Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã cùng chồng xây dựng “đế chế” Trung Nguyên như thế nào? (Kỳ 2)

(PLO) - Trong nhiều chuyến đi nước ngoài khác, bà Thảo cũng được dịp tìm hiểu nhiều hơn về Nescafe. Khi về nước bà đã cố gắng thuyết phục ông Vũ tạo ra cà phê hòa tan. Tại thời điểm đó rất nhiều người nghĩ rằng khi đã kinh doanh cà phê chế biến thì sẽ không làm cà phê hòa tan nữa.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Kỳ 2: Nữ tướng phía sau thành công của “vua cà phê” Việt

Có thời điểm cần nguồn tài chính lớn để đầu tư vào Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải bấm bụng bán hết của hồi môn, dồn hết công sức làm việc cho đến khi có được thành công.

Phát triển nhượng quyền khắp cả nước

Để đến ngày thành công, bà Thảo đã trải qua những năm tháng làm việc không ngơi nghỉ, từ những việc không tên đến công tác quản lý, điều hành của một nhà lãnh đạo.

Ban ngày bà Thảo phụ trách chính việc tiếp khách để tuyển chọn đơn vị làm nhượng quyền thương mại, đến tối lại đi xem các mặt bằng đẹp để làm quán. Thời đó không có Google Map để dễ dàng định vị và nghiên cứu vị thế như bây giờ, địa điểm nào bà cũng phải đi tới tận nơi để xem.

Bà mở quán cà phê Trung Nguyên ở số 603 Trần Hưng Đạo, Quận 1 và chọn quán này làm nơi đào tạo cho khách hàng muốn nhượng quyền. Ngày nào cũng bận rộn từ 6-7 giờ sáng đến 9-10 giờ đêm, bà trực tiếp hướng dẫn và làm việc với khách hàng, ngay cả khi sắp tới ngày sinh.

Niềm vui gia đình và công việc cứ thế đan xen vào nhau, tiếp thêm động lực và tình yêu lớn lao của đôi vợ chồng trẻ đối với Trung Nguyên – cái tên vừa được chọn cho thương hiệu cà phê, vừa được chọn cho đứa con đầu lòng.

Chỉ trong hơn 1 năm, từ 1999 đến 2000, Trung Nguyên đã có chừng 400-500 quán cà phê trên khắp cả nước.

Cà phê hòa tan G7 ra đời 

Khi học được cách tổ chức, cấu trúc và vận hành một công ty lớn, năm 2000 hai vợ chồng thành lập công ty cà phê Trung Nguyên ở TP.HCM để phát triển với quy mô lớn hơn.

Một quyết định không đúng trong tái trúc toàn bộ hệ thống đại lý, cho sáp nhập cả bộ phận kinh doanh nhượng quyền chung với bộ phận kinh doanh phân phối dẫn đến việc bỏ bê và thiếu chăm sóc hàng quán.

Việc này khiến số lượng và chất lượng các quán cà phê nhượng quyền dần dần giảm sút. Quán nào còn tồn tại thì lại xuống cấp trầm trọng khiến cho hình ảnh thương hiệu Trung Nguyên cũng bị ảnh hưởng theo.

Bà Thảo từng đi rất nhiều nước trên thế giới. Năm 2001, một dịp may rất tình cờ đưa bà đến ý tưởng làm cà phê hòa tan. Lúc đó bà tham dự hội nghị kinh doanh toàn cầu tại Cologne, Đức và gặp được người có cơ duyên rồi trò chuyện, viễn cảnh ngành cà phê hòa tan với mấy trăm tỷ USD mở ra.

Trong nhiều chuyến đi nước ngoài khác, bà Thảo cũng được dịp tìm hiểu nhiều hơn về Nescafe. Khi về nước bà đã cố gắng thuyết phục ông Vũ tạo ra cà phê hòa tan. Tại thời điểm đó rất nhiều người nghĩ rằng khi đã kinh doanh cà phê chế biến thì sẽ không làm cà phê hòa tan nữa.

Lợi thế của cà phê hòa tan là pha chế cực nhanh mà dễ uống. Nó sẽ trở thành xu hướng vì con người ngày càng bận rộn. Ý tưởng đầu tiên của bà là làm thế nào để khách hàng uống một ly cà phê Trung Nguyên nhanh chóng hơn.

Bà cho mở xưởng sản xuất cà phê hoà tan ở số 204 Bùi Thị Xuân. Cũng như với Trung Nguyên, bà Thảo là người chọn cà phê hòa tan, còn ông Vũ chọn tên là G7.

“Khi không đủ thời gian cho Trung Nguyên – hãy chọn G7” – câu slogan đã giúp G7 được biết đến rộng rãi và nhanh chóng.

Từ 2003 – 2011, G7 thực sự đã là thương hiệu cà phê hòa tan số 1 Việt Nam dựa trên sản lượng bán ra của cả 3 brands tại thời điểm đó. Bà đã rất mừng rỡ khi thông báo với tất cả nhân viên công ty tin mừng này.

Thương hiệu Trung Nguyên trở thành cái tên “nóng” được giới truyền thông chú ý. Hai vợ chồng bà cùng đồng thuận với nhau: Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ là gương mặt của thương hiệu, còn Lê Hoàng Diệp Thảo chỉ huy uyển chuyển trong hậu trường kinh doanh.

Năm 2004, vợ chồng bà quyết định cho xây hai nhà máy cùng lúc, một ở Buôn Ma Thuột và một ở Bình Dương. Cả hai đều xây chỉ trong ba tháng.

Khi quyết định tái cấu trúc hệ thống phân phối và đưa Trung Nguyên vươn ra nước ngoài, bà tham gia khóa học tại Nhật Bản. Những kiến thức từ khóa học đó được bà áp dụng hiệu quả cho Trung Nguyên.

Bà cũng nhìn thấy được rằng, chỉ có con đường ra thế giới mới có thể nâng tầm thương hiệu Việt Nam. Và trong bối cảnh này, chỉ có Trung Nguyên mới làm được điều đó.

Phía sau sự thành công của chồng

Thời điểm đó, bộ phim Giọt đắng mà kịch bản được lấy cảm hứng và chất liệu từ những cuộc trò chuyện, phỏng vấn ông Vũ và một số người nữa, nhưng thiếu phỏng vấn bà Diệp Thảo vì bà không muốn xuất hiện.

Vì vậy nội dung phim này có 50% sự thật về câu chuyện của vợ chồng Trung Nguyên. Bộ phim này được HTV phát hành khá thành công và được chiếu đi chiếu lại nhiều lần cho đến nay.

Đến tháng 7/2003 bà sinh tiếp đứa con trai thứ hai cho ông Vũ và vẫn giữ cường độ làm việc, vừa chăm sóc con vừa làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Trong suốt hành trình dài ấy, bà là người tạo ra các cột mốc quan trọng của Trung Nguyên.

Năm 2005 bà sinh tiếp một cô con gái dễ thương nữa. Gia đình bà như mẫu hình đẹp và thành công mà cả xã hội mơ ước. Báo giới rất muốn viết về gia đình bà nhưng bà chỉ muốn âm thầm làm việc, đứng phía sau chồng, nâng chông lên cao.

Từ năm 2006 bà Thảo được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên. Đây là vị trí chủ chốt quan trọng nhất của Tập đoàn được quyền phê duyệt như Tổng giám đốc, có thể trực tiếp kiểm soát điều hành toàn bộ hệ thống Trung Nguyên, từ chính sách kinh doanh, hệ thống phân phối đến kiểm soát quản trị, điều hành doanh nghiệp và quản lý tài chính...

Ngoài ra, bà Thảo còn giữ vai trò Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bình Dương.

Sự đồng lòng của hai vợ chồng, tài ngoại giao xuất sắc của ông Vũ cùng với hậu phương vững chắc của người vợ đã xây dựng thành công thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Có thể nói ở Trung Nguyên, ông Vũ là người đưa ra chiến lược, còn bà Thảo chính là người thực thi chiến lược đó một cách hoàn hảo nhất.

Ông Vũ bước ra ngoài tự tin với truyền thông, truyền ngọn lửa khát vọng thì bên trong đã có bà Thảo quản lý tài chính, điều hành công ty, rà soát các lỗ hỏng để vá chúng lại thành bức tranh hoàn hảo cho thương hiệu Trung Nguyên và nhân hiệu Đặng Lê Nguyên Vũ.

Vươn tầm quốc tế, tái xây dựng thương hiệu

Năm 2008, bà Thảo qua Singapore để thành lập Trung Nguyên International. Bà đã họp với rất nhiều nhóm chiến lược Âu, Á để tái xây dựng thương hiệu Trung Nguyên, thiết lập kinh doanh quốc tế và xác lập vị trí của mình tại Singapore – một cửa ngõ kinh tế quan trọng để ra thế giới.

Quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên mở tại sân bay Changi, rồi Liang Court là cửa hàng đầu tàu. Singapore là trạm transit của thế giới, lượng người đổ xuống sân bay Changi hàng ngày rất đông. Quán cà phê đó tạo ra dấu ấn cực kỳ tốt cho Trung Nguyên để bước ra sân chơi rộng lớn.

Khi trở về Việt Nam, bà Thảo quyết định tách chuỗi quán cà phê ra riêng và thành lập Trung Nguyên Franchise. Bà cho thay tất cả hình ảnh cũ do mô hình nhượng quyền trước để lại. Sau này, hệ thống nhận diện thương hiệu của Trung Nguyên Franchise là hình đôi cánh bay lên rất được giới chuyên môn và người tiêu dùng yêu thích.

Năm 2010, bà sinh người con thứ 4 cho ông Vũ. Trong thời gian này, bà vẫn giữ vai trò Phó Tổng giám đốc thường trực của Tập đoàn Trung Nguyên. Năm 2011, theo đề nghị của chồng, bà đồng ý chuyển Trung Nguyên International vào hệ thống các công ty thuộc TNG để thuận lợi hơn cho công việc gia đình và phát triển, điều hành Tập đoàn.

Đọc thêm