Anh Bằng Tư pháp Đắk Hà

(PLO) - Đó là cách gọi thân mật, trìu mến của đồng nghiệp và bà con mỗi khi nói về anh Trần Trọng Bằng - Trưởng phòng Tư pháp huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. Để được gọi thân mật như thế, anh Bằng đã  qua gần 20 năm nỗ lực thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh...”.
Anh Bằng(ngồi giữa) giao ban cùng các đồng nghiệp
Anh Bằng(ngồi giữa) giao ban cùng các đồng nghiệp
Phổ biến pháp luật bằng đa ngôn ngữ
Huyện Đắk Hà có gần 85.000ha đất tự nhiên, với hơn 67.000 nhân khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm khoảng 50% dân số. Đa số đồng bào dân tộc ở đây đều sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Bởi vậy, dân làng còn tồn tại việc sản xuất, sinh hoạt theo các phong tục, tập quán truyền thống. Rất nhiều người dân tộc thiểu số chưa biết tiếng phổ thông, còn giao tiếp bằng tiếng Xê Đăng, Rơ Ngao, Sơ Đrá, Ba Na, Giẻ Triêng...
Sau nhiều lần vào các làng đồng bào dân tộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, anh nghiệm ra rằng: Muốn đồng bào hiểu, làm theo các quy định của pháp luật, xóa bỏ dần dần những phong tục tập quán lạc hậu thì phải phổ biến các điều luật thật sự cần thiết với đời sống của họ, thật sự ngắn gọn bằng song ngữ Việt-Xê Đăng, Việt-Rơ Ngao, Việt-Sơ Đrá, Việt-Ba Na... Đồng bào dân tộc nào thì phiên dịch, biên soạn và nói, viết bằng tiếng dân tộc đó. Đồng bào cần điều luật nào thì phổ biến điều luật đó, tránh tình trạng tuyên truyền dài dòng, trừu tượng, chung chung, tràn lan. 
Từ những ý nghĩ đó, anh đã âm thầm và kiên trì học tiếng đồng bào. Nói, nghe và viết được sơ bộ tiếng đồng bào, anh nhận ra rằng: Trong 16 dân tộc thiểu số hiện có ở huyện Đắk Hà thì dân tộc Xê Đăng là đông nhất và văn hóa, ngôn ngữ Xê Đăng gần gũi, tương đồng với các ngôn ngữ Rơ Ngao, Sơ Đrá, Ba Na, Giẻ Triêng... 
Anh đã tiên phong đến trường theo học tiếng đồng bào và đã được cấp chứng chỉ tiếng Xê Đăng. Có vốn từ vựng tiếng đồng bào, anh tăng cường đi cơ sở tuyên truyền pháp luật bằng miệng. Sau đó, anh đề nghị và được các cấp có thẩm quyền đồng ý cho in ấn tài liệu tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng song ngữ Việt-Xê Đăng, Việt-Rơ Ngao, Việt-Sơ Đrá... cấp phát xuống các cơ sở làng, xã. Nhờ vậy mà hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ngày càng nâng lên. 
Anh phấn khởi chia sẻ: “Nói và viết được tiếng đồng bào là như có chiếc chìa khóa để mình hiểu được đời sống văn hóa, tâm linh của người bản địa. Mỗi khi nghe mình nói tiếng đồng bào, nhiều người cứ nghĩ mình là người sở tại. Mình rất vui, tự hào về điều đó”. 
Bảo vệ lẽ phải, loại bỏ hủ tục
Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ, tham gia các buổi tiếp dân, tổ chức thực hiện các phong trào yêu nước, Phòng Tư pháp huyện Đắk Hà còn tích cực thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Kon Tum về kết nghĩa giúp đỡ bà con làng Đắk Pơl, xã Ngọc Réo. Từ năm 2008 đến nay, anh Bằng thường xuyên ăn ở tại làng, giúp đỡ dân làng Đắk Pơl xây dựng thực hiện hương ước, quy ước, xây dựng, nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ các tập tục lạc hậu... 
Bên cạnh đóng góp ngày công, mọi người trong Phòng Tư pháp huyện Đắk Hà còn quyên góp một phần lương, thưởng của bản thân để mua quà xuống thăm tặng bà con dân làng vào những ngày lễ trọng. Mỗi khi xuống cơ sở ăn ở với dân làng, anh luôn là người có bản lĩnh chính trị, có chuyên môn vững chắc, có phương pháp làm việc vì cộng đồng, đặc biệt là có khả năng tập hợp mọi người hành động vì cái chung.
Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào (4 cùng) với bà con, anh đã nghe dân nói và nói cho dân hiểu, góp phần quan trọng vào việc nâng cao kiến thức pháp luật, làm thay đổi phong tục, tập quán của các dân tộc. 
Mỗi khi góp ý sửa đổi quy ước hương ước, anh luôn bảo vệ những điều  tiến bộ của luật tục như không phân biệt giữa con chung, con riêng và con nuôi; đồng thời kiên quyết loại bỏ những quy ước lỗi thời, những hủ tục như trọng nữ hơn trọng nam (theo chế độ mẫu hệ), đặc biệt là loại bỏ những hủ tục dã man như “Do-tơm-ami” và “Joa ană”(chôn con theo mẹ và đạp cho chết) từng gây ra rất nhiều cái chết oan ức đối với những trẻ sơ sinh người Xê Đăng, Sơ Đrá, Ba Na, Giẻ Triêng... 
Theo hủ tục này, mỗi khi người phụ nữ sinh đẻ hoặc lâm bệnh chẳng may bị chết thì trẻ sơ sinh, thậm chí trẻ đã đầy tháng tuổi hoặc 2 tháng tuổi cũng phải chôn sống theo mẹ hoặc bị vứt bỏ ra khu nhà mồ (bãi tha ma) để chết, để cho thú dữ ăn thịt.
Không chỉ tích cực trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số, anh còn tư vấn và hướng dẫn pháp luật miễn phí cho rất nhiều người Kinh đến vùng đất này làm ăn, lập nghiệp. Mới đây nhất, anh đã tận tình hướng dẫn các thủ tục pháp lý cho anh Nguyễn Văn Tâm ở thị trấn Đắk Hà đòi lại tài sản ở ngoài quê (tỉnh Hải Dương). 
“Anh Bằng có thâm niên trong công tác tư pháp, làm được nhiều việc rất tốt nên được các cấp khen thưởng, được nhiều người kính trọng và học tập làm theo tấm gương của anh”- Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum Trần Minh Thắng phấn khởi cho biết.
Anh Bằng Tư pháp Đắk Hà đang được Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen 5 năm liền (2011-2015) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trước đó năm 2012, anh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, năm 2011 anh nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, năm 2011, anh nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp”... Năm nay, đang ở tuổi 48, sự đóng góp của anh còn rất dài và chắc chắn những phần thưởng quí báu sẽ còn nhân lên. 

Đọc thêm