Mỗi ngày có 3-4 vụ trẻ em bị xâm hại
Mới chỉ trong ba tháng đầu năm đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trong khi các gia đình trên cả nước đang sum họp ăn tết thì em nữ sinh ở Điện Biên bị một nhóm côn đồ dùng thủ đoạn bắt cóc, hãm hiếp trong nhiều ngày và cuối cùng giết hại dã man. Câu chuyện chưa kịp lắng xuống thì đầu tháng 3, lại xảy ra vụ thầy giáo ở Bắc Giang dâm ô hàng loạt học sinh tiểu học.
Liên tiếp sau đó là vụ cháu gái 9 tuổi bị hiếp dâm trên đường đi học về và vụ người đàn ông tấn công tình dục một cô gái đi cùng thang máy ở một chung cư tại Hà Nội. Gần như cùng một lúc là vụ thầy giáo gạ tình học sinh ở Thái Bình rồi đến vụ nữ sinh ở Quảng Trị bị hiếp dâm tập thể bởi một nhóm nam sinh. Chưa kể vụ việc một bé gái ở Cà Mau bị người bán vé số sờ soạng cơ thể khi đang nằm trên võng.
Đầu tháng 4, một bé gái ở Đắk Lắk cũng bị gã hàng xóm cho tay vào người sờ mó sau khi đưa cho bé 50 ngàn đồng. Tiếp đó là câu chuyện cháu bé 9 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh trở thành nạn nhân của một vụ tấn công tình dục khác trong khi đi cùng thang máy.
Ngay sau đó, báo chí đưa tin một cháu gái ở Bắc Giang bị cha đẻ xâm hại tình dục suốt 4 năm liền, từ khi cháu mới học lớp 4. Và kinh hoàng 1 ông lão 81 tuổi ở Móng Cái dâm ô nát tử cung một bé gái hàng xóm mới… 14 tháng tuổi…
Và theo thống kê của Bộ Công an, chỉ riêng năm ngoái, đã có đến 1.269 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 trẻ em. Có đến 425 em bị hiếp dâm, 606 em bị giao cấu, 232 em bị dâm ô. Một con số khủng khiếp bởi mỗi ngày trung bình có đến 3 -4 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, và đó cũng chỉ là những vụ bị phát hiện, xử lý mà thôi chứ chưa kể đến những vụ chưa bị phát hiện.
Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Chủ tịch Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam thì những con số thống kê ấy hay những vụ việc được dư luận biết đến thời gian qua vẫn chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Vẫn còn rất nhiều trường hợp, câu chuyện đau lòng chưa được nói ra. “Một nghiên cứu của tổ chức ActionAid ở TP HCM và Hà Nội trên 2.000 người cho thấy có đến 87% nói rằng họ đã ít nhất một lần bị quấy rối tình dục nhưng phần lớn họ không dám lên tiếng tố cáo.
Và hiện sau gần ba tuần, cư dân mạng vẫn đang đếm từng ngày, khi nghi phạm Nguyễn Hữu Linh vẫn chưa bị xử phạt. Vì sao cộng đồng mạng lại sục sôi phẫn nộ hơn cả vụ án Nguyễn Khắc Thủy ở Bà Rịa -Vũng Tàu hay vụ 10 thanh thiếu niên hiếp dâm tập thể một nữ sinh 14 tuổi, dù mức độ nghiêm trọng là thua xa?
Sự phẫn nộ của dư luận có lẽ bắt nguồn từ “giọt nước tràn ly”: Án phạt 200.000 đồng đối với kẻ xâm hại tình dục một cô gái trong thang máy hay vụ một ông thầy sờ mông, sờ đùi hàng loạt học sinh mà không hề bị xử phạt. Hơn nữa, nghi can trong nghi án xâm hại tình dục trẻ em lần này lại là một cựu quan chức hành nghề lâu năm trong ngành pháp luật.
Trong khi đó, ở các nước tiên tiến như nước Pháp, việc xúc phạm đến sự bẽn lẽn, ngây thơ và xâm hại tình dục bị xem là một trọng tội và kẻ thủ ác có thể bị kết án từ 15 - 20 năm tù khổ sai. Luật pháp nước ta trong những trường hợp này dường như chỉ đợi đến “mất bò mới lo làm chuồng”.
Mới đây, sau những bức xúc, phẫn nộ của dư luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhanh chóng ra chỉ thị yêu cầu các đơn vị công an điều tra và đưa ra xét xử những vụ án điểm tội xâm hại tình dục trẻ em để có tác dụng răn đe.
“Cưng nựng, đùa giỡn…”… có thoát?
Chia sẻ tại tọa đàm “Thang máy chung cư hay cạm bẫy”? được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, các luật sư, chuyên gia về giới chỉ ra rằng đây chính là hành vi dâm ô, lạm dụng tình dục trẻ em. Luật sư Nguyễn Văn Tú phân tích từ hình ảnh camera cho thấy người đàn ông đáng tuổi ông của em bé cúi xuống ôm, hôn, rồi kéo em bé vào ôm hôn lần 2, đến khi có điện thoại, người này một tay nghe điện thoại, một tay vẫn quàng cổ em bé khi em bé đang tiến ra gần cửa thang máy.
Luật sư Phạm Thuỳ Dương thì bày tỏ sự phẫn nộ trước thông tin người đàn ông này chỉ thừa nhận rằng ông ta “nựng” bé gái. Chưa nói rằng ông ta lại là một người học thức, hiểu biết rất rõ về pháp luật. Vì vậy, việc ông ta giải thích hành động ấy chỉ là nựng bé là sai, đấy chỉ là lời biện minh nhằm nói giảm nhẹ tội cho ông ta”.
|
Phụ huynh đừng để trẻ… đơn độc. Ảnh minh họa |
Còn theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc CSAGA, đây rõ ràng là sự tấn công tình dục. “Ông ta không thể dùng bất cứ mỹ từ nào để thoát tội. Từ “kỳ án 200.000 đồng”, nhiều người đang đặt ra câu hỏi, đối tượng sàm sỡ bé gái trong thang máy sẽ bị xử lý ra sao?
Theo Luật sư Phạm Thùy Dương, 2 hành vi này giống nhau về việc sàm sỡ, chỉ khác nhau ở chủ thể, địa bàn nhưng với nạn nhân là bé gái 5 tuổi thì không thể áp dụng hình phạt như với hành vi ở Thanh Xuân, Hà Nội. Hình phạt sẽ nghiêm khắc, cao hơn vì đây là hành vi dâm ô trẻ em, được quy định trong Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt thấp nhất là 6 tháng đến 3 năm tù, cao nhất là 7 năm tù.
Điều khiến không ít người băn khoăn, dường như gia đình em bé bị sàm sỡ trong thang máy không muốn làm to chuyện bằng việc không tố cáo, thậm chí bãi nại cho kẻ gây ra hành vi dâm ô, như vậy phải chăng nghi can này sẽ thoát tội? Và bao giờ cũng thế, những người vi phạm đưa ra nhiều lý lẽ chối tai để bao biện, đánh tráo khái niệm cho hành vi đồi bại của mình.
Ông cựu Viện phó thì nói chỉ “nựng” bé gái, thầy giáo ở Bắc Giang thì nói chỉ “véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi” chứ không dâm ô. Vụ 7 nam sinh bị thầy giáo sàm sỡ ở Trường THCS Trần Phú - Hoàng Mai được lãnh đạo cho rằng “chỉ là đùa quá” và vẫn điệp khúc quen thuộc “đây là thầy giáo được đồng nghiệp tin yêu”.
Chưa kể bao nhiêu cha mẹ cho rằng“con trai mà, có mất gì đâu”? Bao nhiêu đứa trẻ nam bị xâm hại và không được bảo vệ? Và gần đây nhất, đại diện Sở GD Hà Nội thông báo, gia đình 7 học sinh đã làm đơn xin cho thầy vì những “hiểu lầm”. Và sau 3 ngày bị đình chỉ bởi hành vi “đùa quá”, thầy giáo đã lên lớp trở lại…
Việc chậm xử lý hay xử lý như trên gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người lớn chúng ta, đòi hỏi hệ thống thực thi pháp luật phải làm việc hiệu quả hơn để có tính răn đe tốt hơn. Dù Luật Trẻ em ra đời năm 2016 thể hiện quyết tâm rất cao trong việc chăm sóc cho trẻ em.
Thế nhưng khâu thực thi pháp luật chưa nghiêm đã góp phần làm cho việc phòng ngừa loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em khó khả thi, bằng chứng là cứ vài ngày lại có thông tin liên quan về loại tội phạm này.
“Và những ngày vừa qua, nhiều người cho rằng không kiện hoặc ủng hộ lý lẽ của những gia đình không kiện, không lên tiếng thường viện lý do nạn nhân, nhất là nạn nhân trẻ em, cần quên đi, cần sống tiếp.
Thật ra, trong tiềm thức của họ, đâu đó, vẫn là nỗi sợ hãi sĩ diện hão của gia đình. Họ thậm chí không nhận ra điều này, nên trong lập luận họ luôn nhân danh, luôn dùng nạn nhân để làm bia đỡ. Nhưng thực tế, nạn nhân không thể quên. Không thể sống tiếp. Sự tổn thương sẽ lặn sâu và tàn phá bên trong cho đến một ngày chẳng còn gì để phá. Sự im lặng, che giấu sự việc của gia đình chỉ khiến nạn nhân thêm tổn thương vì không được bảo vệ.
Trong tiềm thức nạn nhân luôn cảm thấy mình có lỗi, là vết nhơ, mất niềm tin vào các giá trị thông thường”, là chia sẻ của một nạn nhân ở Kiên Giang đã bị sàm sỡ bởi nhiều đối tượng ( sỹ quan, thầy giáo, anh rể… ) suốt thời thơ ấu trong nỗi kinh hoàng, đơn độc. Bởi bố mẹ, thầy cô đều im lặng cho qua…
Hãy hành động, đừng chỉ hô hào!
Theo TS Khuất Thu Hồng, có lẽ chưa bao giờ vấn nạn bạo lực tình dục lại trở thành nỗi lo chung của nhiều gia đình đến như vậy. Nỗi lo lắng và bức xúc cứ bị đẩy lên theo mức xử lý nhẹ đến khó hiểu đối với những thủ phạm và tưởng như đã lên đến đỉnh điểm khi kẻ tấn công tình dục trong thang máy chỉ bị phạt 200 ngàn đồng-một mức phạt thấp đến mức khôi hài, đến nỗi không ít báo chí quốc tế cũng phải đưa tin.
Cuối tháng 3 vừa qua, Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam đã mở chiến dịch “Không bây giờ thì bao giờ”, kêu gọi tất cả những người quan tâm đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em hãy cũng đồng hành cùng gửi kiến nghị thư tới Quốc hội về việc sớm sửa đổi Bộ Luật Hình sự theo hướng bổ sung và chi tiết hoá các tội danh bạo lực tình dục và các hướng dẫn thi hành luật cụ thể để luật pháp thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong việc ngăn ngừa và xử lý các tội phạm liên quan đến tình dục chống lại phụ nữ, nam giới và trẻ em.