Ấn tượng xây dựng nông thôn mới ở Kiên Giang

(PLVN) - Vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức, nhất là chịu tác động bất lợi của thời tiết, các ngành chức năng và người dân tỉnh Kiên Giang đã gặt hái nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực sản xuất. Đồng thời, chung tay xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) với nhiều thành tích thật sự ấn tượng so với nhiều tỉnh, thành trong khu vực.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang

Nhiều kết quả nổi bật

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, đên cuối năm 2024, toàn tỉnh có 116/116 xã đạt chuẩn NTM. Các xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu cũng không ngừng được nâng lên với gần 40 xã. Điều này đã giúp cho Kiên Giang hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch đã đề ra. Tính đến nay, Kiên Giang đã có 7 huyện, thành phố như Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, Kiên Lương, Vĩnh Thuận và TP Hà Tiên đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; đã tổ chức thẩm tra và hoàn thiện hồ sơ 2 huyện An Minh và Châu Thành gửi Văn phòng Điều phối Trung ương thẩm định.

Xã Vĩnh Phước A (Gò Quao) khởi sắc về diện mạo nông thôn mới

“Có thể nói, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ở Kiên Giang đã được các ngành, các cấp cùng chính quyền các địa phương và người dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia. Các địa phương đã xác định rõ cách làm, bước đi triển khai xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện cụ thể, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị. Qua đó, đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh; kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, công trình thủy lợi...ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và dần hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân”- Ông Lê Hữu Toàn chia sẻ.

Cũng theo người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, các các ngành chức năng có liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã có những chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ưu đãi cho phát triển kinh tế tập thể. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, nâng cao giá trị lao động cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Thực hiện Nghị quyết số 76-NQ/TU ngày 16/12/2024 của Tỉnh uỷ về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; trên cở sở kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 1 huyện đạt chuẩn NTM.

Ông Phạm Thanh Tâm, xã Đông Hưng B, huyện An Minh, Kiên Giang thu hoạch tôm càng xanh

Đưa nông thôn thành nơi đáng sống

Theo kế hoạch trong thời gian tới, Kiên Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, từng tiểu vùng. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị.

Khuyến khích kinh tế hộ, kinh tế hợp tác nòng cốt là hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng đời sống văn hoá, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Nông dân phấn khởi khi tôm được mùa

Nông dân huyện Giồng Riềng thu hoạch lúa

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu với UBND tỉnh về điều chỉnh thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đáp ứng nhu cầu thị trường và lợi thế của địa phương. Đồng thời, giữ vững và nâng chất các tiêu chí xây dựng NTM; chủ động phối hợp với các sở ngành và các viện, trường, các doanh nghiệp để tổ chức tào đạo nguồn nhân lực tại chổ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ mới.

“Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho cư dân nông thôn và từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để góp phần xây dựng NTM phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Chúng tôi xác định việc nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng NTM cũng nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Do đó, cần đẩy nhanh xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và xây dựng đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống để đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống”- Ông Lê Hữu Toàn kỳ vọng.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông nông thôn ở Kiên Giang được chú trọng

Đa dạng sản phẩm OCOP

Trong thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang sẽ tăng cường triển khai thực hiện nâng cao chất lượng các mô hình theo nhóm ưu tiên thực hiện hướng liên kết tiêu thụ đầu vào, đầu ra; sản xuất theo hướng an toàn bền vững thích ứng, thích nghi và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu gắn với du lịch sinh thái nhất là lồng ghép thực hiện Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang góp phần hoàn thành tiêu chí xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Hiện toàn tỉnh Kiên Giang đã có đến 296 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên (trong đó có 6 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia, 36 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 254 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao). Đây là sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ kinh doanh tham gia. Tất cả các sản phẩm được công nhận OCOP đều có thị trường tiêu thụ và được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

Đọc thêm