Bên cạnh những cuộc vui chơi lành mạnh và ý nghĩa, dịp Tết cũng là khoảng thời gian khiến nhiều người trở nên hưng phấn khó kiềm chế, dễ sa đà vào những buổi tiệc tùng triền miên.
Sau Tết, bệnh nhân tăng vọt
Nhiều bác sĩ cho biết cứ sau mỗi kỳ nghỉ Tết, số bệnh nhân tới khám tăng đột biến. Trong đó, tỉ lệ bệnh nhân bị gút, tiểu đường, viêm phổi, thận, tiết niệu… tăng hơn hẳn ngày thường.
PGS-TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Chuyển hóa ĐH Y Hà Nội, cho biết không khí sum vầy dịp Tết cộng với các bữa ăn thịnh soạn, những buổi tiệc tất niên khiến người ta khó có thể từ chối việc ăn nhiều, uống nhiều. Chính vì thế, dịp Tết cũng là thời điểm mà không ít người có tiền sử mắc tiểu đường, gút, mỡ máu cao… trở bệnh nặng hơn do ăn uống quá mức.
Theo PGS Bình, những ngày qua, nhiều bệnh nhân đã tìm đến thầy thuốc đề nghị được tư vấn chế độ ăn uống khoa học để không phải “ăn Tết bệnh viện (BV)”. Điều này cũng dễ hiểu vì ngày Tết, nhiều khi chúng ta có bệnh nhưng không thể từ chối những ly rượu, cốc bia chúc mừng từ bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng.
Đối với người bị tiểu đường, cần chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và giảm bớt thức ăn chứa nhiều đường, mỡ động vật, tinh bột. Thay vào đó, tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, đậu, trái cây. “Người tiểu đường sẽ phải sống chung với căn bệnh này suốt đời. Do đó, cần tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị và một chế độ ăn uống, vận động hợp lý để giảm sự tiến triển của bệnh” - PGS Bình khuyến cáo.
Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường tìm đến bác sĩ tư vấn, khám bệnh trước khi nghỉ Tết |
Giới chuyên môn cho rằng chế độ ăn uống của những người có bệnh mạn tính rất quan trọng. Bệnh nhân tim mạch, huyết áp nên hạn chế các món chứa nhiều muối. Người mắc bệnh gan tránh uống rượu, hút thuốc lá và ăn quá nhiều chất mỡ, đường. Người bị bệnh gút không nên dùng thực phẩm giàu đạm như thịt có màu đỏ, phủ tạng động vật, hải sản, trứng gia cầm… vì chúng làm tăng tốc độ tổng hợp axít uric trong cơ thể.
Theo lương y Vũ Quốc Trung, trước đây, người ta cho rằng gút là bệnh của người giàu, người béo vì chế độ ăn nhiều đạm nhưng thực tế, nhiều người nghèo, người gầy cũng “dính” do uống nhiều rượu. Chính sự hấp dẫn khó cưỡng của các món ăn ngày Tết khiến không ít bệnh nhân gút “khốn đốn” vì khớp chân, đầu gối của mình.
Đừng “xông đất” bệnh viện!
Với những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa như loét dạ dày, tá tràng thì Tết có lẽ là thời điểm thử thách nhất.
Anh Nguyễn Xuân Hùng - 35 tuổi, ở Hà Nội - có tiền sử loét dạ dày nên bình thường rất cẩn thận trong chuyện ăn uống, sinh hoạt. Thế nhưng, Tết năm ngoái, anh tự cho phép mình “dễ dãi” hơn để chung vui trong các buổi tiệc nhậu tất niên. Hậu quả sau hơn 1 tuần ăn uống thất thường, lại uống nhiều rượu bia, đêm giao thừa anh đã phải “xông đất” BV vì xuất huyết tiêu hóa.
Các bác sĩ lưu ý: Ngày Tết có nhiều yếu tố tạo cơ hội cho những cơn đau dạ dày phát sinh nếu người bệnh không thực hiện các chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học. Rượu bia, thuốc lá, cà phê hay các loại thực phẩm khó tiêu, xào rán, chua, cay... làm tăng bài tiết dịch vị chính là nguyên nhân khiến cơn đau dạ dày trở lại. Do đó, những người bị viêm loét dạ dày nên tránh các thức ăn khó tiêu, chua và cay.
Bác sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, cho biết dù rượu bia là đồ uống làm cuộc sống thêm phong phú và không thể thiếu trong dịp Tết nhưng dùng quá nhiều có thể gây nên các hành vi mất tự chủ.
“Thực tế, rượu là thủ phạm của không ít vụ ngộ độc mỗi dịp cuối năm. Những ngày gần đây, BV tiếp nhận hàng chục ca ngộ độc rượu sau những cuộc liên hoan tất niên của các cơ quan. Số ca ngộ độc rượu tăng lên là do uống quá nhiều rượu, đặc biệt là rượu không có nguồn gốc rõ ràng. Chỉ vì “quá chén”, không ít người bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Thậm chí, có trường hợp ngộ độc rượu do không được cấp cứu kịp thời đã dẫn đến suy hô hấp, co giật, hôn mê rồi tử vong” - bác sĩ Duệ cảnh báo.