Thư gửi người xưa, nhắn người nay và lời hồi đáp giữa hai thế hệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thời chiến, những bức thư là nhịp cầu kết nối giữa tiền tuyến và hậu phương, là nơi người chiến sĩ gửi gắm, bày tỏ tâm tư, tình cảm. Đến khi hòa bình, những lá thư ấy lại trở thành sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa người lính nằm lại nơi chiến trường và người được sống trong thời bình. Thông qua những dòng thư, thế hệ hôm nay không chỉ thấu hiểu những hy sinh, mất mát của cha ông mà còn nuôi dưỡng lòng biết ơn, niềm tự hào và nguyện sống thật xứng đáng, như một lời hồi đáp gửi lại thế hệ đi trước.
Những lá thư thời chiến được nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm. (Ảnh: Nhà văn Đặng Vương Hưng)
Những lá thư thời chiến được nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm. (Ảnh: Nhà văn Đặng Vương Hưng)

Những lá thư nhuốm màu khói súng

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng dường như vẫn còn mãi với thời gian qua những kỷ vật chiến tranh vô giá. Từ tấm huy chương, tờ giấy chứng nhận, cây bút hay bức ảnh đã úa màu,… tất cả đều gợi lên bao cảm xúc, suy tưởng về thời mưa bom, đạn lửa. Đặc biệt, trong đó có những bức thư nhuốm màu khói súng không chỉ chất chứa bao tâm tư, tình cảm mà còn là minh chứng sống động cho sức mạnh tinh thần và lý tưởng sống cao đẹp của một thế hệ con người Việt Nam đã góp phần làm nên chiến thắng ngày 30/4/1975.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có khoảng 200 hiện vật gốc và hơn 1.000 hiện vật dự trữ liên quan đến thư từ, nhật ký do cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng gia đình, người thân viết trong chiến tranh. Những tài liệu quý giá này được chia thành ba nhóm chính, thư từ chiến trường gửi về hậu phương, thư từ hậu phương gửi ra chiến trường và thư từ phía bên kia chiến tuyến gửi về. Trong đó, để lại nhiều cảm xúc nhất có lẽ là những bức thư từ chiến trường gửi về hậu phương. Mỗi bức thư mang trong mình một hoàn cảnh, một tâm thế, một cảm xúc riêng nhưng tất cả đều phản ánh chân thực cuộc chiến đấu gian khổ và chất chứa những tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ thương tha thiết gửi về hậu phương. Những dòng thư cũng là lời động viên, nhắn nhủ người thân hãy vững lòng nơi quê nhà để các anh nơi chiến trường vững tay súng, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, quyết tâm chiến đấu vì ngày toàn thắng.

Tiêu biểu như lá thư gửi vợ trước khi lên chiến trường Tây Nguyên chiến đấu tháng 4/1968, Thượng úy Đỗ Sâm, phòng Pháo binh, Bộ Tham mưu Quân khu 5 động viên: “Em hãy tự hào có một người chồng xứng đáng đang ở trên tuyến đầu tiêu diệt kẻ thù của Tổ quốc và em hãy luôn xứng đáng là một người vợ đáng để anh suốt đời mến phục”. Hay những lời căn dặn của người lính Ngô Bích Sen (quê xã Đông Xuân, huyện Kim Anh, Vĩnh Phúc nay là Sóc Sơn, Hà Nội) với người vợ trẻ trước ngày ra trận tháng 11/1973: “Hãy nhớ lời anh dặn em ơi. Nuôi con mình tới ngày vào lớp một. Ai thương yêu thì em bước tiếp. Thế là em trọn với anh rồi…”.

Không chỉ có những lời yêu thương gửi vợ, gửi con, còn có cả những dòng thư tha thiết gửi về cho cha mẹ - những người luôn đau đáu lo lắng, dõi theo bước chân con nơi chiến trường khốc liệt. Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam có lưu giữ lá thư viết tay rất đặc biệt của chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Đại đội 552 Thanh niên xung phong Hà Tĩnh viết ngày 19/7/1968. Đây cũng là bức thư cuối cùng mà chị Tần gửi cho mẹ, vì đâu ai ngờ được rằng chỉ 5 ngày sau, chị và 9 đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc.

Xúc động lá thư gửi mẹ của chị Võ Thị Tần trước ngày hy sinh. (Ảnh: ST)

Xúc động lá thư gửi mẹ của chị Võ Thị Tần trước ngày hy sinh. (Ảnh: ST)

Trong bức thư trước ngày hy sinh chị Tần viết: “… Mẹ của con, thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước, mẹ chắc là lo cho chúng con lắm. Nhưng không, mẹ đừng lo, ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm giặc Mỹ thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con mẹ ạ…”. Qua lời kể của chị Tần, dường như sự khốc liệt của chiến tranh đã được chuyển hóa thành niềm vui tự lúc nào. Có lẽ, đây là cách để “Cô gái mở đường” xoa dịu nỗi lo, làm yên lòng người mẹ nơi hậu phương.

Nổi bật trong số những bức thư từ chiến trường, còn có một bức thư đặc biệt gửi tới những người đang sống. Đó là bức thư của 3 chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội Ký Con, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam, những người đã anh dũng ngã xuống giữa cánh rừng nguyên sinh nơi thượng nguồn sông Đồng Nai. Biết rằng thời khắc cuối cùng đang đến gần, các anh đã dồn chút sức lực cuối cùng để viết nên những dòng thư tay kể lại cuộc chiến đấu gian khổ những ngày qua, sự hy sinh của đồng đội; gửi gắm tình cảm thân thương da diết đến bố mẹ, vợ con, người thân, quê hương; bày tỏ niềm tin mãnh liệt vào ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng.

Và cuối cùng là để lại đôi dòng gửi tới những người đang sống: “…Gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ, công bằng…”. Là những người hiểu rõ thế nào là sự hi sinh, cống hiến cho Tổ quốc, cho đồng bào cũng như thấm thía cái giá của sự bình yên hôm nay, phải chăng các anh đã để lại những dòng thư như thông điệp nhắn gửi thế hệ mai sau hãy sống thật ý nghĩa.

Lời hồi đáp đến từ lòng biết ơn, niềm tự hào

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những bức thư thời chiến mãi là minh chứng lịch sử vô cùng sinh động về lý tưởng cống hiến cho đất nước của cả một thế hệ khi tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa cùng tình yêu đất nước. Đặc biệt, những bức thư này không chỉ chứa đựng giá trị sâu sắc trong thời chiến mà còn giữ nguyên ý nghĩa thiêng liêng trong thời bình. Đây chính là những chứng nhân lịch sử, giúp người đọc hình dung phần nào về sự khốc liệt của chiến tranh. Đồng thời là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa người lính nằm lại nơi chiến trường và người được sống trong thời bình. Những dòng thư giúp thế hệ hôm nay thấu hiểu những hy sinh, mất mát của cha ông, từ đó nuôi dưỡng lòng biết ơn, niềm tự hào.

Có lẽ vì thế mà đã 50 năm trôi qua nhưng không khí hào hùng của một thời oanh liệt như vẫn còn đây, không ngừng sục sôi và “truyền lửa” đến lớp trẻ hôm nay. Dấu ấn hào hùng của “Ngày đại thắng” đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ, tiếp thêm động lực để thế hệ trẻ Việt Nam không ngừng học tập, rèn luyện và cống hiến. Nhiều bạn trẻ nhận thức sâu sắc rằng, nếu thế hệ cha ông đi trước đã “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, thì thế hệ đương đại phải có nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.

Dù không được sống trong thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy, nhưng Minh Thư (25 tuổi, Hà Nội) vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động mỗi khi đọc những bức thư của người lính Cụ Hồ: “Qua từng câu chữ, ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh như vẫn còn nguyên vẹn, sống động và hòa quyện thành một bản hùng ca bất diệt. Với tôi và nhiều bạn trẻ khác, những sử liệu thiêng liêng này là ngọn lửa soi sáng phẩm giá con người, là lời nhắn nhủ sâu sắc, nhắc chúng tôi phải sống có trách nhiệm hơn, không ngừng nỗ lực vun đắp cho một Việt Nam giàu đẹp.”

Cùng chung dòng cảm xúc với Minh Thư còn là hàng triệu thanh niên Việt Nam, những người trẻ mang trong mình lòng biết ơn sâu sắc và niềm tự hào với thế hệ cha ông. Chính những tình cảm chân thành ấy cùng với khát vọng vươn lên đã trở thành nguồn động lực to lớn, thôi thúc thế hệ trẻ không ngừng trau dồi tri thức, rèn luyện đạo đức, bản lĩnh và kỹ năng, để sẵn sàng tiếp bước cha ông, nỗ lực cống hiến và viết tiếp những trang sử vàng rực rỡ cho dân tộc Việt Nam.

Có thể khẳng định, những bức thư “đi cùng năm tháng” đã mang theo sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của cha ông, lan tỏa đến tận lớp trẻ hôm nay. Với lòng biết ơn sâu sắc và niềm tự hào cháy bỏng, tin chắc rằng thế hệ hôm nay nguyện sống thật xứng đáng, như một lời hồi đáp gửi lại thế hệ đi trước. Giống như nhà văn Hoàng Trung Thông đã từng viết: “Ta lại viết bài thơ trên báng súng/Con lớn lên viết tiếp theo cha/Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống/Người hôm nay viết tiếp người hôm qua”.