Khoa Hành chính Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội: Một lòng “vượt sóng” để thành công

(PLO) - Khoa Hành chính Nhà nước Trường Đại học Luật Hà Nội là một trong những khoa đầu tiên được thành lập vào năm 1979 cùng Trường Đại học Pháp lý Hà Nội. Cùng với sự hình thành và phát triển đến ngày hôm nay của trường, Khoa Hành chính Nhà nước và những giảng viên của khoa đã có những kỷ niệm đáng nhớ, những nỗ lực quên mình…
Một buổi tọa đàm tìm hiểu Hiến pháp 2013 do Khoa Hành chính Nhà nước tổ chức
Một buổi tọa đàm tìm hiểu Hiến pháp 2013 do Khoa Hành chính Nhà nước tổ chức
Nỗi niềm của những người đặt nền móng
Gắn bó với nghề sư phạm, gắn bó với bục giảng tính đến nay đã được 37 năm có lẻ, Nhà giáo Ưu tú, GS Thái Vĩnh Thắng vẫn nhớ như in những ngày đầu mới thành lập Khoa Hành chính Nhà nước (HCNN). Ông bùi ngùi kể: “Ngày đó, sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nền kinh tế chưa phục hồi sau 2 cuộc chiến tranh dài thì nay lại tiếp tục kiệt quệ thêm. Trong bữa cơm của mỗi gia đình lúc đó, bo bo nhiều hơn cơm. 
Chính vì thế, đồng lương của người làm nghề giáo khá thấp, nhiều người khó khăn quá phải bỏ nghề mình yêu mến. Tuy vậy, chúng tôi - những giáo viên của Khoa HCNN Đại học Pháp lý Hà Nội ngày ấy, nay là Đại học Luật  -  chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rời bục giảng. Chúng tôi ngày ngày động viên nhau vượt khó khăn gắn bó cùng khoa, cùng trường”. 
Lúc đầu, khi mới thành lập, Khoa Pháp luật Hành chính chỉ có 8 giảng viên trẻ mới tốt nghiệp cử nhân luật từ Liên Xô cũ và Cộng hòa dân chủ Đức về nước. Sau khi Trường Đại học Luật Hà Nội chuyển từ huyện Thanh Trì, Hà Tây cũ về nội thành Hà Nội thì khoa được đổi tên thành Khoa HCNN. Cùng với đó, đội ngũ giảng viên của khoa được kiện toàn, bổ sung đầy đủ hơn để phục vụ cho công tác giảng dạy. 
Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật của Bacu thuộc nước cộng hòa Trung Á Azerbaijan, Nhà giáo Ưu tú, GS. Thái Vĩnh Thắng cùng 20 giáo viên khác nhận công tác tại Khoa Pháp lý Trường Đại học Tổng hợp. Họ là những người đặt những viên gạch đầu tiên cho hệ thống đào tạo cán bộ pháp luật ở Việt Nam. 
Trong Lễ khai giảng khóa học đầu tiên của Trường Đại học Pháp lý Hà Nội, cũng là năm đầu tiên đào tạo ngành Luật Hành chính, cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng về dự và phát biểu tại buổi lễ. “Tôi vẫn nhớ như in những lời cố Thủ tướng dặn dò trong Lễ khai giảng đó rằng: “Chúng ta phải xây dựng Trường Đại học Pháp lý Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý, trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và trung tâm truyền bá pháp lý” - GS. Thái Vĩnh Thắng nhớ lại. 
Kế thừa và phát triển
Qua 35 năm xây dựng và phát triển, đến nay đội ngũ cán bộ, giảng viên Khoa HCNN đã tăng vượt bậc về số lượng và chất lượng. Hiện nay, Khoa có 51 cán bộ, giảng viên, trong đó có 1 Giáo sư,  4 Phó Giáo sư, 19 Tiến sỹ giảng viên đều được đào tạo trong và ngoài nước, 3 Nhà giáo Ưu tú. Rất nhiều cán bộ, giảng viên được đào tạo tại các trường nổi tiếng trên thế giới. 
Trưởng Khoa HCNN, PGS.TS Tô Văn Hòa cho biết, hiện tại cơ cấu của Khoa gồm Ban Chủ nhiệm, 5 Bộ môn và 1 Trung tâm nghiên cứu pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, trợ lý khoa. Nhiệm vụ chính của khoa là đào tạo luật học theo chuyên đề HCNN, đảm nhiệm giảng dạy nhiều môn học chung cho các chuyên ngành luật của trường như: Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Tố tụng Hành chính, Xây dựng Văn bản pháp luật cùng 3 chuyên ngành đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ… 
Trong 35 năm qua, cùng với thành quả phát triển của Trường ĐH Luật Hà Nội, Khoa HCNN đã góp phần đào tạo được hàng chục nghìn cử nhân luật, hàng trăm thạc sỹ và nhiều tiến sỹ luật cho nước nhà cũng như cho các nước bạn Lào, Campuchia.
Nói về lĩnh vực nghiên cứu khoa học của các cán bộ trong khoa, PGS.TS Tô Văn Hòa vui mừng cho biết: “Trước đây cũng như hiện tại, Khoa HCNN luôn đứng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của trường. Nếu tính trong ngành Tư pháp, khoa chỉ đứng sau Viện Khoa học Pháp lý.  Mới đây,  trong tháng 1/2015, khoa là chủ lực trong việc bảo vệ thành công một đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. 
Hàng năm, các cán bộ, giảng viên của khoa tham gia 2 đến 3 đề tài cấp Bộ, nhiều đề tài cấp trường cùng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, hàng chục bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Nhiều giảng viên còn tham gia hoạt động thực tiễn, xây dựng pháp luật của Nhà nước và còn tham gia vào các Ban soạn thảo, Ban biên tập dự thảo luật, Ban thẩm định văn bản luật, các diễn đàn chính trị - xã hội, các hội thảo quốc gia, quốc tế.
Con người là yếu tố then chốt của phát triển. Ý thức được điều này, tập thể cán bộ giáo viên Khoa HCNN luôn là một khối thống nhất từ trên xuống dưới, từ xưa đến nay. Gắn với lịch sử phát triển của khoa là các thế hệ thầy cô giáo, những lãnh đạo, chủ nhiệm qua các thời kỳ như: PGS.TS Nguyễn Niên, GS.TS Lê Minh Tâm, Nhà giáo Ưu tú Hoàng Văn Sao, Nhà giáo Ưu  tú Lưu Trung Thành, TS Trần Minh Hương, GS.TS Nhà giáo Ưu tú Thái Vĩnh Thắng… 
Ngày nay, những giảng viên, cán bộ  trẻ năng nổ, nhiệt huyết đã thế hệ nối tiếp thế hệ, bằng tâm huyết và trí tuệ, bằng tinh thần và trách nhiệm, bằng nhiệt thành và đam mê đã đồng lòng, chung sức đưa khoa nói riêng và nhà trường nói chung vượt qua khó khăn, từng bước trưởng thành vững mạnh. 
Qua 35 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ giảng viên của Khoa HCNN đã nhiều lần được tặng Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Mới đây nhất năm 2014, cô Nguyễn Thị Thủy, Tổ hành chính được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng. Và hiện tại, cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên duy nhất của trường là Điển hình tiên tiến ngành Tư pháp giai đoạn 2011 – 2015.
Mỗi nét chữ, mỗi câu trả lời đều toát lên lòng yêu nghề tha thiết
Vẫn biết rằng Khoa HCNN có thành tích xưa nay luôn đứng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, thế nhưng khi nhìn những bài thi hưởng ứng cuộc thi “Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” mà Trưởng Khoa, PGS. Tô Văn Hòa giới thiệu, tôi không khỏi ngạc nhiên, thán phục. Bộn bề với công việc dạy học, nghiên cứu khoa học, đời sống riêng tư, những giảng viên, cán bộ của Khoa đã bỏ công, bỏ sức làm những tập bài thi thật sự công phu, dày hàng trăm trang, đầy đủ nội dung và minh họa hết sức sinh động, hấp dẫn. 
Có thể hình dung tâm huyết và lòng yêu nghề của mỗi người trong từng nét chữ, từng câu trả lời. Không chỉ dừng lại ở việc hưởng ứng cuộc thi qua số lượng và chất lượng bài thi cá nhân, đồng thời Khoa HCNN cũng đã tổ chức một số buổi tọa đàm với nhiều nội dung khác nhau của Hiến pháp 2013 để mọi người có cái nhìn sâu hơn về Hiến pháp 2013, phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Đọc thêm