Các lập luận trong các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được phát triển thành án lệ chính là sự giải thích, góp phần bổ túc, hoàn thiện cho những quy định quá chung chung, mập mờ, chưa rõ nghĩa… trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Gián tiếp giải thích pháp luật
Chẳng hạn, để hướng dẫn tòa án khi xét xử các vụ án tương tự, Án lệ số 01/2016/AL về vụ án Đồng Xuân Phương thuê Hoàng Ngọc Mạnh đâm anh Nguyễn Văn Soi được phát triển từ lập luận sau: “Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, có căn cứ xác định về mặt chủ quan, Phương chỉ muốn gây thương tích cho anh Soi mà không muốn tước đoạt tính mạng, cũng không muốn thuê Mạnh đâm bừa, đâm ẩu vào anh Soi để mặc mọi hậu quả xảy ra… Hành vi của Đồng Xuân Phương thuộc trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã kết án Đồng Xuân Phương về tội giết người là không đúng pháp luật”.
Thực tế xét xử của các tòa án nước ta cho thấy, giữa vụ án giết người và vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người không phải khi nào cũng có thể dễ dàng phân biệt. Vì vậy, theo TS Nguyễn Văn Nam (Trường Đại học Luật Hà Nội), bằng việc ra án lệ này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tháo gỡ một khó khăn khá lớn cho công tác xét xử của tòa án. Bởi với Án lệ số 01, giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC phân biệt rõ ràng hơn.
Cụ thể, khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999, lời văn của điều luật không nói rõ trường hợp “dẫn đến chết người” được hiểu như thế nào. Còn theo Án lệ số 01, chúng ta có thể hiểu cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người được hiểu là về mặt chủ quan, người vi phạm chỉ muốn gây thương tích mà không muốn tước đoạt sinh mạng của nạn nhân; về mặt khách quan, hành vi gây thương tích là hành vi tấn công vào những phần không trọng yếu trên cơ thể, nó không thể là hành vi tấn công bừa, tấn công ẩu mà phải có chủ đích là tấn công vào những phần không trọng yếu trên cơ thể, những phần không tất yếu dẫn đến cái chết. Đồng thời cũng bằng án lệ này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC gián tiếp giải thích rằng, với các yếu tố chủ quan, khách quan như trên, bị cáo không phạm tội giết người theo điểm m, n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 (thuê giết người; giết người có tính chất côn đồ).
Đề xuất thừa nhận án lệ tạo ra quy phạm
Hiện có một số ý kiến phản đối việc thừa nhận án lệ và việc giải thích pháp luật của tòa án. Tuy nhiên, qua nghiên cứu những án lệ đã được công bố, ông Nam nhấn mạnh, cho dù thừa nhận hay không thì tòa án vẫn giải thích pháp luật. “Trong hoạt động xây dựng pháp luật, cho dù nhà làm luật cố gắng đến đâu cũng không thể loại trừ hoàn toàn việc giải thích pháp luật, bởi tính vô hạn, đa dạng, phức tạp của chủ thể nhận thức và thực hiện pháp luật, trong khi khả năng, điều kiện của nhà làm luật luôn chỉ là hữu hạn” – ông Nam lý giải. Điều đó càng được khẳng định trong thực tiễn áp dụng pháp luật, nhất là hoạt động áp dụng pháp luật của tòa án.
Đồng tình, TS Bùi Xuân Phái (Trường Đại học Luật Hà Nội) cũng cho rằng án lệ có giá trị bổ sung cho sự khiếm khuyết của pháp luật thành văn. TS Phái phân tích, không một cơ quan lập pháp nào có thể dám quả quyết rằng mình đã dự liệu hết các tình huống pháp lý để có thể can thiệp và điều chỉnh chúng. Do vậy, án lệ được hình thành từ nhu cầu thực tế giải quyết các tình huống pháp lý chưa được dự kiến trong các văn bản quy phạm pháp luật này. Ngoài ra, trong trường hợp nội dung của các quy định khó hiểu hoặc có thể không rõ ràng dẫn đến có thể bị hiểu theo nhiều nghĩa thì tòa án (thường là tòa án cấp cao) sẽ có trách nhiệm giải thích các điều khoản ấy để làm rõ nghĩa hoặc tạo ra cách hiểu thống nhất và giúp cho việc thực hiện pháp luật trở nên thống nhất.
Tham khảo các án lệ nổi tiếng trên thế giới, nghiên cứu sinh Phạm Vĩnh Hà nhận thấy hầu hết các án lệ đều là các án lệ tạo ra quy phạm mới, trong khi ở Việt Nam, chúng ta không thừa nhận những án lệ mà nội dung của nó tạo ra quy phạm mới. Theo ông Hà, việc giải thích các quy phạm pháp luật còn thiếu tường minh là rất cần thiết song chỉ mình nó là chưa đủ lấp đầy những lỗ hổng của luật thành văn. “Để có thể tận dụng tối đa chức năng của án lệ, thiết nghĩ cần tiến tới thừa nhận sự tồn tại của những án lệ tạo ra quy phạm ở Việt Nam và cho phép tòa án tạo ra nguyên tắc pháp luật ở một mức độ nhất định” – ông Hà mạnh dạn đề xuất.