Theo đó đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoặc tạm dừng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần quan trọng ở 93% quốc gia trên toàn thế giới trong khi nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng tăng…
Tại Việt Nam ngay trong những buổi đầu chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã triển khai những phương án chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân trong mùa dịch và đã đạt được những kết quả khả quan.
Ảnh hưởng từ Covid-19
Theo tìm hiểu, Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới, viết tắt là WMHD (World Mental Health Day) diễn ra lần đầu vào năm 1992 và được tổ chức vào ngày 10/10 hàng năm trên toàn thế giới, để giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp sức khỏe tâm thần.
Năm nay, ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc sức khỏe tâm thần của những người làm việc trong lĩnh vực tâm thần và người bệnh tâm thần.
Thậm chí với việc liên tục thực hiện các biện pháp cách ly, khiến nhiều người cảm thấy cô độc, lo âu, sợ hãi, hãi đang làm gia tăng các vấn đề về tâm thần hoặc làm trầm trọng thêm những tình trạng hiện có. Nhiều người có thể phải đối mặt với việc sử dụng rượu và ma túy ngày càng nhiều, mất ngủ và lo lắng.
Trong khi đó, bản thân Covid-19 có thể dẫn đến các biến chứng thần kinh và tâm thần, chẳng hạn như mê sảng, kích động và đột quỵ. Những người có sẵn các rối loạn về tâm thần, thần kinh hoặc sử dụng chất kích thích cũng dễ bị nhiễm SARS-CoV-2 hơn và họ có thể có nguy cơ cao bị các kết cục nghiêm trọng và thậm chí tử vong.
Theo thống kê có khoảng 450 triệu người có những vấn đề về rối loạn tâm thần trên thế giới và là một vấn đề hàng đầu về sức khỏe và tàn tật. Cứ 4 người lại có một người gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần trong cuộc sống của họ. Cứ 40 giây lại có một người chết do tự sát, hàng năm có khoảng 800.000 người tự sát trên toàn thế giới. Và còn có rất nhiều những trường hợp tự sát không thành công.
Tự sát là nguyên nhân thứ hai dẫn đến cái chết ở lứa tuổi từ 15 đến 29, 79% những người tự sát trên toàn cầu xảy ở những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. Tự sát là bi kịch ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng và đất nước và có ảnh hưởng lâu dài với những người thân còn lại.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cho biết, sức khỏe tinh thần tốt là nền tảng cơ bản cho sức khỏe tổng thể và hạnh phúc. Covid-19 đã làm gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần thiết yếu trên toàn thế giới ngay khi chúng cần thiết nhất. Các nhà lãnh đạo thế giới phải đi nhanh và quyết đoán để đầu tư nhiều hơn vào các chương trình sức khỏe tâm thần trong thời kỳ đại dịch và sau dịch.
WHO trước đây đã nhấn mạnh tình trạng thiếu kinh phí “mãn tính” cho sức khỏe tâm thần. Trước đại dịch, các quốc gia chỉ dành dưới 2% ngân sách y tế quốc gia cho sức khỏe tâm thần và đang “vật lộn” để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Những gián đoạn lớn đối với các dịch vụ sức khỏe tâm thần quan trọng
Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2020 ở 130 quốc gia trên 6 khu vực của WHO, đánh giá việc cung cấp các dịch vụ về tâm thần, thần kinh và sử dụng chất gây nghiện đã thay đổi như thế nào do Covid-19. Sau khảo sát, các quốc gia đã báo cáo sự gián đoạn rộng rãi của nhiều loại dịch vụ sức khỏe tâm thần quan trọng như:
Hơn 60% cho biết có sự gián đoạn đối với các dịch vụ sức khỏe tâm thần cho những người dễ bị tổn thương, bao gồm trẻ em và thanh thiếu niên (72%), người lớn tuổi (70%) và phụ nữ cần các dịch vụ trước sinh hoặc sau khi sinh (61%). 67% cho rằng việc tư vấn và trị liệu tâm lý bị gián đoạn; 65% đối với các dịch vụ giảm thiểu tác hại nghiêm trọng; và 45% đối với điều trị duy trì bằng chất chủ vận opioid đối với tình trạng lệ thuộc opioid.
Hơn một phần ba (35%) báo cáo sự gián đoạn đối với các can thiệp khẩn cấp, bao gồm cả những can thiệp đối với những người bị co giật kéo dài; hội chứng cai nghiện sử dụng chất gây nghiện nghiêm trọng; và mê sảng, thường là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý cơ bản nghiêm trọng.
30% cho biết có sự gián đoạn trong việc tiếp cận các loại thuốc điều trị rối loạn tâm thần, thần kinh và sử dụng chất kích thích. Khoảng ¾ báo cáo có ít nhất một phần gián đoạn các dịch vụ sức khỏe tâm thần ở trường học và nơi làm việc (tương ứng là 78% và 75%).
Trong khi nhiều quốc gia (70%) đã áp dụng y học từ xa hoặc trị liệu từ xa để khắc phục sự gián đoạn đối với các dịch vụ trực tiếp, có sự chênh lệch đáng kể trong việc tiếp nhận các can thiệp này. Hơn 80% các quốc gia có thu nhập cao cho biết đã triển khai y tế từ xa và trị liệu từ xa để thu hẹp khoảng cách về sức khỏe tâm thần, so với dưới 50% các quốc gia có thu nhập thấp.
WHO đã có những hướng dẫn cho các quốc gia về cách duy trì các dịch vụ thiết yếu - bao gồm cả các dịch vụ sức khỏe tâm thần trong Covid-19 và khuyến nghị các quốc gia phân bổ nguồn lực cho sức khỏe tâm thần như một phần không thể thiếu trong kế hoạch ứng phó và phục hồi của họ; kêu gọi các quốc gia theo dõi những thay đổi và gián đoạn trong dịch vụ để họ có thể giải quyết chúng theo yêu cầu.
Mặc dù 89% quốc gia báo cáo trong cuộc khảo sát rằng hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội là một phần của kế hoạch ứng phó Covid-19 quốc gia, nhưng chỉ 17% trong số các quốc gia này có đầy đủ kinh phí bổ sung để chi trả cho các hoạt động này.
Tất cả điều này cho thấy cần đầu tư hơn nữa cho sức khỏe tâm thần. Khi đại dịch tiếp tục, nhu cầu thậm chí còn lớn hơn sẽ được đặt lên các chương trình sức khỏe tâm thần quốc gia. Chi 2% ngân sách y tế quốc gia cho sức khỏe tâm thần là không đủ. Các nhà tài trợ quốc tế cũng cần phải làm nhiều hơn nữa.