An Giang: Dân khổ vì nước thải nhà máy chế biến thủy sản

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sống ở khu vực bờ sông Hậu thuộc ấp Hòa Long 4, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang hết sức khổ sở vì ô nhiễm do nước thải từ nhà máy chế biến thủy sản xả ra sông khiến cá sông, cá nuôi chết trắng…

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sống ở khu vực bờ sông Hậu thuộc ấp Hòa Long 4, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang hết sức khổ sở vì ô nhiễm do nước thải từ nhà máy chế biến thủy sản xả ra sông khiến cá sông, cá nuôi chết trắng…

Nước thải độc hại làm cá nuôi bè chết hàng loạt đêm 30/4

Cá chết trắng sông, đầy bè

Vụ xả thải của một nhà máy chế biến thủy sản ở khu vực thị trấn An Châu chiều 30/4 làm cá nuôi bè và cá sông chết trắng một đoạn sông Hậu, gây bức xúc cho nhân dân địa phương. Nhiều năm qua, các nhà máy chế biến thủy sản lén xả thải ra sông - nơi nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân, đa số người nghèo hoặc những hộ không lắp được đồng hồ nước máy. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông Hậu và nuôi cá bè với hình thức nhỏ lẻ nên tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông đang thu hẹp nguồn sống của họ.

Chú Phạm Văn Bụi (tổ 14, ấp Hòa Long 4, thị trấn An Châu) sững sờ bên đống cá chết vừa vớt lên từ bè nuôi. Nhà có 5 nhân khẩu, không ruộng đất cũng không nghề nghiệp, nguồn sống chủ yếu nghề đánh bắt cá trên sông Hậu. Hết mùa đánh cá bông lau chuyển sang đánh bắt cá cơm, giăng lưới cá dảnh, mè vinh. Ngoài ra, cái bè 54m3 nuôi cá ét, điêu hồng, mè hôi, mè vinh... mỗi năm thu hoạch 2 đợt khoảng 3 tấn cá thịt, lãi khoảng 30 triệu đồng để phòng những tháng mưa giông không đi đánh bắt cá được.

Vài năm trở lại đây, cá thiên nhiên cũng cạn kiệt, nước sông bị ô nhiễm nên cá nuôi hao hụt đến 50-60%, mỗi năm chỉ nuôi một vụ. Tháng 4 và 5 vào mùa đánh lưới cá cơm, mấy năm trước mỗi đêm được 100-200kg là chuyện thường, còn bây giờ đánh bắt được 15-20kg gọi là trúng. Bè cá đang nuôi chờ cá đạt trọng lượng 0,5kg/con sẽ thu hoạch khoảng 1,5 tấn, tuy nhiên, cá nuôi mới đạt 3 con/kg đã bị “dính” nước thải nhà máy. Riêng chiều tối ngày 30/4, cá chết khoảng 200kg và suốt một tuần qua, ngày nào cũng vợt cá chết từ 15-20kg. “Nước thải từ nhà mảy xả ra sông cực kỳ độc, làm cá tuột nhớt, nổ tròng mắt, nổi lên mặt nước rồi chết dần” - chú Bụi bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Thành kể, chiều 30/4, khi nhà máy xả thải làm cá bè chết, lúc Đoàn kiểm tra (Phòng Tài nguyên - Môi trường và Công an huyện Châu Thành) đến lập biên bản. Ông Thành dẫn đoàn đến khu vực xả thải của nhà máy lội xuống lấy mẫu nước thải cho đoàn kiểm tra, khi lên bờ thì ông bị ngất. Chú Võ Văn Nao (tổ 19, ấp Hòa Long 4, thị trấn An Châu) chỉ vào đống chà sau nhà và nói, chiều 30/4 khi nhà máy xả nước thải, cá trê, cá lăng, cá chốt, lau kiến, dảnh, mè vinh… nổi lên mặt nước, hàng chục người bơi xuồng ra vớt cá.

Sống ven sông mà đành chịu khát

Có lẽ chuyện khó tin, sống bên bờ sông Hậu - con sông nuôi sống một nửa dân số với hàng chục triệu người của đồng bằng sông Cửu Long - mà đành chịu khát.

Bác Lê Văn Tống (70 tuổi) than thở, từ bao đời nay, dân ở ven sông sống nghề hạ bạc, đêm đi đánh cá, sáng mang lên chợ An Châu bán mua gạo, nước sông có sẵn khỏi tốn tiền. Mấy năm nay, nhà máy xả thải ra sông cực kỳ độc hại. Nhà tôi ở sát mé sông, cách xa đường 4-5 lớp nhà nên không thể dẫn ống nước máy về xài.

Nước sông mênh mông nhưng đâu phải lúc nào cũng xài được, đợi lúc nước lớn chảy ngược dòng mới lấy nước dự trữ cho việc ăn uống. Còn lúc nước ròng, chẳng ai dám xuống sông rửa tay hay tắm giặt. Lo nhất là bọn trẻ con không phân biệt được màu nước sông lúc các nhà máy xả thải, lở nhúng chân xuống nước bị tê như điện giật, ngứa, rộp da, nổi hột như trái rạ.

Ô nhiễm môi trường nước sông đang ám ảnh cuộc sống người dân. Anh Trần Văn Cảnh (tổ 15, ấp Hòa Long 4, thị trấn An Châu) thở dài, vợ chồng đánh lưới trắng đêm, hôm trúng được 20-30kg cá cơm, thất chỉ 5-10kg, giá bán cá từ 8.000-10.000 đồng/kg, tùy buổi chợ. Tiền mua xăng hết 60.000-70.000 đồng, đêm nào đánh bắt dưới 15kg, sáng không đủ tiền đi chợ. Ba đứa con đang học lớp 4, 9 và 11 là nỗi lo của gia đình.

Biết nước sông bị ô nhiễm và độc hại, nên nhìn nước mà đành chịu khát. Chị Tăng Thị Kha cho biết, nhà ở gần khu vực xả thải của nhà máy nên chị quen nhìn màu nước sông để đoán biết lúc nào nhà máy đang xả thải, đợi nước lớn múc lên xài. Chị Kha nói, ngán nước máy vì trạm cấp nước thị trấn An Châu nằm bên dưới cống xả thải của nhà máy.

Ô nhiễm không chỉ nguồn nước sông, người dân khu vực chợ An Châu và khu hành chính huyện Châu Thành, lâu lâu còn bị mùi thối kinh hoàng bốc ra từ nhà máy chế biến thủy sản.

Ngày 11/5, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Văn Ngại chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện phối hợp Công an huyện Châu Thành kiểm tra, xử lý chậm nhất ngày 25/5/2012 về việc khiếu nại của người dân vụ Nhà máy đông lạnh F8 xả nước thải ra sông làm cá chết.

Chiều tối 30/4, nhận được tin báo của người dân khu vực tổ 14, ấp Hòa Long 4, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành về việc Nhà máy đông lạnh F8 thuộc Công ty Agifish xả nước thải ra sông Hậu làm cá nuôi bè và cá sông chết hàng loạt. Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp Công an huyện Châu Thành đã đến hiện trường lập biên bản, thống kê thiệt hại của người dân, đồng thời lấy mẫu nước thải tại khu vực cống xả thải của Nhà máy đông lạnh F8 để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân cá nuôi bè chết.

Cao Tâm

Đọc thêm