Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh

(PLVN) - Ở Việt Nam, áo dài không chỉ là nét đẹp văn hóa in sâu trong tâm thức người Việt và được lan tỏa rộng rãi, sâu sắc, ấn tượng với bạn bè quốc tế, mà còn là trang phục lưu giữ những câu chuyện lịch sử, tình yêu và mang ý nghĩa khát vọng sâu sắc về tinh thần của dân tộc. Như một huyền thoại, áo dài đã đồng hành cùng phụ nữ Việt Nam trên khắp các nẻo đường đấu tranh, làm nên những kỳ tích trong cuộc kháng chiến trường kỳ, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước.
Luật sư Ngô Bá Thành, bà Nguyễn Thị Bình, bà Nguyễn Thị Định, ni sư Huỳnh Liên tại Kỳ họp Quốc hội khóa VI năm 1976.

Áo dài xuống đường đấu tranh

Trong bom đạn chiến tranh, áo dài đã đồng hành cùng nữ sinh, đồng bào trong những cuộc biểu tình đòi hòa bình. Vũ khí đấu tranh không chỉ là súng đạn mà còn là tinh thần kiên cường, quật khởi của phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Phi Vân tham gia phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên khu Sài Gòn - Gia Định từ năm 1960. Bà được giao nhiệm vụ đi rải truyền đơn, xây dựng cơ sở cho thanh niên cách mạng, vận chuyển vũ khí trong nội thành. Trang phục bà thường sử dụng để thực hiện một cách hợp pháp là áo dài. Theo lời kể của bà, tháng 5/1966, bà bị cảnh sát theo dõi và bắt tại nhà. Trước khi theo cảnh sát về nơi xét hỏi, bà vẫn bình tĩnh thay cho mình một chiếc áo dài và mặc suốt trong 3 ngày đầu bị bắt. Bà chỉ thay trang phục khác sau khi bị tra tấn, đánh đập làm rách tà áo dài. Bà Nguyễn Thị Phi Vân đã bị giam giữ qua nhiều nhà tù như Chí Hòa, Thủ Đức, Tân Hiệp và Côn Đảo.

Áo dài phụ nữ Việt Nam hiên ngang trước sự đàn áp bằng bạo lực của cảnh sát Sài Gòn. (Ảnh trong bài: Ảnh tư liệu tại Bảo tàng Hà Nội)

Năm 1964, khi theo học tại Trường Gia Long, bà Nguyễn Thị Cúc tham gia Hội thanh niên, học sinh, sinh viên giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1965, bà thoát ly làm giao liên và y tá tại chiến khu Dương Minh Châu, Tây Ninh. Trong thời gian còn hoạt động tại nội thành, bà đã tham gia biểu tình đấu tranh chính trị chống chính quyền Sài Gòn cũ. Buổi chiều ngày 24/11/1964, học sinh ở Trường Pestrus Ký và các trường đi biểu tình. Đoàn biểu tình đi ngang qua Trường Gia Long nơi bà đang học, mặc dù nhà trường đã cho đóng cổng nhưng bà vẫn cột hai tà áo lại, leo rào ra ngoài đi theo đoàn biểu tình. Đoàn biểu tình rất đông, kéo qua đường Trần Quốc Toản, đường Vạn Hạnh… bị cảnh sát đàn áp dã man, bắn chết sinh viên Lê Văn Ngọc. Đoàn người đưa xác Lê Văn Ngọc về Viện Hóa đạo để làm lễ tang. Bà Nguyễn Thị Cúc và mọi người đã đấu tranh để giữ xác Lê Văn Ngọc suốt đêm cho đến sáng mới trở về nhà. Trong ngày đưa tang Lê Văn Ngọc bà đã nói dối gia đình là đi học thêm, mang theo áo dài để tham gia lễ đưa tang.

Bà Trương Mỹ Lệ sinh năm 1941, tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi. Từ năm 1960 bà tham gia trong các phong trào của Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định. Trong những năm 1968 - 1969 do nhu cầu nhiệm vụ phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau như giáo dân, trí thức, học sinh - sinh viên… nên bà phải mặc nhiều áo dài có màu sắc khác nhau phù hợp với từng tình huống. Do tình hình chính trị lúc bấy giờ đòi hỏi rất căng thẳng nên chiếc áo dài được bà sử dụng để dễ dàng trà trộn hợp pháp hơn khi vào các trường học vận động sinh viên - học sinh biểu tình hoặc trà trộn vào các đoàn biểu tình làm công tác tư tưởng.

Bà Trần Thị Lan một trong những người hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh chính trị của sinh viên văn khoa. Khi tham gia biểu tình bà thường mặc áo dài như một hình thức ngụy trang, trà trộn vào các trường học vận động học sinh biểu tình, bãi khóa. Tà áo dài còn được bà túm lại sử dụng để đựng đá xanh tiếp tế “vũ khí” cho nam sinh viên chống lại cảnh sát dã chiến trong các cuộc biểu tình. Bà cũng mặc áo dài khi làm nhiệm vụ rải truyền đơn, thơ chúc xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường phố Sài Gòn. Một lần bà mặc áo dài trắng, đi xe đạp đến rạp Văn Hoa trên đường Trần Quang Khải. Nhưng khi đi đến Cầu Bông thì bà bị cảnh sát bắt. Bà bị đưa về Nha cảnh sát quận tra tấn dã man. Sau nhiều ngày vẫn không khai thác được thông tin từ bà, vì không có đầy đủ chứng cớ, cảnh sát buộc phải thả bà.

Áo dài và ý chí sắt đá, lý lẽ sắc bén

Không chỉ xuất hiện trên đường phố, tham gia vào các phong trào đấu tranh chính trị, tà áo dài đồng hành cùng nhiều người phụ nữ Việt Nam âm thầm chiến đấu trong lòng địch và tại các diễn đàn, hội nghị ngoại giao quốc tế. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài duyên dáng, nhưng với ý chí sắt đá, lý lẽ sắc bén đã nhận được sự ủng hộ của thế giới dành cho phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân Việt Nam.

Bà Trịnh Thu Nga sinh năm 1938 tại Bến Tre, tham gia cách mạng năm 18 tuổi. Năm 1956, Quốc hội Lập hiến ở Sài Gòn được thành lập. Từ 1956 - 1961 bà làm nhiệm vụ tình báo (thuộc cánh trí vận của ông Huỳnh Tấn Phát) và hoạt động hợp pháp trong Quốc hội Lập hiến với vai trò là nhân viên tốc ký. Tận dụng lợi thế này bà đã giúp cho phía lực lượng cách mạng nắm bắt được tình hình hoạt động của chính quyền Sài Gòn cũ. Từ 1961 - 1963 bà được chuyển sang hoạt động tại căn cứ Hố Bò - Củ Chi. Từ 1963 - 1968 theo sự phân công của tổ chức bà tiếp tục hoạt động tình báo với vai trò là nhân viên tốc ký cho Quốc hội Việt Nam Cộng hòa. Ngoài ra, bà còn đảm nhiệm vai trò thư ký Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ lâm thời (trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam), tham gia công tác chuẩn bị thành lập Hội, vận động phụ nữ trí thức tiến bộ tham gia Ban Chấp hành của Hội.

Bà Trịnh Thị Thu Nga hoạt động tình báo với vai trò là thư ký trong phiên họp của Quốc hội VNCH ngày 26/6/1961.

Rất nhiều người dân Việt Nam vẫn nhớ hình ảnh Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Thị Định trong tà áo dài bằng lụa trắng, thêu hoa rất duyên dáng, nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ, gần gụi. Bà Nguyễn Thị Định sinh năm 1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1936, bà tham gia phong trào Đông Dương Đại hội: liên lạc, rải truyền đơn, vận động chống sự áp bức ở địa phương. Tháng 3/1946, bà tham gia đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để báo cáo tình hình kháng chiến ở Nam Bộ và xin chi viện. Năm 1947, bà được bầu vào Tỉnh ủy Bến Tre. Từ đó, bà cùng các cán bộ lãnh đạo ở địa phương tổ chức các phong trào đấu tranh của Nhân dân Bến Tre. Đầu năm 1960, bà là một trong những người lãnh đạo phong trào Đồng Khởi Bến Tre. Sau đó bà là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1965, bà giúp Chủ tịch nước Hồ Chí Minh tổ chức Đội quân tóc dài. Năm 1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng bà ít khi mặc quân phục mà thường mặc bộ bà ba đen, áo dài. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Từ năm 1987 - 1992 bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Trên thế giới và ở Việt Nam, không ai là không biết đến bà Nguyễn Thị Bình - “Madame Bình” và Hội nghị Paris về Việt Nam - cuộc hội đàm kéo dài ngày nhất, ròng rã 4 năm, từ năm 1968 đến năm 1973 trong lịch sử ngoại giao thế giới. Bà Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, sinh năm 1927 tại tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Năm 17 tuổi, bà bắt đầu tham gia phong trào sinh viên, học sinh yêu nước: cứu tế và cướp chính quyền tại Sài Gòn. Năm 1951, bà bị thực dân Pháp bắt giam và tra khảo tại bốt Catinat, sau đó bị giam ở Khám Lớn rồi Nhà lao Chí Hòa (1951 - 1953). Năm 1954, bà ra tù và tham gia phong trào đối thoại Hiệp định Genève. Năm 1955, bà tập kết ra miền Bắc. Năm 1962, bà trở lại miền Nam với cái tên mới là Nguyễn Thị Bình, giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hoạt động ở bộ phận đối ngoại, kiêm Phó Tổng thư ký Hội Phụ nữ Giải phóng.

Năm 1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, bà được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Sau đó bà sang Paris đảm nhận chức vụ Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong suốt thời gian 1968 - 1972, bà nổi tiếng trong Hội nghị 4 bên tại Paris, bà được giới truyền thông gọi là “Madame Bình”. Đất nước thống nhất, bà giữ nhiều chức vụ quan trọng của Nhà nước. Từ 1992 đến 2002 bà là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nhắc đến bà Nguyễn Thị Bình là nhắc đến câu nói nổi tiếng: “Khi đặt bút ký vào bản Hiệp định chiến thắng, nghĩ đến những đồng bào, đồng chí ngã xuống - những người không còn có thể biết được sự kiện trọng đại này, mắt tôi bỗng nhòe ướt. Trong cuộc đời tôi, đây là vinh dự rất lớn vì được thay mặt Nhân dân, các chiến sĩ cách mạng để đấu tranh trực diện với kẻ thù xâm lược ngay tại Paris, được đặt bút ký vào bản Hiệp định chiến thắng sau 18 năm cả nước tiến hành cuộc chiến đấu chính nghĩa đầy hy sinh, gian khổ… Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao của tôi” và nhớ đến những chiếc áo dài nền nã bà mặc trong những phiên đàm phán tại Hội nghị Paris và trong những hoạt động đối ngoại sau này, luôn để lại ấn tượng khó quên trong mắt bạn bè quốc tế.

Có thể nói, không chỉ là trang phục truyền thống, áo dài còn là chứng nhân cho lòng yêu nước, sự kiên cường và những đóng góp thầm lặng nhưng vĩ đại của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc. Áo dài đã, đang và sẽ mãi mãi là một trong những biểu tượng đẹp trong giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện sức sống mãnh liệt, bản lĩnh và tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Ngày 12/4/2025, tại Bảo tàng Hà Nội đã khai mạc triển lãm “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh”. Đây là triển lãm chuyên đề do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Công ty TNHH Mind Group tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” là một hành trình ngược dòng lịch sử, tái hiện hình ảnh chiếc áo dài, biểu tượng của phụ nữ Việt Nam qua những năm tháng chiến tranh gian khó.