Ẩn họa từ các cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu trong khu dân cư ở Thừa Thiên Huế

(PLVN) - Trên địa bàn thị xã Hương Thủy, không khó để bắt gặp hình ảnh không mấy đẹp mắt từ việc các chủ cơ sở tận dụng nhà ở, khu đất trống chưa xây dựng để tập kết, thu mua, tái chế phế liệu...
Một cơ sở thu mua, xử lý phế liệu nằm cạnh Trạm Y tế Thủy Châu đang gây bức xúc cho người dân bởi mùi hôi lẫn tiếng ồn. (Ảnh: Thùy Nhung).

Tại cơ sở kinh doanh, thu mua phế liệu bên đường Dạ Lê, phường Thủy Phương, bằng trực quan có thể thấy các loại phế liệu như vỏ lon bia, bao bì, giấy... được chủ cơ sở tập kết chất thành từng đống. Trong quá trình xay nhựa, thổi nhựa, cơ sở này thường xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ lân cận.

Ngoài cơ sở nêu trên, hiện nay giữa lòng đô thị thị xã Hương Thủy còn có nhiều cơ sở thu mua phế liệu tồn tại gây ồn ào, ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây cháy, nổ cao. Đơn cử như cơ sở thu mua phế liệu trên đường Lê Thanh Nghị, đường Võ Trác cũng đang gây bức xúc cho những hộ dân lân cận bởi mùi hôi lẫn tiếng ồn...

Trước những ẩn họa về nguy cơ cháy, nổ, ô nhiễm môi trường, năm 2016, UBND thị xã Hương Thủy giao UBND phường Thủy Châu làm chủ đầu tư để đầu tư dự án khu hạ tầng kỹ thuật di dời cơ sở kinh doanh ô nhiễm. Tuy nhiên, năm 2018 khi chuẩn bị giao đất theo hình thức đấu giá thuê đất có thời hạn theo mục tiêu của dự án, theo Luật Đất đai, mọi người đều có thể tham gia đấu giá. Nhưng như vậy, có thể một số cơ sở kinh doanh phế liệu ở địa phương mất suất thuê đất, khiến không giải quyết triệt để mục đích di dời các hộ kinh doanh gây ô nhiễm trên địa bàn.

Năm 2019, thị xã Hương Thủy kiến nghị với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về trở ngại trên, đồng thời UBND thị xã Hương Thủy cũng có công văn xin ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến phương án đấu giá đất Nhà nước cho thuê có thời hạn đối với khu đất nói trên. Đến giữa năm 2020, trong thời gian chờ phương án của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như ý kiến từ UBND tỉnh, thị xã Hương Thủy đề xuất vẫn tổ chức đấu giá nhưng có quy chế ràng buộc kèm theo. Cụ thể, người tham gia đấu giá phải có cơ sở kinh doanh phế liệu gây ô nhiễm trên địa bàn phường Thủy Châu. Ngoài ra, không riêng ở phường Thủy Châu mà các cơ sở kinh doanh phế liệu gây ô nhiễm trên địa bàn thị xã Hương Thủy nếu có nhu cầu đều có thể tham gia đấu giá.

Đây là phương án nhằm tạo điều kiện để những cơ sở kinh doanh phế liệu ở địa phương di dời đến nơi mới. Tuy nhiên, sau kiểm tra thực tế, do địa điểm dự án nằm gần khu dân cư; hạ tầng chưa đáp ứng một số tiêu chí liên quan đến phòng, chống cháy nổ; chưa có đánh giá tác động môi trường..., đồng thời, đề xuất của UBND thị xã Hương Thủy không phù hợp với quy định của Luật Đấu giá tài sản nên UBND tỉnh đã quyết định dừng dự án này.

Theo ông Ngô Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, hiện chính quyền đang kêu gọi đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Thủy Phương 2 và Cụm công nghiệp Thủy Châu (thị xã Hương Thủy). Sau khi hạ tầng hoàn thiện, thị xã sẽ vận động các hộ kinh doanh, tái chế phế liệu di dời vào đây. Tuy nhiên, từ thời điểm kêu gọi cho đến khi các doanh nghiệp bắt tay đầu tư hạ tầng cũng cần một khoảng thời gian chứ không thể ngày một, ngày hai.

Đọc thêm