Gương sáng Pháp luật

Ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp An Giang: 35 năm tận tụy “phải biết nói cái người dân cần nghe”

(PLVN) - Suốt 35 năm công tác trong ngành Tư pháp, ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp An Giang không ngừng sáng tạo, đề ra nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp để phát triển ngành Tư pháp địa phương.
Giám đốc Sở Tư pháp An Giang - ông Cao Thanh Sơn.
Giám đốc Sở Tư pháp An Giang - ông Cao Thanh Sơn.

Tuyên truyền luật qua tin nhắn

Vào ngành Tư pháp từ năm 1986, luôn nỗ lực cố gắng, ông Sơn từng lần lượt kinh qua các chức vụ Phó phòng Văn bản – Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), Trưởng phòng PBGDPL, Phó Giám đốc Sở… Tháng 7/2015, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tư pháp An Giang.

Có nhiều năm công tác trong lĩnh vực PBGDPL nên ông Sơn được đánh giá là người thấu hiểu cặn kẽ những khó khăn, thách thức, thiếu sót, vướng mắc và đặc thù riêng biệt về công tác PBGDPL của An Giang. Từ đó, ông đưa ra nhiều cách thức, giải pháp tuyên truyền pháp luật hiệu quả, đúng đối tượng, nội dung, hình thức; đưa kiến thức pháp luật đến người dân.

Ông Sơn cho biết, công tác PBGDPL “thấy dễ nhưng không dễ”, “dễ làm nhưng khó đạt hiệu quả cao”. Ai biết luật, hiểu luật cũng làm được; nhưng làm thế nào đem lại hiệu quả thiết thực nhất mới là vấn đề then chốt. Tuyên truyền, PBGDPL không thể tuyên truyền, phổ biến suông, thiếu trọng tâm, trọng điểm.

“Tuyên truyền, PBGDPL không phải cứ theo một mô-tuýp rồi triển khai hết năm này qua năm khác; mà ở từng năm, từng thời điểm, từng chuyên đề phải có cách thức, giải pháp, cách làm riêng, vừa phải ngắn gọn, dễ hiểu, vừa phải đơn giản hóa các thuật ngữ pháp luật để người dân dễ tiếp cận. Văn bản pháp luật rất nhiều, quan trọng nhất là phải đưa đến cho dân những nội dung họ cần. Dân cần họ mới nghe, nghe rồi mới hiểu, hiểu rồi mới thực hiện”, ông Sơn nói.

“Làm báo cáo viên pháp luật là phải biết nói cái người dân cần nghe, chứ không phải nói cái mà báo cáo viên đang có. Đối tượng khác nhau phải có cách tuyên truyền, phổ biến khác nhau. Phải làm sao để pháp luật đến được gần dân, đi sâu, đi sát vào đời sống người dân. Pháp luật phải đến được từng phum sóc, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, đối tượng đặc thù, người yếu thế…”, ông Sơn chia sẻ.

Với quan điểm và cách suy nghĩ đó, trong thời gian qua, công tác PBGDPL trên địa bàn An Giang luôn có sự đổi mới, sáng tạo và vận dụng linh hoạt các giải pháp để nâng cao hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến. Ngành Tư pháp An Giang đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền pháp luật trực tuyến, đăng tải thông tin pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Sở và bản tin pháp luật. Từ năm 2019 đã ký hợp đồng với Chi nhánh Cty Bưu chính Viễn thông tại An Giang gửi tin nhắn điện thoại có nội dung tuyên truyền chính sách, pháp luật các lĩnh vực giao thông, bảo vệ trẻ em, tài chính ngân hàng, DN, khoa học công nghệ… đến các thuê bao trên địa bàn tỉnh.

Từ khi triển khai thực hiện, Sở Tư pháp đã gửi hơn 540.000 tin nhắn điện thoại cho hơn 490.000 thuê bao điện thoại, về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; hình sự; giao thông đường bộ; đất đai; tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường; các chế tài xử lý vi phạm về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây được xem là bước đột phá, đổi mới trong công tác tuyên truyền, PBGDPL được bộ, ngành và UBND tỉnh đánh giá cao.

Linh hoạt tháo gỡ nhiều “nút thắt”

Thời gian qua, ngành Tư pháp An Giang đã chứng minh là người “gác cổng pháp luật” đắc lực cho địa phương. Nhiều văn bản được Sở tham gia xây dựng, thẩm định, đóng góp trình HĐND, UBND tỉnh ban hành, đã đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản pháp luật, phù hợp thực tiễn địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Ông Cao Thanh Sơn (ngồi giữa) trong một chương trình phổ biến giáo dục pháp luật Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang.

Ông Cao Thanh Sơn (ngồi giữa) trong một chương trình phổ biến giáo dục pháp luật Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang.

An Giang có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn một số hạn chế; nên bên cạnh việc PBGDPL, ngành Tư pháp cũng đặc biệt quan tâm đến công tác trợ giúp pháp lý. 11 tổ trợ giúp pháp lý với 130 thành viên ở cấp huyện; 90 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý với hơn 1.000 thành viên đã luôn duy trì và hoạt động hiệu quả, đảm bảo, 100% số xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đều có câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Công tác trợ giúp pháp lý tập trung hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng dân tộc, biên giới trong tỉnh.

Trong 35 năm công tác ở nhiều lĩnh vực của ngành Tư pháp, nhận thấy những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ, ông Sơn luôn chủ động gợi ý, đề ra giải pháp và yêu cầu các đơn vị chuyên môn nghiên cứu triển khai thực hiện, đánh giá, rút kinh nghiệm với mong muốn cuối cùng là tháo gỡ được “nút thắt” mà công tác tư pháp còn bất cập. Đơn cử như vấn đề đăng ký khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Chứng kiến nhiều trường hợp trẻ em được sinh ở nước ngoài về Việt Nam qua đường tiểu ngạch mà không rõ đã đăng ký khai sinh ở nước ngoài hay chưa, ông Sơn đã tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về hộ tịch tại địa phương, trực tiếp phụ trách công tác hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, công chứng… “Tôi đã trăn trở, suy nghĩ tìm ra cách nhằm kịp thời hướng dẫn cho cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện đăng ký khai sinh cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh nêu trên nhưng vẫn phải đảm bảo đúng theo quy định của Luật Hộ tịch”, ông Sơn kể. Vị Giám đốc Sở đã trực tiếp chỉ đạo Phòng Hành chính Tư pháp yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch rà soát, báo cáo, đề xuất và xin ý kiến Bộ Tư pháp hướng dẫn.

Cán bộ tư pháp đã phối hợp với cơ quan công an kiểm tra, xác minh thông tin. Nếu trẻ em nhập cảnh về Việt Nam không qua các cửa khẩu biên giới, không sử dụng giấy tờ hợp lệ để nhập cảnh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cấp xã thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ. Hồ sơ phải có văn bản cam đoan của người mẹ. Phần khai về người cha và quốc tịch của trẻ em tạm thời để trống; phần ghi chú trong Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau giấy khai sinh ghi “trẻ em sinh ra ở nước ngoài, chưa đủ cơ sở xác định cha, quốc tịch”.

Giải pháp có tính khả thi và áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, góp phần giải quyết vấn đề về hộ tịch, hộ khẩu, giúp các em có thể ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh trật tự và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký hộ tịch, quản lý cư trú.

Ông Sơn được đánh giá luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan; trong lãnh đạo và điều hành luôn quy tụ được sự đoàn kết thống nhất, phát huy trí tuệ tập thể cán bộ chủ chốt, công chức, viên chức, người lao động Sở, sự nhất trí và đồng lòng trong tập thể Ban Giám đốc để duy trì, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ông Sơn đã vinh dự được nhận được nhiều huân, huy chương, bằng khen của Bộ Tư pháp; của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các bộ, ngành cơ quan Trung ương; Bằng khen của UBND tỉnh trên các mặt, lĩnh vực công tác tư pháp; Huân chương Lao động hạng Ba; Hai lần được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” và các kỷ niệm chương ghi nhận đóng góp trên các lĩnh vực Giáo dục, Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Công đoàn.

Đọc thêm