Cả giận mất khôn
Mới đây, một giáo viên dạy lái ô tô tại Đắk Lắk đã làm đơn trình báo cơ quan công an về sự việc anh đậu xe ô tô trước quầy hàng bánh trung thu trên hè phố để đi công việc tại bệnh viện gần đó, khi trở ra phát hiện xe bị rạch bởi vật sắc nhọn, camera xe quay lại thì người gây ra hành vi này là nhân viên của tiệm bánh trung thu. Theo chủ xe ô tô, trước khi đỗ xe, anh đã quan sát thấy không có biển cấm dừng đỗ, đồng thời đã đậu lùi lại chứ không án ngữ mặt tiền cửa hàng nhưng cuối cùng sự việc không hay vẫn xảy ra.
Câu chuyện mâu thuẫn giữa người lái xe đỗ xe ô tô và chủ nhà, người dân trong khu vực xe đỗ đã không còn quá xa lạ với cộng đồng. Cách đây ít lâu, một đoạn clip xuất hiện trên mạng cho thấy, một chiếc ô tô 7 chỗ đỗ dọc theo một con hẻm nhỏ đã bị một người đàn ông, được cho là người dân trong hẻm từ trong nhà đi ra, cầm theo thanh gỗ đập liên tiếp vào gương chiếu hậu, kính xe, đuôi và sườn xe. Chưa hết, trên mạng xã hội cũng liên tục xuất hiện những đoạn clip, hình ảnh về sự “trừng phạt” dành cho những người đỗ xe trước nhà người khác.
Điều đáng nói là khi những hình ảnh như thế xuất hiện đã nhận không ít lời bình luận hả hê, đồng tình, thậm chí khen ngợi người gây ra hành vi phá hoại nói trên, cho rằng chủ ô tô bị như thế là “đáng đời” vì tội đậu xe thiếu ý thức.
Không chỉ liên quan đến việc dừng đỗ ô tô, hành vi phá hoại tài sản cũng diễn ra một cách “vô tư”, cho là mình đúng ở nhiều trường hợp khác. Có những người vì bức xúc chó nhà hàng xóm thường đi vệ sinh bậy trước nhà, đã tự ý đánh bả chó để khỏi còn phiền đến mình. Nhiều người chỉ vì cãi nhau, nóng giận, có hành vi đốt xe máy, đập phá đồ đạc nhà người khác. Có những vụ việc, bức xúc vì cây nhà hàng xóm thường xuyên rụng lá, rác sang nhà mình, người dân đem rìu sang sân nhà người khác… chặt luôn cây. Những hành động này diễn ra nhan nhản trong cuộc sống hàng ngày, đó không chỉ là cơn nóng giận nhất thời, mà xuất phát từ sự thiếu nhận thức, thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân.
Nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật
Nhiều người vẫn cho rằng, khi người khác làm tổn hại đến mình thì bản thân được quyền “trả đũa” đích đáng và suy nghĩ này cũng được một bộ phận cộng đồng ủng hộ, mặc nhiên cho là đúng. Vì sự thiếu hiểu biết về pháp luật này, không ít người đã phải đối diện với các án phạt từ nhẹ đến nặng, thậm chí tù tội mà vẫn ngơ ngác không biết vì sao mình phạm tội.
Tội phá hoại, hủy hoại, hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức xử lý hình sự bao gồm phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác mà giá trị tài sản bị hủy hoại là từ 02 triệu đồng đến không quá 50 triệu đồng. Người gây án sẽ nhận án phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với trường hợp tội phạm thực hiện hành vi phạm tội một cách có tổ chức; Giá trị tài sản bị thiệt hại lên đến từ 50 triệu đồng tới 200 triệu đồng; Tài sản bị hư hại, hủy hoại là bảo vật quốc gia; Sử dụng thủ đoạn hoặc các vật liệu nguy hiểm để phạm tội như là chất gây cháy, nổ (xăng, dầu, bom, mìn, thuốc nổ,...).
Theo các luật sư, ngoài việc hành xử theo thói quen “ăn miếng trả miếng”, một bộ phận người dân còn có thói quen “sở hữu” đối với phần lề đường, hè phố trước nhà mình. Trong thực tế, phần lề đường, hè phố là tài sản công cộng, quy định pháp luật cho phép người dân hoàn toàn có quyền dừng, đỗ xe ở những nơi không có biển cấm và không vi phạm quy định về nguyên tắc đỗ xe theo Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, chính vì quan niệm “sở hữu”, nhiều người dân đã gây ra các hành vi như phá hoại xe dừng đỗ ở phần lề đường trước nhà, gây hấn, xua đuổi người khác đứng trên phần hè đường nhà mình và đôi khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Các luật sư đưa ra lời khuyên, người dân khi phát hiện trường hợp dừng, đỗ xe trái quy định, có thể gây ảnh hưởng hoặc nguy hiểm đến người đi đường, có thể báo cho cơ quan chức năng để xử lý. Đồng thời, trong cuộc sống, đối diện với hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của mình, người dân hoàn toàn có thể tố cáo đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tuyệt đối không nên dùng cách thức “ăn miếng trả miếng” để đáp lại, vì như thế thay vì đòi quyền lợi cho mình, họ lại sa chân vào việc phạm pháp, phải trả giá cho hành vi phá hoại của mình.