩy nhanh việc mất canxi, dẫn tới loãng xương. Do đó, để đảm bảo lượng protein đầy đủ cho cơ thể, mẹ bầu chỉ cần tăng thêm 15 g protein mỗi ngày qua các thực phẩm như tôm, cua, cá, đậu, vừng, lạc...
Sắt
Sắt là thành phần cấu tạo quan trọng của hồng cầu, có tác dụng vận chuyển oxy trong cơ thể. Trong thời gian mang thai, cơ thể người mẹ cần sản xuất một lượng máu gần gấp đôi so với bình thường để có thể nuôi cả 2 mẹ con. Do vậy, nhu cầu sắt cũng tăng gấp đôi. Nếu không bổ sung sắt kịp thời có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu sắt, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, băng huyết sau sinh... ở mẹ và suy dinh dưỡng bào thai, sinh non, nhẹ cân, ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ sau này.
Bổ sung sắt là yêu cầu của các bác sĩ dành cho thai phụ (Ảnh minh họa)
Bổ sung sắt là yêu cầu của các bác sĩ dành cho thai phụ (Ảnh minh họa) 
Do đó trong thời gian “đeo ba lô ngược” chị em nên tăng cường các loại thực phẩm như thịt bò, thịt lợn, đậu, trứng, rau dền, rau xanh và uống bổ sung 1 viên sắt 60mg hàng ngày cho đến sau khi sinh một tháng. Lưu ý rằng để cơ thể hấp thu sắt 100 % bạn nên uống viên sắt lúc đói bụng cùng các loại giàu vitamin C như nước chanh, nước cam....
Axit folic
Axit folic đóng vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành, phát triển não bộ và ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch.. Ngoài ra thiếu hụt axit folic khiến chị em dễ thiếu máu, sảy thai, sinh non....
Bởi vậy trước, trong và sau quá trình mang thai, các mẹ nên chú ý “nạp” đầy đủ 400 mcg axit folic hàng ngày. Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc bổ sung axit folic hay sữa có hàm lượng folate cao, chị em nên tăng cường ăn các loại thực phẩm dưới đây để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé như đậu lăng, trứng, bông cải xanh, bơ, măng tây, cam quýt, rau bina, cà rốt, bánh mỳ, thịt bò, hướng dương....

Canxi

Theo các chuyên gia, canxi là một trong những khoáng chất quan trọng, rất cần thiết cho sự phát triển xương và hàm răng chắc khỏe của bào thai. Bên cạnh đó, canxi cũng là nhân tố không thể thiếu trong việc duy trì sự ổn định nhịp tim của thai nhi, khả năng đông máu....
Nếu mẹ bầu không “nạp” đủ lượng canxi cần thiết trong thời gian “vác ba lô ngược”, thai nhi sẽ tự lấy canxi từ cơ thể mẹ để phát triển. Điều này dẫn đến tình trạng phụ nữ sau sinh thường bị loãng xương hoặc gặp các bệnh lý về xương khớp.
Ngoài ra các nghiên cứu đều chỉ ra rằng sự thiếu hụt canxi ở mẹ còn có thể đóng một vai trò trong sự phát triển bệnh tim mạch ở thai nhi, khiến trẻ suy dinh dưỡng ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, bị còi xương bẩm sinh, biến dạng các xương gây dị hình, lùn thấp...
Vì thế, trong thời gian mang thai, chị em cần nạp từ 800 – 1500 mg canxi mỗi ngày tùy theo từng giai đoạn bằng cách ghi danh các thực phẩm dưới đây vào thực đơn hàng ngày như sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa bò, sữa dê, pho mát, sữa chua...), rau xanh (rau cần, rau bina...), thủy hải sản (tôm, tép, cua, rong biển, hải sâm, ốc, trai, cá chép cá mòi...), đậu và các chế phẩm từ đậu (đậu nành, đậu phụ, đậu Hà Lan...)

I ốt

I ốt lại là chất cực kỳ quan trọng cho sự phát triển não bộ của bào thai nhưng hầu hết các loại thực phẩm có chứa rất ít iốt, vì vậy bắt buộc mẹ bầu cần phải sử dụng các loại thực phẩm tăng cường hoặc thuốc bổ sung i ốt trong thai kỳ. Tuy nhiên chị em cần lưu ý bổ sung i ốt vừa đủ bởi thiếu và thừa i ốt đều dẫn tới tình trạng thai nhi bị bướu cổ, thiểu năng hoặc suy giảm thể chất. Vậy nên “mẹ ỏng” cần chú ý tăng cường 100 -150 mcg i ốt mỗi ngày thông qua rong biển, hải sản, rau cần, rau chân vịt, cải thảo...

Vitamin A

Thiếu vitamin A có thể gây ra những dị tật về mắt, tim, phổi, thậm chí sảy thai hoặc thai chết lưu. Ngược lại, thừa vitamin A lại có thể gây ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng không tốt đến xương và gây dị tật đường tiết niệu của thai nhi. Chính bởi vậy lời khuyên mà các bác sĩ sản khoa dành cho mẹ bầu là nên bổ sung vitamin A đúng liều lượng cho phép vào khoảng 3000 mcg qua các thực phẩm nguồn gốc động vật như gan, lòng đỏ trứng....
Bên cạnh các loại dưỡng chất trên, chị em nên chú ý tăng cường các loại vitamin D, E, B1, 2, 6, C... để giúp cơ thể mẹ và bé luôn khỏe mạnh trong suốt 9 tháng “đeo ba lô ngược”. Ngoài ra, hạn chế lo lắng, stress, tăng cường tập các môn thể thao dành cho bà bầu... sẽ giúp thai phụ có một thai kỳ hoàn hảo.

Đọc thêm