'Áo mới' cho Đồng Nai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội nghị công bố quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai vừa diễn ra, là một sự kiện vô cùng quan trọng với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Đồng Nai.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhắc về thế mạnh Đồng Nai, có thể kể ra rất nhiều yếu tố: Là vùng đất văn hóa lịch sử lâu đời ở phương Nam; quá trình hình thành và phát triển gắn với các bậc hiền tài, danh nhân nhiều thế hệ. Diện tích lớn với 5.863km2, vị trí địa lý chiến lược quan trọng, là cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ - Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung; có đầy đủ đường bộ, đường sắt, đường thủy, sân bay Long Thành.

Đồng Nai dẫn đầu cả nước về sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi quy mô công nghiệp; là “thủ phủ công nghiệp” với số lượng khu công nghiệp nhiều nhất nước (32 khu công nghiệp, 36 cụm công nghiệp); thu hút FDI lớn (gần 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư gần 37 tỷ USD), có quy mô công nghiệp chế biến, chế tạo lớn nhất cả nước.

Đồng Nai còn có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa; là “lá phổi xanh” của Đông Nam Bộ với Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai 756.000ha có nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Đặc biệt, Đồng Nai có nguồn lực lao động dồi dào cho phát triển kinh tế với 3,3 triệu dân, đứng thứ 5 cả nước.

Phát huy những thế mạnh trên, những năm qua, Đồng Nai đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, quy mô nền kinh tế tăng mạnh, liên tục duy trì vị trí trong nhóm 10 địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Đồng Nai cũng là tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhưng một số thế mạnh của Đồng Nai đã phát triển tới ngưỡng được đánh giá cực đại. Một số đặc điểm như diện tích rộng, nhiều diện tích rừng, dân cư phân tán không đồng đều, số người nhập cư nhiều... cũng có thể có mang đến một số ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài một số “ngôi sao sáng” như Nhơn Trạch, Biên Hòa... thì Đồng Nai còn một số xã huyện vùng rừng núi còn có những khó khăn, cách trở.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định bên cạnh rất nhiều thành tựu thì quy mô nền kinh tế của Đồng Nai còn có điểm chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược; chất lượng tăng trưởng, việc phát triển các khu công nghiệp chuyên biệt, tỉ lệ lao động qua đào tạo cần nâng cao hơn nữa.

Cũng như khi Phù Đổng vươn vai, thì “chiếc áo cũ” đã chật. Để phát triển hơn nữa, Đồng Nai cần một “tấm áo mới”. Bản quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của tỉnh chính là “tấm áo mới” cho Đồng Nai, với 3 vùng động lực, trong đó hạt nhân là chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai gồm Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch; 3 tuyến vành đai; 6 tuyến hành lang sông, đường cao tốc, QL1, đường sắt Bắc - Nam; 6 trụ cột phát triển hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, du lịch đô thị dịch vụ, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển TP sân bay Long Thành, kinh tế số - xanh - tuần hoàn, nhân lực chất lượng cao...

Thủ tướng đánh giá Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xác định quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá; có giải pháp, chính sách ưu đãi và nguồn lực thực hiện quy hoạch trong thời gian tới. “Đây là sản phẩm kết tinh trí tuệ của Đồng Nai, các nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhân dân và của cả nước, bản quy hoạch tốt để "kết nối, hội nhập và cất cánh”, Thủ tướng đánh giá.

Đồng thời với phát huy tinh thần “3 cùng”: “Cùng lắng nghe, thấu hiểu”; “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”; “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển”; tin rằng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Đồng Nai nhất định sẽ đạt được những bước phát triển ở tầm cao mới, như Thủ tướng kỳ vọng là “không ngừng phấn đấu đi đầu tiên phong”.

Đọc thêm