Ba hình thức trợ giúp pháp lý

(PLVN) - Kế thừa và khắc phục hạn chế của Luật Trợ giúp pháp lý  (TGPL) năm 2006, tại khoản 2 Điều 27 Luật TGPL năm 2017 giữ lại 03 hình thức TGPL, đó là: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng, bỏ quy định “các hình thức trợ giúp pháp lý khác” để bảo đảm hoạt động TGPL đi đúng trọng tâm, bản chất.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Luật đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước tập trung thực hiện vụ việc tố tụng thông qua quy định Trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 02 năm liên tục sẽ bị miễn nhiệm, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan (điểm d khoản 1 Điều 22). Căn cứ vào quy định này, hàng năm Bộ Tư pháp giao chỉ tiêu tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý với 03 mức độ trên cơ sở thâm niên càng nhiều năm thì chỉ tiêu càng cao. “Đạt chỉ tiêu” là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, mức độ “Đạt chỉ tiêu - Khá” và “Đạt chỉ tiêu - Tốt” là căn cứ để xét khen thưởng hàng năm. Ngoài ra, tương tự như Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý hàng năm phải có nghĩa vụ tham gia các khóa tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ TGPL.  

Trước đây, Luật TGPL năm 2006 quy định hoạt động “Tư vấn pháp luật được thực hiện bằng miệng hoặc bằng văn bản; tư vấn trực tiếp, bằng thư tín, điện tín hoặc thông qua phương tiện thông tin khác; thông qua TGPL lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, Câu lạc bộ TGPL và các phương thức khác” (khoản 1 Điều 38). Tuy nhiên, TGPL lưu động là việc người thực hiện TGPL đi đến để tiếp nhận và thực hiện vụ việc TGPL, không phải là hình thức TGPL, còn sinh hoạt chuyên đề pháp luật, Câu lạc bộ TGPL dẫn đến chồng lấn với hoạt động giáo dục, phổ biến pháp luật gây lãng phí nguồn lực con người và tài chính của Nhà nước. 

Vì vậy, Luật đã bỏ quy định “sinh hoạt chuyên đề pháp luật, Câu lạc bộ TGPL và các phương thức khác” và “TGPL lưu động” được hiểu là cách thức tổ chức thực hiện TGPL ngoài trụ sở Trung tâm TGPL nhà nước được quy định tại khoản 1 Điều 28: “Tổ chức thực hiện TGPL bố trí nơi tiếp người được trợ giúp pháp lý tại trụ sở của tổ chức thực hiện TGPL hoặc tại địa điểm khác ngoài trụ sở của tổ chức bảo đảm điều kiện để việc trình bày yêu cầu được dễ dàng, thuận lợi”. Trong quá trình thực hiện Luật, Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nghiệp vụ này để bảo đảm đưa TGPL đến được với người dân. 

Bản chất của hoạt động TGPL là cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho những người yếu thế như: người nghèo, người cận nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em… trong vụ việc TGPL, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Vậy nên, thực hiện TGPL theo đúng bản chất là góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, mà cụ thể là đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và từng đồng tiền thuế của dân đã chi cho công tác này.

Đọc thêm