“Giữ lấy đức tin bền vững em ơi”
Đọc chương bà Nguyễn Thị Bình viết về chuyện tình yêu của bà rất ngắn, nhưng sâu đậm và tươi tràn hy vọng. Bà nói rằng: “Tôi là người hạnh phúc khi có một gia đình ấm áp và một người chồng làm “hậu phương” cho tôi “ra trận”.
Theo hồi ký, bà Bình cho biết gia đình bà chuyển sang Campuchia năm bà 16 tuổi. Cha bà lúc đó làm ở Cơ quan Trắc địa, mẹ bà Bình cũng mất lúc bà 16 tuổi trên đường đưa từ Campuchia về Sài Gòn do sinh đẻ nhiều, bệnh tật: “Mẹ tôi sinh 7 lần, một em bị bệnh mất, nên còn sáu chị em”. Bà Bình là con cả trong gia đình. Bà kể rằng trong các thực tập viên có anh Đinh Khang, trẻ tuổi, mê chơi thể thao, nên bà và anh Khang thường gặp nhau ở sân bóng rổ. “Tình cảm giữa chúng tôi nảy nở, ngày thêm mặn nồng. Nhưng ba tôi rất thận trọng vì chưa biết rõ gia đình anh Khang; mặt khác, ba cũng muốn tôi được học đến nơi đến chốn đã. Lúc đó tôi cũng có một số bạn trai, nhưng tình yêu tôi chỉ dành cho anh Khang. Chúng tôi đã hứa hẹn với nhau...”, bà Bình cho biết trong cuốn hồi ký.
![]() |
Anh Khang trở về Sài Gòn trước tham gia Việt Minh. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bà Bình cũng về lại Sài Gòn và đi tìm người mình yêu. Năm 1946, họ gặp nhau ở đền thờ cụ Phan (Phan Chu Trinh, ông ngoại của bà Bình). Họ quấn quýt với nhau được mấy tháng khi anh Khang ở lại nhà bà thì anh lại ra Bắc: “Trước khi đi, anh nói với tôi: “Anh phải ra Bắc tham gia vào quân đội Việt Minh, ở đó anh có nhiều bạn bè, tình hình ở trong Nam phức tạp khó biết làm gì”. Bà Bình hẹn sớm gặp lại anh Khang, nhưng mãi tới 9 năm sau khi bà Bình ra Bắc tập kết (năm 1954), hai người mới hội ngộ, tương phùng.
“Suốt 9 năm dài đó, tôi chỉ nhận được của anh vỏn vẹn mấy chữ: “Chúc em và gia đình an toàn, khỏe mạnh”. Một dòng chữ viết trên mảnh giấy nhỏ, nhàu nát do một cán bộ từ Trung ương vào Nam chuyển cho, có thể xem là một bức thư. Dù sao tôi cũng rất vui vì biết anh còn sống, còn nghĩ đến tôi”, bà Bình tâm sự.
Mối tình xa cách địa lý, thư từ, điện thoại lại không có, khiến lãnh đạo cũng quan tâm, bà Bình cho biết là đã có lời khuyên cân nhắc “có nên đợi nhau”, vì không biết lúc nào có hòa bình, kháng chiến thắng lợi, nhưng bà Bình vẫn nhất quyết tin yêu vào người mình đã chọn, dù cuộc kháng chiến có trường kỳ: “Tôi tự nhủ nếu có ai mà tôi yêu hơn anh Khang thì tôi sẽ tính, còn quả thật tới lúc đó trong lòng tôi vẫn chỉ có anh duy nhất”.
Năm 1949, có đoàn cán bộ từ Nam ra Bắc hỏi bà có đi cùng không, nhưng bà không đi vì bà nghĩ đến các em trong gia đình cần bà lúc đó. Mãi tới khi Hiệp định Geneve được ký kết, bà Bình ra Bắc và gặp lại anh Khang và ba mình: “Trước đó ba tôi báo cho tôi biết là anh Khang “chưa có vợ”, công tác ở ngành công binh. Tôi vô cùng xúc động khi nhận ra anh trong quân phục màu xanh lá cây, trầm ngâm nhìn tôi. Anh khẽ hỏi “Em khỏe không?” Chắc anh thấy tôi gầy, vì tôi mới ra tù vài tháng. Không bao giờ tôi có thể quên những giây phút đó”, bà Bình bồi hồi.
Sau đó họ có một đám cưới ấm áp thời chiến tại phố Đinh Lễ. Ba của bà Bình đã chuẩn bị một bài phát biểu tình cảm, chúc cho hai con “đầu bạc răng long”. Trong cuốn hồi ký của bà đã rất xúc động về câu chuyện tình yêu trắc trở nhưng đầy tin yêu: “Tôi là người hạnh phúc. Tôi đã lấy được người mình yêu và đó cũng là mối tình đầu. Vì công tác, anh Khang và tôi thường xa nhau. Nhưng tình nghĩa giữa chúng tôi đã giúp tôi đứng vững và hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1956, tôi sinh cháu Thắng, năm 1960, sinh cháu Mai”.
Quả là một tình yêu đẹp của thời chiến, như những khúc “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt hay “Bài ca hy vọng” của Văn Ký. Tình yêu chân thành đã mang đến dư vị ngọt ngào trong biến động lịch sử.
Một di sản sống động
Cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” của bà Nguyễn Thị Bình tái hiện cuộc đời của bà, một nhân chứng sống đã tham gia, chứng kiến những chuyển biến thăng trầm của lịch sử, từ thời thơ ấu cho đến khi tham gia hoạt động cách mạng, những dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cả khi đã nghỉ hưu.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Bình và biên tập viên Nguyễn Phương Loan. (Ảnh: NVCC) |
Cuốn sách được bà Nguyễn Thị Bình bắt tay viết từ năm 2007, hoàn thành vào cuối năm 2009 và được bổ sung, chỉnh sửa qua các năm 2013, 2014, 2023. Từng trang hồi ký được thể hiện bằng ngôn từ giản dị, rất đời thường, nhưng lay động người đọc về một thế hệ dấn thân cho cách mạng.
“Sau khi cuốn sách được hoàn thành, tôi cảm thấy mình đã khác. Không chỉ là người biên tập, tôi thấy mình mang một trách nhiệm: làm giàu, làm sống động văn hóa, lịch sử, tri thức của dân tộc bằng trái tim, để lịch sử không còn xa lạ, mà trở nên gần gũi và truyền cảm hứng. Qua những cuộc trò chuyện với bà, tôi hiểu rằng trong quan điểm của bà, di sản lớn nhất của ngày 30/4/1975 không phải là chiến thắng quân sự, mà là cơ hội để xây dựng một đất nước hòa bình, thống nhất và phát triển. Đó là trách nhiệm của không chỉ thế hệ bà mà còn của các thế hệ tiếp theo”, chị Nguyễn Phương Loan, biên tập viên cho bản in lần một cuốn hồi ký đã chia sẻ hành trình đồng hành cùng bà Nguyễn Thị Bình qua tác phẩm này.
Chị Loan cho biết cái duyên đến với cuốn hồi ký nhiều giá trị lịch sử này và mang đến cho chị nhiều suy nghĩ tích cực: “Tôi không đến với bà để chỉ góp nhặt, chỉnh sửa ngôn từ, dựng những trang viết thành hình, thành khối. Tôi đến để hiểu thêm về tinh thần lãnh đạo không khuất phục, về sự đổi mới trong cả thời chiến lẫn thời bình và về những điều bà - cũng như cả thế hệ bà để lại cho chúng ta sau ngày 30/4/1975. Đó là một di sản sống động - vừa riêng tư, vừa rộng lớn, vừa sâu lắng như một dòng sông chưa bao giờ ngừng chảy”.
Nói về ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, biên tập viên Nguyễn Phương Loan nhìn nhận qua những tháng ngày gần gũi bên bà, lắng nghe câu chuyện bà kể: “Qua cách bà kể, tôi cảm nhận được rằng trong khoảnh khắc ấy, bà Bình nhìn ngày 30/4 không chỉ là điểm kết của chiến tranh, mà là điểm khởi đầu cho hành trình của hòa bình và đoàn kết dân tộc. Qua những trang hồi ký, tôi hiểu rằng bà và thế hệ của bà đều ý thức sâu sắc rằng chiến thắng mới chỉ là bước đầu. Phía trước còn là cả một chặng đường dài để xây dựng lại đất nước”...
Nguồn ảnh: NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
Bà Nguyễn Thị Bình là một trong những nữ lãnh đạo xuất sắc và kiên cường của Việt Nam. Trong lịch sử ngoại giao thế giới, Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc hội đàm kéo dài ngày nhất, từ năm 1968 đến năm 1973. Hội nghị có 4 trưởng đoàn, trong đó có duy nhất một nữ trưởng đoàn - bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao -Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Bà được giới truyền thông gọi là “Madame Bình”. Để có được chiến thắng ngoại giao mang tính lịch sử này, cùng với sự đóng góp, hi sinh của cả dân tộc Việt Nam, không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Bình - một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định này.