Cặp vợ chồng nghèo chuyên tìm mồ vô chủ về táng ở vườn nhà

(PLO) - Giữa nơi lưng chừng đèo Rù Rì (phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) hoang vắng lại có một khu mộ sạch sẽ, do cặp vợ chồng nghèo làm nghề chăn dê mấy năm lặn lội đi tìm mồ vô chủ, đưa về xây táng trong vườn nhà, ngày ngày chăm sóc, hương khói chu toàn.
Ảnh minh họa (internet)
Ảnh minh họa (internet)
Nghĩa địa vô danh trong vườn nhà
Nằm ngay ven đường tại vị trí đổ đèo là khu mộ do vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên (SN 1972) dựng nên, hàng ngày khói nhang thờ cúng. Trong khoảng không gian rộng giữa vườn chuối của gia đình là gần 30 ngôi mộ kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, trên mộ chỉ ghi đơn giản như Trần Vô Danh, Nguyễn Vô Danh, Bùi Vô Danh... 
Sau mỗi buổi chiều trên nương rẫy, vợ chồng lại trở về quét dọn, nhổ cỏ, thắp hương. Nhiều năm đã trôi qua, khu mộ vắng người qua lại được bao phủ bởi cánh rừng già rậm rạp nhưng vẫn luôn ấm áp tình người.
Chị Liên kể về lần đầu tiên cuốc phải mộ: “Một ngày đầu năm 2008, vợ chồng tôi vào vườn dọn dẹp, xới đất để trồng chuối, bỗng cuốc vào một mô đất nhỏ, chỉ cao hơn so với mặt bằng của vườn một chút. Ở chốn rừng rú này, các mô đất nhấp nhô là rất bình thường, nhưng hôm đó tôi bỗng có một cảm giác rất lạ. 
Mẹ con chị Liên bên nghĩa địa vô danh trong vườn nhà
Mẹ con chị Liên bên nghĩa địa vô danh trong vườn nhà 
Dừng lại xem xét, vợ chồng tôi phát hiện dưới nhát cuốc là một chiếc tiểu sành. Tiếp tục đào bới thấy xung quanh tiểu được xếp bằng gạch để cố định vị trí. Sau đó chúng tôi dời chiếc tiểu đến một nơi khác trong vườn, thắp hương thờ cúng”.
Sau lần đó, mỗi khi vỡ rẫy, vợ chồng chị Liên lại chú ý những nấm mộ bị bỏ lại trong khu vực, để ý cả những túi, những bọc nilon bị vứt lại chỏng chơ, bởi rất có thể, trong đó là các thai nhi bị cha mẹ chối bỏ. 
Người phụ nữ kể thêm: “Ban đầu chúng tôi chỉ định dời vị trí một số nấm mồ để thuận lợi cho công việc nương rẫy, cũng là để tiện nhang khói, thờ cúng. Nhưng về sau lại phát hiện được rất nhiều nên quy tụ về đây”.
Thương xót những sinh linh nhỏ bé, vợ chồng chị Liên bàn nhau an táng lại bằng những ngôi mộ khang trang hơn, quy tụ ngay trong vườn nhà mình. Chui rừng tìm mộ đưa về vườn
Qua 5 năm quy tập mộ, cặp vợ chồng nông dân đã dựng nên một nghĩa địa rộng rãi trong khuôn viên 100m2 gần nhà. Chị Liên cho biết: “Hàng ngày, sau khi xong xuôi công việc gia đình, chúng tôi đều ra đây quét dọn, thắp nhang cầu mong cho các vong linh siêu thoát. Thấy những ngôi mộ vô chủ chỉ mình chúng tôi chăm nom, nhiều người hễ đi ngang qua đều dừng lại thắp hương. Vì thế mấy năm trôi qua, khu mộ lúc nào cũng đỏ hương, nhất là những ngày rằm, lễ tết. Mộ vô chủ nhưng chẳng khi nào thấy cô quạnh”.
Giải thích cách đặt tên trên các bia mộ, chị Liên nói: “Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản, không biết tên tuổi nên đặt là Vô Danh, còn lấy họ khác nhau như Nguyễn, Trần… chỉ để không trùng lặp, dễ nhận biết”. 
Việc xây mồ xuất phát từ thiện tâm, rút ra từ chính cuộc đời gian khổ, truân chuyên của hai vợ chồng. Chị Liên cùng chồng đã bỏ nhiều ngày đi khắp các nương rẫy, chui vào rừng rú trong vùng để tìm kiếm. Hễ những nơi mặt đất đang bằng có ụ đất đùn lên như ổ mối là đến thăm dò, đào bới. 
Không bán đất, chỉ cho chôn nhờ
Theo lời kể, vợ chồng chị lấy nhau được hơn bảy năm, người chồng năm nay đã ngoài 80, hơn vợ những 40 tuổi. Hai người đều từng có gia đình riêng, nhưng đều đứt gánh giữa chừng, duyên số run rủi họ gặp nhau và nên nghĩa vợ chồng. 
“Ông nhà tôi quê gốc Bình Định, sống ở vùng đất này đã hơn 40 năm. Vợ cả mất sớm, một mình bươn trải đủ việc để nuôi chín đứa con nên người. Các con lớn khôn đều cưới vợ gả chồng, đi nơi khác làm ăn sinh sống, còn một mình ông ấy ở đất này. Chúng tôi nên nghĩa vợ chồng, đỡ đần nhau những lúc trái gió trở trời”. 
Cuộc sống của cặp vợ chồng “rổ rá cạp lại” có thêm niềm hạnh phúc tuyệt vời khi đứa con nhỏ chào đời, nay đã được bốn tuổi. Cả gia đình chỉ quanh quẩn nơi đỉnh đèo trong ngôi nhà gỗ chật chội, xiêu vẹo. Thu nhập chính nuôi sống cả nhà từ việc chăn nuôi đàn dê 20 con trên đỉnh đèo. 
Quanh năm đầu tắt mặt tối làm lụng mưu sinh, họ vẫn dành dụm được vài chục triệu đồng xây mộ cho các hài cốt không rõ tên tuổi, không rõ cha mẹ, không mảy may so đo tính toán. Tấm lòng của vợ chồng người chăn dê đã làm không ít người cảm kích, khâm phục. 
“Đất khu mộ là của gia đình tôi, hiện nay quy tập được hơn 20 mộ vô chủ và bảy ngôi mộ có chủ, vẫn thường có thân nhân đến thắp nhang. Họ vì nghèo không có tiền mua đất táng ở thành phố nên đến đây nhờ, để người thân có chỗ an nghỉ. 
Lúc đầu họ bỏ tiền mua, chúng tôi không bán nhưng sẵn sàng cho họ chôn cất nhờ đất nhà mình. Đời chúng tôi đã vất vả nhiều, làm thêm một việc tốt cũng là để tích đức cho đời con cái”, chị Liên cho biết.
Ngoài các ngôi mộ có chủ do người thân tự xây, các mộ vô danh còn lại do đích thân vợ chồng chị Liên xây dựng. Người dân trong vùng đã quen với hình ảnh người chồng già đặt từng viên gạch, chăm chút từng nhát bay, còn người vợ cứ cặm cụi phụ hồ, hai vợ chồng lặng lẽ xây nên khu mộ cho “người dưng” ngay giữa vườn nhà, sát lề đường đi lại.

Đọc thêm