Áp lực giữ chân trên 'sân nhà' của doanh nghiệp Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều doanh nghiệp sau khi “bôn ba” chinh phục thành công các thị trường quốc tế đã quay lại chinh phục thị trường nội địa khi xu hướng lựa chọn hàng Việt đang ngày càng gia tăng.
Hàng Việt ngày càng đối mặt với nhiều cạnh tranh. (Ảnh: PV)
Hàng Việt ngày càng đối mặt với nhiều cạnh tranh. (Ảnh: PV)

Nhìn từ câu chuyện ngành dệt may

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu (XK) lớn, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 44 tỉ USD. Đây là một trong những ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam không chỉ đẩy mạnh XK mà còn phục vụ thị trường trong nước.

“Trên thế giới, trong đó có nhiều nước phát triển, có rất nhiều sản phẩm made in Việt Nam, đa dạng từ may mặc, da giày, thuỷ, hải sản,… đến nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Đây cũng là niềm tự hào hàng Việt Nam. Nhưng chúng tôi thường nhận được câu hỏi vì sao dệt may thường tập trung vào XK mà quên đi thị trường nội địa” - ông Cẩm chia sẻ và khẳng định, ngành dệt may không quên đi thị trường nội địa. Nói đúng hơn là năng lực sản xuất của ngành hiện nay vào khoảng 50 tỉ USD, trong đó khoảng 85 - 87% là XK, còn lại phục vụ thị trường trong nước.

Phân tích về nguyên nhân tỷ trọng trong nước thấp, ông Cẩm cho rằng, nếu chỉ tập trung vào thị trường trong nước thì dung lượng thị trường quá nhỏ so với năng lực sản xuất. Vì vậy, ngành dệt may vừa khai thác các thị trường XK có tiềm năng, vừa tập trung vào phục vụ thị trường trong nước.

Theo Phó Chủ tịch Vitas, ngành dệt may Việt Nam phải đi bằng hai chân, không chỉ tập trung vào thị trường quốc tế hay trong nước bởi thị trường nội địa cũng đang có sức hút lớn với dự kiến năm 2024 thu nhập bình quân đầu người tăng sẽ lên 4.700 USD/người/năm. Ước tính, nếu khoảng 15% thu nhập của người dân dành cho tiêu dùng thì dung lượng của thị trường nội địa sẽ đạt khoảng 7 tỉ USD vào năm sau.

Thách thức trong bối cảnh hội nhập

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam khẳng định, thị trường tiêu dùng nội địa là một trong những lĩnh vực quan trọng, luôn biến động, vô cùng đa dạng và là động lực của nền kinh tế Việt Nam. Các xu hướng tiêu dùng thường phản ánh những thay đổi về nhu cầu, sở thích, thói quen và giá trị của người tiêu dùng. Việc nắm bắt và đáp ứng các xu hướng tiêu dùng là yếu tố then chốt để doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có thể cạnh tranh và phát triển ở mọi thời điểm và bất cứ quốc gia nào.

Tuy nhiên, bà Thủy lưu ý, hiện nay, với xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt là việc bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), áp lực cạnh tranh về hàng hóa ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Trong khi đó, bản thân người tiêu dùng, ở bất kỳ đâu cũng có thể mua hàng hóa chỉ cần lướt mạng Internet và việc đặt hàng từ các trang TMĐT quốc tế ngày càng trở nên phổ biến và thông dụng hơn.

Với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm đánh giá, thời điểm này, hàng Việt đang có nhiều lợi thế ở thị trường nội địa, tuy nhiên “thị trường nội địa không chỉ toàn là cơ hội, các doanh nghiệp dệt may cũng gặp nhiều thách thức khi phát triển trong nước”. Hàng may mặc Việt Nam phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu,… Những hàng hoá này khi thâm nhập vào Việt Nam thậm chí còn có thể được thay đổi nhãn mác, đánh lừa người tiêu dùng.

Đáng chú ý, theo bà Lê Việt Nga, nhiều mặt hàng ngoại nhập đang có xu hướng chuyển dịch mạnh vào tiêu thụ tại thị trường nội địa sau khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU) chính thức có hiệu lực. Điều này cũng là thách thức rất lớn đối với hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập chung.

Bên cạnh đó, nhiều chuỗi bán lẻ nước ngoài cả trực tuyến và trực tiếp đã tích cực đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng vật lý, kho hàng hóa tại Việt Nam để phân phối hàng ngoại nhập nhất là mỹ phẩm, hàng thời trang (dệt may, da giày), thực phẩm chức năng và thực phẩm cao cấp, đồ nội thất và gia dụng, sản phẩm phục vụ mẹ và bé…

Bộ Công Thương nhận định, tỉ trọng hàng ngoại nhập trong hệ thống phân phối, đặc biệt là kênh TMĐT xuyên biên giới, nhiều khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam đã có nhiều thay đổi.

Bà Nga đánh giá, Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ nhưng đây cũng là thời cơ để các doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh phân phối trong nước cho hàng Việt Nam XK; Tìm chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt Nam có chất lượng và thương hiệu quốc gia, các sản phẩm chủ lực của các địa phương… Doanh nghiệp Việt cũng đã có và cách tiếp cận thị trường bài bản hơn, để từng bước chiếm lĩnh và giữ được “sân nhà”.

Đọc thêm