Áp lực “kép” nửa đầu năm của ngành Du lịch Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nửa đầu năm 2024 sắp qua đi, để lại nhiều số liệu tích cực, hứa hẹn một năm khởi sắc của ngành Du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, vẫn còn hai áp lực chính đang bủa vây ngành này là “cơn khát” khách du lịch của doanh nghiệp và “bài toán” về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngành Du lịch Việt Nam cần khắc phục áp lực “kép” để bứt phá. (Ảnh minh họa: - Nguồn: Hồ Tùng Phương)
Ngành Du lịch Việt Nam cần khắc phục áp lực “kép” để bứt phá. (Ảnh minh họa: - Nguồn: Hồ Tùng Phương)

“Cơn khát” khách du lịch

Trong hơn nửa đầu năm 2024, du lịch Việt Nam có nhiều dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ, hứa hẹn sự phát triển trở lại của ngành Du lịch. Tuy nhiên, các hãng du lịch Việt Nam vẫn trong tình trạng “đói” khách. Đây được đánh giá là một nghịch lý giữa số liệu và thực tế.

Điều này do phần lớn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đều đi theo kiểu tự túc, không mua các tour du lịch trọn gói. Họ chủ yếu hướng đến sản phẩm du lịch nhỏ lẻ như thuê xe, thuê khách sạn, nhà nghỉ, thuê các dịch vụ hướng dẫn viên... không mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Vì vậy, dù lượt khách đến liên tục tăng, nhưng các công ty du lịch - lữ hành lại thu rất ít lợi nhuận.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, xu thế du lịch có nhiều biến chuyển. Theo một số nghiên cứu, Việt Nam chưa phải điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu, châu Mỹ,... Phần lớn khách Nhật Bản đến Việt Nam đều là các doanh nhân đi làm ăn, công tác. Còn khách du lịch Trung Quốc dù có sự tăng trưởng lại sau thời gian dài “đóng băng” do đại dịch COVID-19, nhưng vẫn chưa thực sự “bùng nổ” như hy vọng.

Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho biết ngành Du lịch luôn đòi hỏi sự linh động, sáng tạo, tuy nhiên các cơ chế Việt Nam vẫn còn cứng nhắc, chưa thật sự hấp dẫn, thu hút khách quốc tế và khách hạng sang đến lưu trú dài ngày như một số nước khác thuộc khối ASEAN.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình nhận định, muốn thu hút khách cần có sản phẩm phù hợp. Muốn vậy, phải có chính sách thích hợp, trong khi lâu nay, việc triển khai chính sách ở nước ta rất chậm và khó, khiến ngành Du lịch gặp nhiều khó khăn. Nếu lạc hậu về chính sách sẽ luôn luôn tụt hậu, bao gồm cả trong việc xúc tiến du lịch.

“Khoảng trống” về nguồn nhân lực

Xu hướng phát triển du lịch trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều biến động mạnh mẽ. Các loại hình du lịch ngày càng đa dạng hơn, từ du lịch tự túc, bao trọn tour, du lịch biển, du lịch dài ngày, ngắn ngày... Theo ước tính của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vào năm 2025 sẽ cần đến 800 nghìn lao động tại các điểm cư trú, trong khi các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo ngành Du lịch cho ra mỗi năm khoảng 20 nghìn sinh viên. Đây là một con số rất hạn chế so với nhu cầu.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy nhận định, việc thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đang gây cản trở đáng ngại cho việc phát triển du lịch Việt Nam. Hiện tại, nguồn lao động chính của ngành Du lịch Việt Nam chủ yếu là những “người tay ngang” từ các đại học Ngoại ngữ chuyển sang hoặc các lao động tự phát. Đa phần nguồn lực này đều không được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản như các sinh viên cao đẳng, trung cấp, đại học.

Mặt khác, các trường đào tạo về du lịch vẫn còn “bảo thủ” trong chương trình đào tạo, không đổi mới, sáng tạo để sinh viên bắt nhịp với thực tế thị trường lao động. Vì vậy, dẫn đến sản phẩm du lịch chưa được tốt, đặc biệt, khả năng ngoại ngữ, giao tiếp, ứng xử của nhân viên mới phải được các công ty đào tạo lại, hỗ trợ lại rất nhiều.

Áp lực chồng áp lực, khi nguồn nhân lực mới chưa được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, đứng trước “cơn khát” nhân lực, nhiều công ty du lịch - lữ hành đã bắt đầu tuyển dụng lao động người Phillipines, Indonesia, Thái Lan,... năng suất lao động của họ tại các khách sạn, công ty du lịch được đánh giá cao hơn nhân viên người Việt Nam. Ghi nhận thực tế cho thấy, không ít các điểm lưu trú hạng sang (từ 4 đến 5 sao) ở Việt Nam hiện sử dụng nhân lực có quốc tịch ngoại quốc, thuộc khối ASEAN. Đây là nguồn lao động được đánh giá có nhiều lợi thế về ngoại ngữ và kinh nghiệm lâu năm làm việc trong các môi trường du lịch chuyên nghiệp.

Đọc thêm