Đây là một trong những nội dung được nêu tại Nghị định 96 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa được Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 202 và 95.
Ngoài ra, mức tiền phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng cũng được áp dụng đối với các hành vi như: để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo; lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy giao dịch tự động không đúng quy định; đặt máy tại nơi có hệ thống điện không đáp ứng quy định để máy giao dịch tự động nuốt thẻ của khách hàng khi mất điện đột ngột; không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống máy giao dịch tự động; không duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng để khách hàng liên hệ bất cứ lúc nào…
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật cũng sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.
Đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền, Chính phủ quy định mức phạt 100 triệu đến 150 triệu được áp dụng với việc thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả; cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác…
Trong hoạt động kinh doanh vàng, mức phạt tiền từ 30 triệu đến 60 triệu đồng áp dụng cho hành vi không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; khối lượng, hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ tại địa điểm giao dịch; hoặc có niêm yết giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng nội dung không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Nếu kinh doanh mua, bán vàng hoặc mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh không đúng quy định bị phạt đến 120 triệu đồng. Kinh doanh vàng miếng trái phép bị phạt đến 500 triệu đồng.