Ăn tại nhà sẽ là xu hướng mới của người tiêu dùng Việt Nam

(PLVN) - Khảo sát mới đây của Cty Nielsen cho thấy, có một sự thay đổi đáng kể từ tiêu dùng mua mang đi (on-the-go) đến tiêu dùng an toàn tại nhà (safe-in-home) vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đang được người tiêu dùng (NTD) các quốc gia khu vực châu Á chọn lựa và trở thành xu hướng mới trong tương lai.

Nghiên cứu “Covid-19 - Đâu là nơi người tiêu dùng hướng tới?” của Cty Nielsen về thái độ của người tiêu dùng đối với sự bùng phát của Covid-19, sự thay đổi trong lối sống và chi tiêu cho các ngành hàng FMCG, chỉ ra rằng tại 11 thị trường châu Á, đa số NTD đều thích ứng nhanh với sự thay đổi. Thay vì ăn uống hàng quán là văn hóa từ xưa, nhưng giờ đây – họ đã ưu tiên việc ăn tại nhà.

Theo đó, dẫn đầu xu hướng này là Trung Quốc với 86%, Việt Nam cũng nằm trong top 3 với 62% chỉ xếp sau Hồng Kông - 77% 

Khảo sát của Nielsen Việt Nam trong 1 tuần (từ ngày 9- 15/3/2020) đã có đến hơn 50% người dân đã giảm tần suất ghé các cửa hàng hiện hữu, trong khi đó 52% người được hỏi nói rằng họ gia tăng dự trữ hàng hóa tại nhà. Bên cạnh đó, 82% NTD đã giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài (tăng 57% so với mức giảm 25% khi được đo lường trong tháng 2). 

“Trong một vài thị trường châu Á, doanh số bán các mặt hàng tiêu dùng nhanh tăng trung bình ít nhất 20-25%/mỗi tuần kể từ khi dịch bắt đầu lan rộng vào cuối tháng 1 năm nay, và kéo dài đến cuối tháng 3 xu hướng này vẫn chưa có sự thay đổi. Không còn nghi ngờ gì nữa, NTD đã chuyển từ “tiêu dùng mua mang đi” sang “tiêu dùng an toàn tại nhà” nhiều hơn”, ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Nielsen Đông Nam Á, chia sẻ. 

Cũng theo Nielsen, NTD có nhu cầu rất cao về sự tiện lợi cũng như sự an toàn. Vì vậy những mặt hàng như: Mì ăn liền, sản phẩm chăm sóc nhà cửa, thực phẩm bổ sung, sản phẩm vệ sinh cá nhân, rau quả tươi, sữa và các chế phẩm từ sữa và Thực phẩm đông lạnh là những mặt hàng mà NTD lựa chọn

Bà Louise Hawley, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam, cho rằng, sự thay dổi thói quen sẽ có ảnh hưởng rõ rệt đối với các nhà hàng và doanh nghiệp ăn uống bên ngoài. Nhưng với các doanh nghiệp bán lẻ và nhà sản xuất trong ngành hàng thiết yếu, thì việc thay đổi xu hướng của NTD không chỉ là cơ hội rất lớn, mà còn là những áp lực khi lượng tiêu thụ đang mang lại doanh thu tăng đến 30%.

“Sự thay đổi này sẽ kéo dài cho đến hậu đại dịch và ngay cả sau khi đại dịch COVID-19 đi qua. Bởi lối sống ăn uống khỏe mạnh sẽ trở nên quan trọng với NTD hơn so với trước đây. Xu hướng này buộc các nhà bán lẻ và nhà sản xuất phải đáp ứng được nhu cầu về chất lượng và đạt chuẩn vệ sinh”, bà Louise Hawley nhận định.

Bà Louise cũng đưa ra khuyến cáo, đối với những nhà bán lẻ, khai thác sâu các kênh trực tuyến, suy nghĩ lại về việc giao hàng, phát triển hơn các dịch vụ O2O (offline-to-online) và thúc đẩy tích hợp đa kênh sẽ là cách mà người tiêu dùng mua sắm trong tương lai.

Nghiên cứu “COVID-19 - Đâu là nơi người tiêu dùng hướng tới?” của Nielsen được thực hiện từ ngày 6-17/3/2020. Nghiên cứu này đưa ra những sự thấu hiểu về tâm lý người tiêu dùng từ một khảo sát toàn cầu trên 74 thị trường. Trong đó, các quốc gia khu vực châu Á gồm: Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia, Việt Nam, Đài Loan và Hồng Kông.

Đọc thêm